Nên có bia dẫn tích một số "địa chỉ đỏ" đất Trường Thi

28/09/2012 20:06

(Baonghean) - Phường Trường Thi, TP. Vinh vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (21/8/1982-21/8/2012). Cán bộ và nhân dân rất phấn khởi trước sự phát triển khởi sắc về mọi mặt của phường trong thời gian qua và cũng rất vinh dự, tự hào khi có các công trình phúc lợi, văn hóa đặc biệt như: Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ; Công viên Trung tâm được xây dựng trên địa bàn, Công viên Nguyễn Tất Thành (hồ Goong) đang được chỉnh trang, nâng cấp; Đền Hạ Mã vừa được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, là những địa chỉ hấp dẫn, thu hút người dân và du khách tới tham quan, du lịch. Nhưng còn đó những địa chỉ mang trầm tích văn hóa, lịch sử trên đất của phường như Trường thi Hương, Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, xóm thợ Trường Thi (chợ Quán Lau) thì vẫn chưa được quan tâm...

Trường thi Hương Nghệ An được xây dựng vào triều vua Lê Thái Tông (1434-1442) ở xã Nghĩa Liệt (nay thuộc xã Hung Lam, huyện Hưng Nguyên) là 1 trong 13 trường thi của cả nước. Vua Gia Long (triều Nguyễn) cho di dời lị sở Nghệ An từ Lam Thành về Vinh (1804), sau đó trường thi Hương được dời về Vinh vào năm 1807 và tổ chức khoa thi đầu tiên của triều Nguyễn. Trường thi lúc đầu ở phía Đông Nam cầu Thông (phía Tây đường Trương Thi hiện nay). Năm Thiệu Trị thứ 3, trường được dời đến địa phận xã Yên Dũng, huyện Chân Lộc (nay thuộc Bộ Tư lệnh QK 4). Điều đặc biệt là từ khi có trường thi Hương thì khoa bảng người xứ Nghệ phát triển rực rỡ vào loại nhất, nhì cả nước.


Vào đầu thế kỷ XX, đô thị Vinh - Bến Thủy bước vào thời kỳ công nghiệp hòa tư bản chủ nghĩa. Một số cơ sở công nghiệp xuất hiện: Nhà máy cá hộp (1900), Nhà máy Diêm (1904), Nhà máy Điện (1909), Đềpô bảo dưỡng đầu máy xe lửa ga Vinh (1910).Vinh - Bến Thủy trở thành một trung tâm công nghiệp thời đó.


Buổi đầu, lực lượng lao động chuyên nghiệp (gọi là thợ áo xanh) trong các nhà máy này, do các chủ tư bản điều chuyển từ ngoài Bắc vào, họ mang theo vợ con cùng nhau quần tụ, sinh cơ lập nghiệp, hình thành ra xóm thợ Bắc Kỳ (còn gọi là xóm thợ Trường Thi), nằm ở phía Bắc chợ Quán Lau. Xóm thợ ấy ngày một phát triển đông đúc khi người Pháp chủ trương tuyển dụng ngay nhân công tại chỗ, giá rẻ mạt vào làm việc trong các nhà máy (gọi là thợ áo nâu). Xóm thợ Trường Thi là một trong những cơ sở của thời dựng Đảng, là nơi lui tới hoạt động của các vị lãnh tụ và cán bộ trọng yếu của Đảng như Nguyễn Phong Sắc, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Mạnh Quỳ, Nguyễn Thị Nghĩa. Trường Thi cũng là nơi góp sức thổi bùng lên ngọn lửa của cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/5/1930, trong đó, lần đầu tiên "Công - Nông - Binh bắt tay nhau giữa trận tiền", mở màn cho cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh...


Như vậy, những "địa chỉ đỏ" trên là niềm tự hào truyền thống của mảnh đất Trường Thi đang cần được tôn vinh. Nếu chưa hội đủ các điều kiện để công nhận là di tích thì chí ít cũng cần có các tấm bia dẫn tích ghi danh, tưởng niệm phục vụ cho khách du lịch tham quan và giáo giục truyền thống lâu dài.