Khó khả thi
(Baonghean) Ngày 20/7, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 33/2012 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/9/2012. Sau khi Thông tư được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến dư luận cho rằng một số điều khoản của Thông tư là khó khả thi.
Không thể bán hết thịt trong vòng 8 giờ đồng hồ
Tìm hiểu các chợ trong Thành phố Vinh, được biết mỗi người kinh doanh thịt lợn trung bình mỗi ngày nhập khoảng 10 - 12 con lợn có trọng lượng thành phẩm khoảng 50 - 60 kg/con để bán trong ngày. Thịt không bán hết trong buổi sáng được cho vào thùng xốp chứa đá lạnh.
Khi được hỏi về quy định thịt chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ trong điều kiện nhiệt độ thường của Thông tư 33, chị Chung - một tiểu thương chợ Hưng Dũng có thâm niên 12 năm trong nghề buôn bán thịt lợn cho biết: “Quầy tôi tiêu thụ nhiều nhất, nhưng chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ thì không thể bán hết 5- 6 yến thịt được, chúng tôi đành phải ướp đá rồi cuối ngày bán tiếp”. Khi được hỏi về điều kiện nhiệt độ bảo quản lạnh phải từ 0 - 5 độ C, chị Chung nói: “Nếu BQL chợ cho đặt tủ đông chúng tôi chấp hành ngay, vì đó cũng là mong muốn của chúng tôi…”.
Diện tích các quầy hàng chỉ từ 2-3m2 không phù hợp cho việc đặt tủ đông bảo quản thịt.
Trao đổi về tính khả thi của quy định thịt chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ đồng hồ, ông Trần Minh Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: "Nếu thực hiện được thì tốt quá, vì thực tế thịt tươi sống sau khi giết mổ qua 8 tiếng ở nhiệt độ thường là đã phân hủy. Nhưng để thực hiện đúng quy định thì chúng tôi cần sự phối hợp một cách đồng bộ của các ngành chuyên môn khác và hơn hết cần chính sách để thực hiện".
Thực tế cho thấy, việc bảo quản đã khó kiểm soát, việc kiểm dịch cũng rất nan giải. Cơ quan thú y chỉ kiểm tra đóng dấu vào sáng sớm cho mỗi con lợn thành phẩm, khi con lợn đó được chia ra thành những miếng nhỏ thì khách hàng không thể nhận biết được miếng thịt mình lựa chọn có được kiểm dịch hay không. Ông Hạnh cho biết thêm: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 30 lò giết mổ tập trung được cấp phép hoạt động, các thú y viên dù rất nỗ lực nhưng vẫn không đảm bảo phủ kín được việc kiểm dịch, đóng dấu. Vậy thì đối với những lò mổ làm sao chúng tôi đủ cơ chế và quân số để kiểm dịch. Thậm chí chúng tôi cũng không thể quản lý được số lượng các lò mổ”. Mặt khác, một tiểu thương cho biết: “Vào sáng sớm lúc chưa có khách, cán bộ thú y đến chợ để đóng dấu sau khi chúng tôi đã nhận hàng”. Như vậy, ngay việc đóng dấu đã không đúng quy định kiểm dịch, thực tế chỉ mang tính hình thức. Một ngày tại một chợ bán lẻ tiêu thụ hết khoảng 600 – 700 kg thịt, ở TP. Vinh có hơn 20 chợ bán lẻ, trên địa bàn thành phố chỉ có hơn 10 lò mổ. Các tiểu thương bán lẻ cũng cho biết họ không nhập hàng từ các lò mổ tập trung hay từ các lò mổ tự phát. Ngoài ra, Thông tư còn quy định người giết mổ vận chuyển và buôn bán thịt phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe. Chị Thủy chợ Quang Trung cho biết: “Tôi buôn thịt bò ở chợ này đã hơn 15 năm, mấy giấy tờ đảm bảo sức khỏe đó chưa thấy cơ quan chức năng nào hỏi. Nếu phạt tôi vì thiếu giấy khám sức khỏe thì phạt tất cả những người bán thịt ở chợ này…” .
Như vậy, khi những quy định trong thông tư trong thực tế khó có thể thực hiện được một cách triệt để, thì liệu khi Thông tư có hiệu lực, các ban ngành chức năng có đủ chế tài xử phạt hay không?
Cần có sự đồng bộ về trách nhiệm, chế tài và điều kiện năng lực
Khi được hỏi về các quy định trong thông tư sẽ được ban hành, các tiểu thương chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết nếu xử phạt thì sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng chưa thể có thiết bị để nhận biết thịt tươi sống sau giết mổ đã qua 8h. Lực lượng chức năng cũng không đủ quân số để ngày nào cũng đi kiểm tra, nơi nào cũng kiểm tra, các chợ quê, các điểm tự phát trong xóm ngõ thì càng không thể kiểm tra hết được.
Về vấn đề này, cũng ông Hạnh cho biết: “Thực tế tinh thần Thông tư đã và đang được thực hiện, nhưng khi tiến hành kiểm tra chúng tôi chỉ có thể thực hiện theo cảm quan như xem màu thịt của con vật đã giết mổ, “độ dính” trên miếng thịt, và kiểm tra bằng khứu giác. Khi các quy định trong Thông tư có hiệu lực, chúng tôi cần được trang bị thiết bị để đạt độ chính xác cao, lúc ấy việc xử phạt mới có tính thuyết phục...”
Hiện Chi cục Thú y đã xây dựng đề án đến năm 2020 và đề nghị UBND tỉnh giao các huyện kinh phí, quy hoạch về vị trí địa điểm xây dựng chợ, về chính sách và cơ chế đối với các lò mổ. Khi có một chính sách và cơ chế đồng bộ, ai không thực hiện sẽ xử lý được ngay. Hiện nay, NĐ 40 về đảm bảo VSATTP đã đề ra chế tài xử phạt nhưng không khó thực hiện vì trên thực tế gần 90% “dính luật”, nếu làm nghiêm thì một ngày có thể xử phạt tới 1 tỷ đồng.
Để thực hiện đúng tinh thần Thông tư cần sự vào cuộc và sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các cấp, ngành chuyên môn. Thông tư đang trong quá trình sửa đổi, vì vậy cần sự tham mưu của các ngành chuyên môn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cần sự thay đổi mạnh mẽ trong chính tập quán và thói quen buôn bán của người dân.
Thanh Nga