Bài học trong thiết kế, đầu tư xây dựng công trình chống lũ

13/08/2012 16:27

(Baonghean) Hồ Khe Canh (xã Nghĩa Yên - Nghĩa Đàn) được sửa chữa, nâng dung tích chứa từ 2,8 triệu m3 lên 3,8 triệu m3 để tăng diện tích tưới từ 200 ha lên 300ha và phục vụ nước sinh hoạt cho người dân 4 xã Nghĩa Yên, Nghĩa Hồng, Nghĩa Mai và Nghĩa Minh. Thế nhưng, sau khi hoàn thành, công trình đã gây ngập úng một số hộ dân, và để giải quyết tình trạng này lại phải phá một khoang tràn và đang tiếp tục phá thêm một khoang nữa...

Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Khe Canh nằm trong dự án sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cụm hồ chứa nước tỉnh Nghệ An được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 30/10/2008, sau đó được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung ngày 10/12/2009. Theo đó, dự án tiến hành tôn cao mở rộng mặt cắt đập về phía hạ lưu, gia cố đỉnh đập bằng bê tông, làm mới tường chắn sóng đập, xử lý chống thấm thân và nền đập; phá bỏ cống lấy nước cũ để xây cống mới, làm nhà tháp van thượng lưu; phá bỏ và làm mới tràn xả lũ tại vị trí cũ, làm mới cầu qua tràn với tải trọng H13; xây mới các nhà quản lý đầu mối, cải tạo nâng cấp các tuyến đường quản lý… Với kinh phí ban đầu là hơn 19,4 tỷ đồng, dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, khởi công vào đầu năm 2010 và hoàn thành cuối năm đó.



Thêm một khoang tràn xả lũ hồ Khe Canh được hạ cốt để tránh ngập khu dân cư vùng lòng hồ.

Tuy nhiên, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào tích nước đã gây ngập nhiều hộ dân. Vợ chồng ông Hoàng Văn Kiện và bà Cấn Thị Nguyệt ở xóm Chong, xã Nghĩa Yên cho biết, sau những đợt mưa của cơn bão số 2 năm 2011, nước hồ dâng nhanh đã xô đổ bức tường nhà bếp của gia đình, đồng thời cuốn trôi hàng chục con gia súc, gia cầm và phá hỏng hoa màu đang vào độ thu hoạch. Phải nhiều ngày sau, nhất là khi phá xong tràn xả lũ thì nước mới rút hết. Từ đó đến nay, gia đình không dám xây lại tường nhà bếp cũng như trồng hoa màu trong 3 sào đất vườn, vì không biết còn ở lại nữa không. Nguyện vọng của gia đình là sớm được di dời để ổn định cuộc sống, đầu tư sản xuất.

Cũng như gia đình ông Kiện bà Nguyệt, vợ chồng anh Trần Quang Phong và chị Trương Thị Mai cũng tỏ ra lo lắng trước mùa lũ đang về. Căn bếp của gia đình cũng ọp oẹp nhưng anh Phong không dám sửa vì thấp thỏm lo phải di dời.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên Phan Văn Phú, chủ trương sửa chữa, nâng cấp hồ Khe Canh để đảm bảo an toàn hồ chứa và tăng diện tích tưới là đúng nhưng sự cố sau lần tích nước đầu tiên lại làm người dân hoang mang. Nguyên nhân chính là do sau khi nâng cấp tràn thêm 1,8m (từ cao trình +76,6m lên +78,5m), lượng nước trong hồ dâng cao, gây ngập 11 hộ dân, ảnh hưởng tới 10 hộ khác và thiệt hại nhiều hoa màu trong trận lũ tháng 6/2011. Trước thực trạng đó, ngày 28/6/2011, UBND huyện Nghĩa Đàn đã mời chủ đầu tư là Sở NN&PTNT, BQL dự án và đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra thực tế, sau đó quyết định đục một khoang tràn để hạ cốt về như thời điểm trước lúc nâng cấp.

Mới đây, ngày 21/6/2012, Sở NN&PTNT lại trình Bộ NN&PTNT cho điều chỉnh thiết kế hạng mục tràn xả lũ theo hướng lắp 4 khoang tràn có cửa van, quy trình tích nước được thực hiện vào cuối mùa lũ. Cụ thể: phá dỡ 2/5 khoang tràn có chiều dài 21,6m từ cao trình +78,5m xuống cao trình 76,7m, lắp đặt hệ thống đóng mở bằng dàn van. Dự toán cho phần bổ sung này là 1,4 tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Lực – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc sửa đổi thiết kế là biện pháp “sáng tạo”, vì nếu di dời dân thì đền bù mất 23 tỷ đồng, trong khi sửa tràn chỉ mất hơn 1 tỷ đồng!

Sau phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 2 khóa XVI, Giám đốc Sở KH&ĐT đã giao Thanh tra Sở chủ trì tiến hành kiểm tra công trình, qua đó kiến nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân thuộc chủ đầu tư và cơ quan tư vấn trong quá trình lập dự án, khảo sát thiết kế kỹ thuật - dự toán và thực hiện dự án không đề cập đến việc ngập lụt lòng hồ khi nâng cốt cao trình của tràn xả lũ, gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Lực cho hay, trong quá trình tư vấn, vấn đề cơ bản vẫn là không có kinh phí cho phần việc này. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đệ - Trưởng BQL đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT Nghệ An cho rằng, thiết kế có tính đền bù nhưng chỉ “áng sơ sơ” vì phải cắt bớt để xin vốn cho dễ. Về phía đơn vị tư vấn thiết kế, ông Đinh Xuân Thông - Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Thủy lợi Nghệ An cho biết, khi thiết kế đã tính toán, nhưng chủ trương của Bộ là giảm chi phí đền bù ở mức thấp nhất, thay vào đó là vận động nhân dân cùng làm.

Mới đây, ngày 9/7/2012, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNN đã có Công văn số 623/TCTL- XDCB gửi Sở NN và PTNN về việc điều chỉnh thiết kế hạng mục tràn xả lũ. Công văn nêu rõ: “Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ, đồng thời thuận lợi cho việc chủ động tích nước muộn vào cuối mùa lũ, đảm bảo nhiệm vụ tưới của hồ, Bộ NN và PTNT đồng ý cho phép điều chỉnh thiết kế hạng mục tràn Khe Canh từ tràn tự do sang tràn tự do có cửa van điều tiết. Cụ thể: Hạ thấp một phần tràn tự do hiện tại, xây 4 khoang tràn có cửa, mỗi cửa rộng 4,6m, cao trình ngưỡng +76,7m, lắp đặt cửa van phẳng bằng thép. Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, bổ sung hạng mục này vào hợp đồng hiện có theo đúng quy định, bổ sung công tác lập quy trình vận hành công trình trong điều kiện tích nước muộn cuối mùa lũ”.

Sự việc đã rõ, và các bên cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong đầu tư công trình và quản lý đầu tư để vừa không lãng phí, bởi đập đi phá lại mà còn đảm bảo được phương án tối ưu nhất.


Xuân Hải