Rau an toàn ở Sơn Thành

23/10/2012 22:09

(Baonghean) Trở lại Sơn Thành, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở vùng đất cao cưỡng một thời bỏ hoang, nay bát ngát một màu xanh của rau được quy hoạch tập trung, phát triển thành hàng hoá với “thương hiệu” rau an toàn.

Dịp này, bà con đang thu hoạch rau sạch trái vụ. Chị Ngô Thị Loan ở HTX Sơn Tây cho biết: Mùa nào thứ ấy, quanh năm trên vùng đất này chúng tôi đều trồng được các loại rau màu. 2 sào đất của gia đình giai đoạn tháng 5-6 nắng nóng thì trồng dưa hấu. Thời điểm này cây hành trái vụ lại sắp cho thu hoạch. Theo như chị Loan thì nghề trồng rau “một vốn, bốn lời” bỏ vốn ra khoảng 1,5 triệu đồng để mua nứa, giống; chăm sóc đúng với quy trình sẽ cho thu hoạch trên 200 kg/sào, bán với giá 2.500 đ/kg, tổng thu nhập 6 triệu đồng/sào/2 tháng, trừ chi phí còn lãi 3,5 triệu đồng. Riêng hành trái vụ cho thu hoạch giai đoạn tháng 9 (âm lịch) cũng bỏ tiền giống khoảng 1 triệu đồng/sào, 1,5 tháng cho thu hoạch trên 3 triệu đồng/sào, trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng/sào. Nhờ rau mà gia đình chị Loan có tiền tu sửa nhà cửa, trang trải cho con học hành.

Chị Lê Thị Hà đang chăm sóc hành trái vụ kể: “Hiện gia đình tôi có 4 sào hành trái vụ đang sắp cho thu hoạch, trồng hành khá đơn giản, chủ yếu mua giống về trồng trực tiếp, vun luống cao, tưới đều, chăm sóc đúng quy trình khoảng hơn 1 tháng đã cho thu hoạch. Dự tính trừ chi phí sẽ còn lãi 8 triệu đồng/ 4 sào hành. Thu hoạch xong hành chúng tôi sẽ triển khai trồng bắp cải, su hào, cà chua để phục vụ Tết Nguyên đán. Theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGap rau trồng tuyệt đối không sử dụng phân tươi, nước tưới bẩn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Ở HTX Sơn Đông có gần 10 hộ đã đầu tư trồng rau trong nhà lưới như hộ chị Hồ Thị Thuỷ trồng 5 sào, Hồ Triệu 10 sào… Đầu tư trồng rau nhà lưới khá tốn kém từ 1,5-2 triệu đồng/sào nhưng lại cho hiệu quả cao. Cụ thể là chống được sương mù, giảm thiểu sâu bệnh, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau cho năng suất cao, các loại vật liệu nhà lưới sử dụng được 2-3 năm.

Được biết ý tưởng trồng rau tập trung phát triển thành hàng hoá là của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Thế. Phục viên năm 1984, gia đình ông lên khai hoang lập nghiệp. Nghèo đói quanh năm bám riết bởi vùng đất cao cưỡng thiếu nước, trồng lúa kém năng suất. Ông Thế luôn trăn trở nghĩ suy tìm hướng thoát nghèo, vùng này hợp với trồng rau, trong khi rau phục vụ cho địa bàn Thị trấn Quỳ Hợp (trung tâm khai thác chế biến khoáng sản) luôn khan hiếm, chưa kể là sẽ phục vụ cho cả các huyện miền Tây. Năm 2008, “nhóm” sản xuất rau an toàn đã triển khai thông qua dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ do Hội Phụ nữ huyện thực hiện. Từ chỗ chỉ trồng mô hình từ 2-3 ha rau thì nay đã hình thành được 2 HTX sản xuất rau là Sơn Đông và HTX Sơn Tây, với tổng diện tích trên 20 ha rau.

Ông Thế cho biết: Riêng đối với HTX Sơn Tây có diện tích 10 ha thì HTX đã mạnh dạn trồng cây măng tây 2,1 ha từ năm 2011. Loại măng này giống lấy ở các nước Mỹ, Tây Ban Nha… thông qua Công ty TNHH Hạ Hiệp (Nghĩa Đàn) đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm này măng tây đã cho thu hoạch “bói”, cái hay là ngày nào cũng có bán tại vườn giá khá cao 50.000 đ/kg. Mỗi sào cho thu hoạch bình quân từ 3-4 kg/ngày, giai đoạn măng 2 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 6-8 kg/ngày. Măng tây cho thu hoạch từ 6-8 năm thì sẽ phải trồng lại, tuy nhiên chi phí ban đầu khá cao, khoảng 16-18 triệu đồng/sào, chủ yếu là chi phí giống. Trong sản xuất và tiêu thụ măng tây bước đầu đã hình thành liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ. Đó là Công ty TNHH Hạ Hiệp đã triển khai thu gom hàng ngay từ thời điểm thu hoạch “bói”, hàng sản xuất ra đến đâu hết đến đó. Ưu điểm của loại măng tây là không lo đầu ra, có thu hoạch quanh năm, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là nguồn nước tưới rau vẫn còn thiếu, từ năm 2009 dự án Tây Ban Nha tài trợ cho Sơn Thành 4 giếng khoan, hiện nay vùng trồng rau vẫn chưa đầu tư được giếng mới.



Trồng rau hàng hóa ở Sơn Thành (Tam Hợp - Quỳ Hợp).

Một lãnh đạo xã Tam Hợp cho biết thêm: Xã sẽ tiếp tục chuyển một số vùng “cao cưỡng” trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, bởi nhu cầu rau trên thị trường rất lớn, mạnh dạn mở rộng diện tích măng tây liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, tăng giá trị thu nhập, tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình trồng rau an toàn cho bà con. Từ năm 2009, làng rau Sơn Thành đã được công nhận tiêu chuẩn rau VietGap, vì vậy Sơn Thành quyết tâm xây dựng thương hiệu bền vững, vừa cung ứng nguồn rau an toàn cho thị trường, vừa phát triển kinh tế.


Văn Trường