Doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác với lừa đảo thương mại tại thị trường châu Phi

14/09/2012 22:13

Thủ đoạn lừa đảo là yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc, trả trước các khoản phí… qua mạng và tài khoản, nhưng họ lại không giao hàng.

Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á, Bộ Công Thương cho biết: Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng ở châu Phi, chủ yếu ở Trung Phi và Tây Phi như Nigeria, Ghana, Cameroon và Togo…lừa đảo thương mại. Mới đây nhất có doanh nghiệp nhập khẩu gỗ bị đối tượng ở Cộng hòa Cameroon lừa đảo.

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á: Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều và gỗ từ Châu phi và xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng nông sản, dệt may, da giầy, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ ngành nông nghiệp… Trong giao dịch xuất - nhập khẩu, tất cả các mặt hàng này đều có nguy cơ bị lừa.

Các thủ đoạn và hình thức thường được các đối tượng sử dụng để lừa đảo như: Yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc, trả trước các khoản chi phí trong nhập khẩu, phí giao dịch, phí bảo lãnh hợp đồng… qua mạng và tài khoản. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền thực hiện hợp đồng, đối tượng chấm dứt mọi giao dịch, không thực hiện việc giao hàng như hợp đồng đã ký.

Cũng theo ông Phạm Trung Nghĩa, sau những vụ lừa đảo xảy ra, Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á cùng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Châu phi đã vào cuộc để kiểm tra nhưng không thể tìm ra manh mối kẻ lừa đảo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể giúp doanh nghiệp vớt vát lại số tiền đã bị lừa.

Ông Phạm Trung Nghĩa cho biết thêm: Một số nước ở Trung và Tây phi chủ yếu nói tiếng Pháp, trừ một số nước như Nigeria, Ghana, Niberia... Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo ở những nước này đều sử dụng tiếng Anh trong giao dịch. Đây là một trong các dấu hiệu để khi các doanh nghiệp Việt Nam liên hệ với các doanh nghiệp ở khu vực này cần lưu ý những nước nói tiếng Pháp mà giao dịch giấy tờ bằng tiếng Anh là có vấn đề.

Bộ Công Thương cũng đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này đối với doanh nghiệp Việt Nam thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hội thảo chuyên đề về cách phòng tránh rủi ro khi các doanh nghiệp muốn kinh doanh tại trị trường Châu Phi. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chưa biết, vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị lừa đảo trong thời gian vừa qua./.


Theo VOV - NT