Nữ anh hùng làng Gám

17/10/2012 16:46

(Baonghean) - Sách báo đã viết nhiều về O Vũ Thị Hiên - người con gái anh hùng của làng Kẻ Gám, 1 trong 13 thanh niên xung phong của tiểu đội 2, đại đội 317, hy sinh anh dũng tại Truông Bồn trong ngày 31/10/1968 đau thương ấy, nhưng cũng có nhiều chuyện chưa biết về O.



Di ảnh Liệt sỹ Vũ Thị Hiên

Nhà tôi ở gần nhà o, chỉ cách hai, ba nóc nhà. Có thằng Hoà, con chú Liêu (em ruột o) học cùng lớp với con nhà tôi nên khi ông bà Vũ Đình Phiên còn sống cũng như bây giờ, tôi vẫn thường sang nhà chơi. Nghe bà kể chuyện, năm 1968 là năm nhiều tai hoạ dồn dập đến với gia đình. Mồng 5 tháng Giêng, vừa ăn Tết xong thì người con út là Vũ Đình Tuyền, mới 5 tuổi, đang chơi với mấy chị em lăn quay ra đột tử; giữa năm vào một ngày cuối tháng 6, cha Vũ Đình Phiên ở trong đội vận tải xe đạp thồ xung kích chở gạo từ Tăng Thành xuống Ga Sy, đến cầu Bà trúng bom bị thương ở bụng. 2 tháng sau thì o Hiên hy sinh.

Bà còn nhớ như in ngày ấy, o Hiên là con cả trong nhà, sau o còn có 7 đứa em nên o thường hay nhường nhịn các em. Công việc trong nhà, đi cấy, đi cuốc đất, đi đào rau má, xay lúa, bồng em… o làm thoăn thoắt. Học lên cấp 2, o đã cùng bạn lên rừng bứt cây muồng muồng về bán lấy tiền mua sách vở. Học xong lớp 7, chưa đầy 17 tuổi đã cùng các bạn trong xóm rủ nhau đi thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên Yên Thành lúc đầu lên phục vụ ở Phà Dinh (Nghĩa Đàn), năm 1966 chuyển về Hoàng Mai, cuối năm đó lại chuyển về Đô Lương, Thanh Chương, khi thì ở Rào Gang, Rú Nguộc, khi chuyển về Cầu Om, Truông Bồn. Năm 1967-1968, đơn vị chuyển hẳn về Truông Bồn.

Cuối mùa Hè năm 1968, nhận được giấy báo gọi o Hiên nhập học Trường Trung cấp Y tế của tỉnh đóng ở Thanh Chương, gia đình gửi vào đơn vị. Bỗng một buổi chiều trời vừa chập choạng tối, có anh bộ đội về tin: đơn vị bị trúng bom, chưa biết thương vong ra sao. Ông Phiên vội đi theo anh bộ đội. Vào đến nơi mới biết o vừa hy sinh, đơn vị vừa làm lễ truy điệu cấp táng xong. Đêm 31/10 ấy, cả nhà thức sáng đêm chờ ông về. Còn ông xong việc cũng về ngay trong đêm. Khi ông về đến đầu ngõ, nghe ông nói: “Con không còn nữa bà ơi”, bà đổ gục xuống sân. Sau đận ấy, bà yếu hẳn. Bà nói, ban ngày đi làm đồng, công việc khuây khoả, nhưng đêm đến hễ nằm xuống giường là thấy con về. Thương con hy sinh chưa đầy tuổi 20 – còn trẻ quá...

Những ngày tháng 10 năm nay, tôi lại sang nhà o Hiên, cha mẹ o Hiên đều đã qua đời (cụ bà mất năm 2003, cụ ông mất năm 2007), các em của o Hiên hôm nay đã nên ông, nên bà. Hồi ông bà còn sống, mỗi năm, 2 lần, nhớ ngày mất của o và ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, ông bà quây quần cùng con cháu sum họp để nhớ về người chị cả, đẹp người, đẹp nết mà phận mỏng. Khi bà còn sống, hàng năm bà bảo con cháu chở bà vô Truông Bồn thắp hương cho o. Năm 2008, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn, chú Liêu cũng được đón vào Truông Bồn dự lễ. Nghe chú Liêu nói con cháu ở trong Nam về cũng thường vào Truông Bồn thắp hương cho các o. Nhưng tất cả anh em, con cháu, kể cả bà lúc còn sống, hễ mỗi lúc đi thăm o, khi xe vừa xuống đến cuối dốc Truông Bồn, gần đến mộ o ai cũng cảm thấy khang khác. Hình như o báo đã đến gần nơi o hy sinh. Khi vào đến phần mộ, không ai cầm được nước mắt. Lại nghe các bà, các cụ trong vùng kể, đêm đêm vẫn thường nghe văng vẳng tiếng kẻng báo động, tiếng cười của các o, các anh. Đầu năm nay, một đơn vị bộ đội về rà phá bom mìn làm sạch cánh đồng dưới chân Hòn Thàng, có mấy anh nghỉ lại nhà chú Liên, nơi gia đình lập bàn thờ o Hiên, nghe mấy anh nói đêm đêm thấy một o con gái mặc quần áo bộ đội đứng đầu giường. Chú Liêu bảo: “Chị tôi đó, chị cả tôi hy sinh ở Truông Bồn”. Các anh bộ đội bảo: “Ở trong nhà ta thờ người con gái anh hùng nay mới biết”. Rồi các anh mua hương hoa đặt lên bàn thờ o.

Hơn bốn chục năm rồi, chiến tranh đã lùi xa, đất nước quê hương đang trên đà đổi mới. Những người ruột thịt, những người đồng đội của các o, kẻ mất người còn. Lớp trẻ nhà cháu Hoà, cháu Dương… đều đã trưởng thành. Nhưng ai cũng nhớ về o, người con gái anh hùng của làng Kẻ Gám. Ai cũng nghĩ như là o Hiên vẫn còn đây, còn sống mãi trong ký ức của những người thân yêu, trong ký ức của nhân dân.


Ngô Đức Tiến