Nhìn từ thực tiễn

20/10/2012 19:46

(Baonghean) - Việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ chiếm khoảng 70% trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta. Hình thức chăn nuôi này có nhiều cái lợi như: tận dụng diện tích đất, lao động của gia đình, tận dụng nguồn thức ăn, đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh… Song bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi này cũng xuất hiện không ít tồn tại, hạn chế…

Trong nhiều năm qua, hình thức chăn nuôi nông hộ, chủ yếu là nuôi lợn chiếm đến hơn 70% trong tổng đàn của các địa phương. Hình thức chăn nuôi này đã có truyền thống lâu đời và mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét trong đời sống của người nông dân. Tuy thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, giá cả thị trường và chuyển đổi ngành nghề nên hình thức này có chiều hướng giảm xuống. Song phải khẳng định rằng, hình thức này vẫn còn tồn tại một thời gian khá lâu nữa vì hình thức này đang còn phù hợp với đa phần người dân sống chủ yếu tại vùng nông thôn và miền núi.

Tuy nhiên, thì chăn nuôi theo hình thức nông hộ cũng tồn tại nhiều vấn đề. Do diện tích nuôi trong khu dân cư chật hẹp, không có các hệ thống xử lý chất thải nên vấn đề ảnh hưởng đến môi trường là không thể tránh khỏi. Tại xã Nam Giang (Nam Đàn), hiện có tổng đàn lợn đến hơn 2.000 con. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Giang - Phan Trọng Hải cho biết thì hiện toàn xã có khoảng hơn 400 mô hình chăn nuôi nông hộ nằm rải rác ở 12 xóm. Điểm chung hầu hết của các mô hình này là chuồng trại chăn nuôi nằm trong khuôn viên của gia đình, chưa có hệ thống xử lý nước thải. “Toàn xã hiện mới chỉ có khoảng trên 100 hộ xây hầm khí biogas để xử lý phân và nước thải. Tuy ý thức chăn nuôi của người dân đã được nâng lên nhưng cũng không thể tránh khỏi được việc một số hộ còn để nước thải chăn nuôi tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Xã đã nhiều lần tiến hành nhắc nhở các hộ này cần có phương án xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi”, ông Hải nói.



Chăn nuôi nông hộ giúp người dân tận dụng nguồn thức ăn thừa,
lao động nông nhàn…

Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về chăn nuôi của các hộ nông dân còn có nhiều hạn chế. Một số hộ còn có tư tưởng lơ là trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, khi có đợt tiêm phòng mới thực hiện chứ chưa chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc của gia đình mình. Thực tế cho thấy, trong thời gian những năm gần đây, một nguyên nhân khiến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh là do môi trường chăn nuôi trong khu dân cư chưa được đảm bảo. Mầm bệnh chưa được xử lý triệt để, khi có điều kiện thuận lợi thì bùng phát ngay.

Trong quy hoạch chăn nuôi hầu hết các địa phương theo hướng đưa các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư. Một mặt là hình thành nên các vùng chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, một mặt giúp ngành Thú y dễ quản lý được công tác chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Song, trước thực tiễn đặt ra về đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn rất thấp, một vài con lợn có thể trở thành “cần câu cơm” của rất nhiều hộ dân thì kế hoạch trên là cả một quá trình dài. Ông Hoàng Đức Ân - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết, chủ trương của huyện là vẫn khuyến khích các hộ dân chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ bên cạnh xây dựng các trang trại lớn với điều kiện các hộ dân phải thực hiện tiêu chí chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, công tác tiêm phòng...

Vì vậy, để hình thức chăn nuôi nông hộ vẫn có thể tồn tại và phát triển bền vững mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, an toàn dịch bệnh thì cần phải có sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời, định hướng lâu dài từ phía ngành chức năng.


Phạm Bằng