Khắc khoải… làng nghề mây tre đan
(Baonghean) - Phụ thuộc vào doanh nghiệp từ nguyên liệu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, thế nên, khi doanh nghiệp gặp khó (vì nguyên liệu khan hiếm), hàng trăm lao động làng nghề mây tre đan xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) gần như mất “kế sinh nhai”...
Làng nghề “khát” việc
Đến xã Nghi Thái vào những ngày này, khó có thể nhận ra nơi đây có sự tồn tại của 10 làng nghề mây tre đan. Đã không còn hình ảnh nhà nhà chẻ nan, người người đan sản phẩm mây tre đan xuất khẩu như những năm trước đây.
Cụ Lương Văn Minh 76 tuổi (xóm Phúc Thọ), giờ đã không còn đủ sức để làm cái nghề yêu thích, nhưng cụ vẫn nhớ lắm cái ngày hưng thịnh của làng. Mà cũng có cách đâu xa, vào năm 2004, khi Phúc Thọ chính thức được công nhận làng nghề, người dân từ già, trẻ, trai, gái và cả các cháu học sinh đều tham gia, không ai để thời gian chết. Cụ Minh tiếc nuối: “Những năm đó, không chỉ ban ngày mà về đêm cũng vui lắm, nhà nào cũng đèn điện sáng trưng, vừa xem ti vi, vừa đan sản phẩm xuất khẩu. Phải đến 90% lao động Phúc Thọ tham gia, nay chỉ còn lại khoảng một phần ba chứ mấy…”. Còn theo con trai cụ Minh, anh Lương Văn Hưng - xóm trưởng, thì Phúc Thọ là một trong những làng làm nghề mây tre đan lớn nhất của xã Nghi Thái. Hiện Phúc Thọ có 350 lao động, nhưng chỉ khoảng 150 lao động làm nghề mây tre đan. Anh Hưng nói: “Năm 2002, nơi đây có đến 35% hộ nghèo. Khi có nghề mây tre đan xuất khẩu và nhất là khi được công nhận làng nghề thì Phúc Thọ đã dần thay da đổi thịt, số lượng hộ nghèo giờ giảm chỉ còn 4,5%. Đáng tiếc là từ năm 2010 lại nay, nghề mây tre đan dần bị thu hẹp…”.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Học, Bí thư Chi bộ Phúc Thọ còn giữ nghề mây tre đan. Ông Học cho biết, làng nghề gặp khó do giá cả sản phẩm không tăng, trong khi đó, lùng (cây họ nứa - nguyên liệu làm mây tre đan xuất khẩu) và những thứ phụ gia khác đắt đỏ, lại quá khan hiếm. Mỗi khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về là cả làng chen chúc ra giành lấy một ít để làm. Thậm chí, để duy trì việc làm thường xuyên, ông Học và vợ là bà Doãn Thị Quế phải dùng đến cả ruột cây lùng - thứ mà trước đây chỉ phơi khô để nhóm bếp - để làm nguyên liệu. Ông Học nói: “Thôi thì chấp nhận giá thành sản phẩm giảm để có việc làm thường xuyên...”.
Tại làng nghề Thái Lộc, không khí nghề mây tre đan cũng chỉ còn phảng phất. Chúng tôi cùng ông Vương Đình Dương - cán bộ khuyến công xã Nghi Thái ghé thăm gia đình anh Lê Văn Hùng là hộ có 4 người thường xuyên làm nghề mây tre đan. Anh Hùng cho biết, trước đây cứ mỗi tháng, gia đình có thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng. Nay do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên mọi người hầu như chỉ làm nông nghiệp, thi thoảng kiếm được chút ít nguyên liệu thì làm tranh thủ nên kinh tế gia đình gặp khó khăn. Theo ông Dương, hàng trăm gia đình các làng nghề mây tre đan Nghi Thái đang trong tình trạng thiếu việc. Lý do là vì nguồn nguyên liệu để sản xuất đều phụ thuộc vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung ứng đủ nguyên liệu thì dân có việc làm, ngược lại thì làm nông nghiệp, thợ nề, chợ búa… hoặc chờ nguyên liệu.
Phụ nữ làng nghề Thái Thọ tận dụng ruột lùng làm nan để đan sản phẩm.
Nghi Thái có 11 xóm thì có tới 10 làng nghề và 1 làng có nghề mây tre đan với 1200 lao động, trong đó có 800 lao động thường xuyên làm nghề. Khó khăn của làng nghề thì chính quyền xã đã biết rõ, nhưng chưa tìm ra cách gì để tháo gỡ. Chủ tịch UBND xã Nghi Thái - Võ Văn Vinh nói: “Nguyên liệu sản xuất của cả vùng đều phụ thuộc các doanh nghiệp Đức Phong, Đình Triều, Phong Cảnh, Hoàn Khánh… Khi các doanh nghiệp này gặp khó, người dân làng nghề cùng chung hệ lụy”. Chính quyền xã đã làm gì để giúp người dân tháo gỡ khó khăn? Theo ông Vinh, xã đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp nhưng thực tế, hầu hết doanh nghiệp này cũng chỉ làm trung gian cho các doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng. Có đến khi nào xây dựng được thương hiệu, ký hợp đồng trực tiếp được với doanh nghiệp nước ngoài thì mới hy vọng hết cảnh này. Mà cái đó thì ngoài tầm với…”.
Cần có giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu
Ở làng nghề Thái Lộc, gia đình ông Nguyễn Quảng Trạch là hộ duy nhất dồi dào nguyên liệu để làm nghề. Lý do là bởi vì trước kia ông từng là chủ một doanh nghiệp mây tre đan, còn nay là một trong những người cung ứng nguyên liệu cho làng nghề. Ông Trạch cho biết, việc khan hiếm nguyên liệu là do nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây, Hòa Bình… tìm về Nghệ An gom hàng để sản xuất tăm, đũa. “Cây lùng để làm mây tre đan đòi hỏi phải cạo tinh (vỏ). Trong khi đó, các doanh nghiệp phía Bắc thu mua ngang nên dân họ bán hết” - ông Trạch nói. Tại sao không thu mua theo cách của họ?. Ông Trạch trả lời: “Điều kiện của chúng tôi có hạn, chưa có phương tiện cạo tinh, máy sấy… nên không thể thu mua như vậy”.
Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Đức Phong, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, bao tiêu hàng mây tre đan xuất khẩu. Ông Phong xác nhận nguồn nguyên liệu mây tre đan khan hiếm và các làng nghề mây tre đan của tỉnh cần phải có sự cảm thông cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Theo ông Phong, những năm trước, doanh nghiệp Đức Phong có đủ nguyên liệu dự trữ để cung ứng cho các làng nghề Nghi Thái. Tuy nhiên, thời gian này thì thực sự gặp khó khăn vì thời tiết không thích hợp để phơi nguyên liệu, bên cạnh đó lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp phía Bắc. Thậm chí Công ty TNHH Đức Phong đã chấp nhận đẩy giá lên 1.400 đồng - 1.600 đồng/kg trong khi giá thực tế khoảng 1.200 đồng/kg, vậy nhưng vẫn khó thu mua. “Họ thu mua vô tội vạ, có ngày lên tới cả 100 tấn. Vì vậy người dân các huyện Quỳ Châu, Quế Phong khai thác rất bừa bãi, đã thế dân lại không đầu tư trồng mới nên dẫn đến tình trạng cây nguyên liệu bị cạn kiệt” - ông Phong nói. Và ông Phong đề xuất: “Cần phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Ở tỉnh Thanh Hóa cũng có cây lùng và vào mùa măng họ khuyến cáo người dân không được khai thác, đồng thời hướng dẫn cách khai thác, trồng mới cho người dân… Theo tôi, tỉnh ta cũng cần có biện pháp tương tự, có như vậy mới duy trì được nguyên liệu cho các làng nghề”.
Các làng nghề mây tre đan đang khắc khoải chờ việc là một thực tế đang diễn ra. Và, thật đáng buồn vì một trong những nguyên nhân cơ bản lại là do nguồn nguyên liệu khan hiếm. Cây lùng lại là sản vật của đất Nghệ An, là nguyên liệu phục vụ cho hàng chục làng nghề mây tre đan xuất khẩu, và đương nhiên trở thành cây sinh kế cho hàng vạn lao động làng nghề và những người dân các xã Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong), Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Bính…(Quỳ Châu). Vì vậy, phát triển và khai thác hợp lý cây lùng ở các địa phương trên tạo vùng nguyên liệu bền vững cho các làng nghề mây tre đan của tỉnh là hết sức cần thiết.
Nhật Lân