Thanh Ngọc về đích “dồn điền, đổi thửa”

14/11/2012 21:33

(Baonghean) - Trong khi nhiều địa phương đang triển khai các quy trình dồn điền, đổi thửa, theo tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 8/5/2012 thì xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) đến thời điểm này đã về đích và vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh.

Thanh Ngọc là xã có địa hình đất đai không bằng phẳng, chỗ thì cao, chỗ thì sâu trũng, đất và ruộng tốt ít, hàng trăm héc ta đất bị bỏ hoang, như vùng Bung Vàng, Minh Nhuận... Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao do đất đai, ruộng lúa mạnh mún, có hộ 5 - 6 vùng, cá biệt có hộ 9 - 10 vùng... Năm 2010, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần 2 của Huyện ủy Thanh Chương (lần 1 thực hiện năm 2003 theo Chỉ thị 02 của Tỉnh ủy), Đảng ủy xã Thanh Ngọc đã ban hành Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 2 trên địa bàn toàn xã, giao UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập các Ban Chỉ đạo, Ban Tuyên truyền chuyển đổi ruộng đất từ cấp xã đến cấp xóm, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy xã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết tại các xóm. Mọi kế hoạch, cách thức thực hiện đều được đưa ra dân bàn bạc và tự thống nhất. Người dân cũng tự bình và xếp hạng từng loại đất, loại ruộng tốt, xấu, đồng thời đưa ra tỷ lệ chia theo từng nhóm đất. Căn cứ vào đó, người dân tự nhận thấy khả năng, năng lực của mỗi hộ để nhận ruộng và đất phù hợp nhằm đầu tư thâm canh hiệu quả. Quá trình thực hiện phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu của từng đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy, ban cán sự xóm, các chi hội, đảng viên và từng đại biểu HĐND các cấp.



Dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện để mở rộng giao thông nội đồng, kênh mương ở xã Thanh Ngọc (Thanh Chương).

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Tư, khẳng định: Thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Người dân, nhất là các hộ đã sở hữu những thửa ruộng tốt rồi ban đầu phản đối quyết liệt, còn cán bộ xóm có tâm lý muốn ổn định, ngại vất vả, va chạm nên không muốn triển khai. Song bằng sự quyết tâm và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đối với một số hộ dân chưa đồng tình thì cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động; hộ nào kiên quyết không đồng tình thực hiện thì xã tiến hành lấy biểu quyết của dân để tiến hành thực hiện. Ở một số xóm, ban cán sự xóm không triển khai thì dùng biện pháp “cứng” đưa ra xem xét tư cách của người cán bộ, thậm chí là đề nghị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhận. Bằng cách làm đó, đến nay, xã Thanh Ngọc đã hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 với 1.013 hộ nhận ruộng đất ngoài thực địa. Sau chuyển đổi, bình quân mỗi hộ nhận 2,41 vùng; cá biệt vẫn có hộ có 4 đến 7 vùng ruộng. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 08, ngày 8/5/2012 về đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, Đảng ủy xã Thanh Ngọc tiếp tục rà soát và tập trung chỉ đạo công tác “dồn điền đổi thửa” ở xóm Ngọc Xuân, xóm mà mỗi hộ dân đang sở hữu 4 vùng đất ruộng trở lên. Kết quả, đến hôm nay, ở xóm này cũng đã rút gọn xuống còn 2 vùng/hộ.

Cũng đồng đất ấy, con người ấy, nhưng Thanh Ngọc hôm nay đã có những cánh đồng lúa cho năng suất cao hơn nhiều so với các vụ trước; những diện tích mặt nước được tận dụng để chăn nuôi cá; đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều trang trại trên những vùng, mảnh đất bỏ hoang trước đây. Ông Phan Công Đức, xóm Ngọc Thượng, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 9 sào, gồm cả ruộng lúa và đất màu. Trước đây, 9 sào này nằm rải rác ở 5 vùng, vào thời vụ sản xuất phải chạy đi chạy lại từ vùng này sang vùng khác để cày bừa, cấy hái rất vất vả. Bây giờ, gia đình tôi đổi 9 sào trước đây để lấy 5 sào ruộng tốt ở 1 vùng gần nhà. Ruộng được quy về một chỗ nên gia đình có điều kiện cải tạo và thâm canh, 2 vụ sản xuất lúa xuân và hè thu vừa qua năng suất vượt trội lên 2,2 – 2,5 tạ/sào”.

Không chỉ tạo cơ sở cho người nông dân yên tâm tập trung cải tạo ruộng đất, đầu tư thâm canh, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động mà thông qua việc chuyển đổi ruộng đất, Thanh Ngọc đã quy hoạch được một số vùng đất cao cưỡng, khô cằn hoặc sâu trũng trước đây người dân không nhận để giao cho các hộ có điều kiện xây dựng kinh tế trang trại; mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá với 70 ha. Nhờ đó, sau khi chuyển đổi đã phát triển được thêm 20 trang trại, nâng tổng số trang trại trong toàn xã lên 70 trang trại, trong đó có nhiều trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Điển hình ở xóm Minh Nhuận có trang trại anh Nguyễn Văn Thương; Nguyễn Hữu Khánh; Cao Thế Sinh; Lê Quang Hải.... Gắn với việc “dồn điền, đổi thửa” xã cũng đã tập trung hoàn thành việc chỉnh trang, mở rộng giao thông nội đồng với chiều dài 142 km....

Thành công từ Nghị quyết chuyển đổi ruộng đất ở Thanh Ngọc đã đưa địa phương này về đích sớm và vượt chỉ tiêu “dồn điền đổi thửa” mà tỉnh đang đề ra với 3 vùng/hộ (Thanh Ngọc cơ bản chỉ còn 1 – 2 vùng/hộ). Hiệu quả của việc “dồn điền đổi thửa” ở Thanh Ngọc đang có những tác động rất tích cực, tạo tiền đề tốt để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


MAI HOA