Bài cuối: Nhất quán chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo
Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Sau lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương-giáo đoàn kết”, coi đó là một trong sáu nhiệm vụ của Nhà nước còn non trẻ. Ngày 10/5/1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại: "Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy". Người luôn tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa có trong tín ngưỡng, tôn giáo. Người cho rằng, Phật Thích Ca, Chúa Giê-su và Đức Khổng Tử đều là những vĩ nhân của lịch sử, là bậc thầy. Họ đã từng hy sinh, phấn đấu cho hạnh phúc của con người, chống lại áp bức, bất công và luôn mơ ước về một xã hội tốt đẹp. Dù tôn giáo là "hạnh phúc hư ảo của nhân dân", nhưng sự hy sinh của các đấng bậc ấy cho ước mơ của con người là rất đáng trân trọng. Người cho rằng: Nếu Đức Giê-su sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ loài người.
Năm 1990, Đảng ta đã có chính sách đổi mới về tôn giáo qua Nghị quyết số 24 NQ/T.Ư ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị với tựa đề “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, xác định: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Tiếp theo, Nghị quyết 25 Hội Nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX (năm 2003) khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”.
Gần đây nhất, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục nhất quán khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.
Những quan điểm của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay chứng minh rằng, Đảng coi quyền tự do tín ngưỡng là một nhu cầu quan trọng của con người, là một trong những quyền công dân chính đáng. Hơn 25 năm của sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta đã thu được những thành công quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo được cải thiện, chức sắc và tín đồ các tôn giáo an tâm phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và cùng toàn dân tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Riêng đối với Nghệ An, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại vùng đồng bào có đạo; vận động tuyên truyền bồi dưỡng, phát triển nhân tố tích cực trong đồng bào có đạo; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, vốn vay sản xuất, kinh doanh... UBND tỉnh cũng đã cho phép tách, thành lập nhiều giáo xứ, giáo họ, xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều thánh đường, mở rộng khuôn viên thờ tự khang trang. MTTQ và các đoàn thể nhân dân thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo, trung tâm từ thiện nhân đạo, chức sắc, cốt cán, gia đình chính sách… nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo (Noel, Phật đản) và ngày tết cổ truyền dân tộc. Các ban, ngành chức năng đã tích cực bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của tín đồ, chức sắc tôn giáo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào có đạo; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có hai tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. Trong đó Đạo phật có khoảng 25.000 tín đồ, 15 chức sắc, tu sỹ (8 sư trụ trì chùa), 24 chùa. Năm 2011, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã được thành lập. Riêng Đạo công giáo có khoảng 250.000 tín đồ, 98 chức sắc (2 giám mục, 96 linh mục), có Tòa Giám mục Vinh (gồm công giáo 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Trường Đại Chủng viện Vinh Thanh, dòng mến Thánh Giá Xã Đoài (5 cơ sở) với 339 cơ sở thờ tự, trong đó có 86 nhà thờ xứ ở 211/480 xã, thị trấn; 14 huyện thành thị có tổ chức cơ sở tôn giáo, 6 huyện còn lại (Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn) có khoảng 543 giáo dân. Từ khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn, thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ban hành đến nay, chính quyền các cấp đã quan tâm giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng, phù hợp với thực tế của giáo hội và tín đồ.
Cụ thể là giải quyết cấp giấy phép xây dựng mới cho hơn 70 công trình thờ tự; giải quyết tách lập hơn 20 xứ đạo, 33 họ đạo, tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho các xứ họ đạo có đông giáo dân, các tín đồ xa cơ sở thờ tự, đi lại khó khăn. Hầu hết các họ đạo mới được thành lập đã được giải quyết giao đất, chấp nhận cho hàng chục cơ sở tôn giáo mở rộng khuôn viên thờ tự, giao đất mới trên cơ sở nhu cầu tôn giáo của giáo hội, quỹ đất và quy hoạch cho phép như: Giao lại khu đất Trường Vũ Đăng Khoa ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu với hơn 14.000m2 cho Giáo xứ Thuận Nghĩa quản lý, sử dụng; Giao cho Trường Đại chủng viện Vinh Thanh mở rộng khuôn viên hơn 5.800m2; Giao cho họ Mai Lĩnh ở Thị xã Cửa Lò quản lý, sử dụng 5000m2… Chấp thuận cho Trường Đại chủng viện chiêu sinh 129 chủng sinh, thụ phong 1 giám mục, 81 linh mục, bổ nhiệm thuyên chuyển 98 linh mục…
Bên cạnh tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng vùng đồng bào có đạo, các cấp ủy, chính quyền còn quan tâm đến việc củng cố các tổ chức đoàn thể, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cốt cán vùng giáo. Đến nay, đa số các xóm giáo đều có Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Trong 865 xóm có trên 40% giáo dân có 852 chi đoàn thanh niên (chiếm 99,5%), 855 chi hội phụ nữ (chiếm 99,9%), 854 chi hội nông dân (chiếm 99,8%), 819 chi hội cựu chiến binh (chiếm 95,7%). Chỉ tính trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, có 2 giáo dân trúng cử đại biểu HĐND tỉnh; 25 vị trúng cử đại biểu HĐND huyện; 395 vị trúng cử HĐND cấp xã. Nhiều giáo dân tiến bộ giác ngộ sự hòa hợp giữa đạo và đời đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tính đến năm 2011, toàn tỉnh có 756 đảng viên giáo dân…
Kết quả đó chứng minh sự quan tâm đúng mức của chính quyền đối với các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp của giáo hội và tín đồ công giáo, thể hiện nguyên tắc nhất quán về tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Qua đó làm cho chức sắc, tín đồ tin tưởng vào chính sách pháp luật, yên tâm sống đạo, hành đạo. Trong thực tế, thời gian qua, bà con giáo dân và các xứ, họ trên địa bàn tỉnh ta (chiếm khoảng 8,2% dân số toàn tỉnh) đã thể hiện trách nhiệm công dân của mình, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước thông qua các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, hiến đất làm đường, hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng "giáo xứ tiên tiến, gia đình người công giáo gương mẫu", tích cực tham gia xây dựng chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong phong trào "sống tốt đời đẹp đạo", “kính Chúa, yêu nước” đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo. Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có 28 giáo xứ, giáo họ,183 giáo dân trên địa bàn tỉnh được Ủy ban Đoàn kết tôn giáo Việt nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh tặng bằng khen suy tôn tại các kỳ đại hội Người công giáo Nghệ An xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo. Ngoài ra còn có hàng nghìn tập thể, cá nhân, đơn vị có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước cấp tỉnh, huyện và cấp xã.
Tuy nhiên, cá biệt ở một số xứ, họ đạo còn xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật với các mức độ khác nhau, có vụ việc phức tạp kéo dài, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở địa phương. Điển hình như kiến nghị đòi đất trái pháp luật ở Giáo xứ Cầu Rầm (Thành phố Vinh), Giáo xứ Đồng Lèn (Nghĩa Đàn); chuyển nhượng, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái pháp luật xảy ra ở các Giáo xứ Ngọc Long (xã Công Thành, huyện Yên Thành); Giáo họ Tân Diên, Lạt (Tân Kỳ), Xuân Kiều (xã Nghi Kiều), Giáo xứ La Nham, Hội Yên (xã Nghi Yên) huyện Nghi Lộc; Giáo xứ Phú Linh (Diễn Châu); chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản tại Giáo xứ Trung Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương; Tụ tập đông người, khiếu kiện, chặn xe tại Giáo xứ Mậu Lâm (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc). Gần đây nhất là truyền đạo trái pháp luật, bắt giữ, hành hung người trái pháp luật diễn ra ở xã Yên Khê (huyện Con Cuông)…
Để đảm bảo kỷ cương phép nước, sự bình đẳng trước pháp luật, việc xử lý nghiêm minh các hoạt động tôn giáo vi phạm theo đúng quy định pháp luật trên cơ sở tôn trọng tự do, tín ngưỡng và nhu cầu chính đáng của giáo dân là lẽ đương nhiên và việc bắt buộc phải làm.
Tuy nhiên, trong xử lý, chính quyền các cấp luôn lấy vận động thuyết phục để chức sắc, chức việc và tín đồ thấy rõ vi phạm, tự giác dừng các hoạt động sai phạm, khắc phục hậu quả. Đồng thời chủ động gặp gỡ, trao đổi với linh mục quản xứ, các chức việc phối hợp giải quyết. (Chỉ tính riêng trong năm 2011, lãnh đạo tỉnh đã 3 lần làm việc với Giám mục Nguyễn Thái Hợp, tiếp và làm việc với đặc phái viên không thường trú của tòa thánh Vatican- ngài Leopoldo girelli)...
Nhờ vậy, một số vụ việc đã được giải quyết êm đẹp, chức sắc, giáo dân tự giác khắc phục hậu quả. Điển hình như giáo dân họ Mai Lĩnh (Thị xã Cửa Lò) tự giác tháo dỡ bờ tường xây trái pháp luật ở Trường Tiểu học Thu Thủy; Giáo họ Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) dừng việc xây dựng trái pháp luật, làm thủ tục hồ sơ xin cấp đất mở rộng khuôn viên nhà thờ…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ việc còn gặp khó khăn, phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cá biệt có chức sắc chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm công dân, thiếu hợp tác với chính quyền địa phương. Đáng lưu ý là một số linh mục quản xứ thiếu tôn trọng chính quyền, rao giảng tại nhà thờ xứ những nội dung sai sự thật, làm cho một bộ phận giáo dân nhận thức không đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Thực tế chứng minh, không có một tôn giáo nào đứng ngoài quốc gia, dân tộc và đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia là cao nhất, trong đó có lợi ích của các tôn giáo. Vì vậy, việc gắn “đạo với đời”, “tôn giáo với dân tộc” để "nước vinh đạo sáng" luôn là tâm nguyện bao đời nay. Chính vì vậy, các tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ cần chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng, ủng hộ cấp ủy, chính quyền, tăng cường “sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau” vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó cũng là nền tảng vững chắc để giữ gìn và đảm bảo cho “quyền tôn giáo tự do”.
Thành Chung – Khánh Ly