Giải pháp “né” thiên tai cho sản xuất nông nghiệp ở Hưng Nguyên

31/10/2012 18:01

(Baonghean) - Những biến đổi thất thường của thời tiết trong những năm qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở Hưng Nguyên. Mưa lớn cuối vụ hè thu 2010, kết hợp triều cường gây chết và ngập hàng ngàn ha gieo cấy muộn do hạn hán; vụ xuân 2011 rét đậm, rét hại kéo dài làm hơn 1.050 ha lúa bị chết rét; vụ hè thu 2011, 2012 mưa lớn đến sớm gây ngập úng trên diện rộng...

Những biến đổi thất thường của thời tiết đã gây thiệt hại đối với cho sản xuất nông nghiệp…đặc biệt là diện tích lúa của một số xã vùng giữa và các xã vùng ngoài, gieo cấy muộn bị thiệt hại khá lớn của Hưng Nguyên.



Cần đẩy thời vụ sản xuất vụ xuân 2013 ở Hưng Nguyên sớm hơn so với năm 2012 Ảnh: X.N

Từ thực trạng trên, đặt ra cho sản xuất nông nghiệp năm 2013 và những năm tiếp theo ở Hưng Nguyên cần phải xác định lại khung thời vụ, cơ cấu giống, cũng như một số giải pháp kỹ thuật để né tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Thứ nhất, mặc dù vụ xuân 2013 được dự báo thời tiết có ấm hơn so với cùng kỳ năm 2012, song bà con phải xác định chủ động bắc mạ, che phủ nilon để cấy là điều kiện cấp thiết. Đẩy thời vụ sản xuất vụ xuân 2013 sớm hơn so với năm 2012 từ 5 - 7 ngày, đồng thời chỉ đạo thực hiện việc bắc mạ, che phủ nilon là yêu cầu bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp cây mạ tránh được rét đậm, rét hại thường xảy ra trong tháng 1 dương lịch.

Hai là, các xã, thị trấn có diện tích sâu, trũng dễ ngập lụt ở vụ hè thu, cần chủ động xuống giống sớm hơn so với khung thời vụ chung của huyện từ 7 - 10 ngày. Đặc biệt là xã Hưng Trung, Hưng Nhân, một số diện tích bàu, biền sâu trũng của các xã: Hưng Lợi, Hưng Đạo, Thị trấn, Hưng Thịnh, Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam… Như vậy, nếu bố trí trà xuân sớm, các vùng sâu trũng trên, vụ xuân 2013 phải tập trung chỉ đạo nông dân xuống giống vào khoảng từ 28/12 đến 5/1/2013 (cơ cấu các giống có thời gian sinh trưởng từ 135 - 140 ngày).

Diện tích còn lại thuộc các chân đất vàn trung, xuống giống khoảng từ ngày 5/1 đến ngày 10/1/2013 (cơ cấu các giống có thời gian sinh trưởng từ 125 - 135 ngày). Các chân đất vàn cao xuống giống từ ngày 10/1 đến 15/1/2013 (cơ cấu các giống có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày). Như vậy, trục lúa trổ sẽ tập trung vào khoảng tiết Cốc vũ trung đến bắt đầu Lập hạ.

Ba là, về cơ cấu giống: Các vùng thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa khuyến cáo mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, phù hợp với tiêu chí sản xuất hàng hóa như: AC5, Nàng Xuân, NA2, DTL2 (gạo đỏ), XT28, Nếp DT52.

Đối với các xã có diện tích đất canh tác, cơ cấu các giống lúa lai như: BTE1, Nhị ưu 986, Khải phong 1, Việt lai 24,…

Thứ tư: Sản xuất trình diễn giống lúa có khả năng tái sinh tốt để sản xuất trong vụ xuân, mục đích để "lúa chét" trong vụ hè thu (cơ cấu giống lúa tái sinh BQ10, Qưu 12…) bố trí ở các vùng sâu trũng dễ ngập lụt trong vụ hè thu thuộc các xã: Hưng Trung, Hưng Đạo, Thị trấn, Hưng Lợi, Hưng Nhân…Những vùng hè thu chạy lụt, nếu không sử dụng giống tái sinh sản xuất trong vụ xuân thì vụ hè thu cần cơ cấu các giống: PC6, VS1, RFS1 … là những giống có thời gian sinh trưởng 80 - 85 ngày, đảm bảo thu hoạch an toàn trước 30/8.

Năm là, Hưng Nguyên có gần 1000 ha đất bãi dọc sông Lam, chủ yếu là đất phù sa cổ và phù sa được bồi hàng năm, trong đó hơn 2/3 diện tích có hệ số sử dụng đất thấp, chỉ sản xuất 1 vụ/năm, tập trung vào vụ xuân nay cần chuyển vụ gieo trồng xuân chính thành vụ đông muộn - xuân sớm (xuống giống từ 25/ 9 đến 10/ 10), bố trí trồng các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày. Vụ thứ 2 bố trí "xuân hè", có thể sản xuất một số cây trồng như: lạc, đậu, ớt cay… Thời vụ xuống giống tập trung vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Để chống hạn cục bộ cho vùng đất bãi ven sông Lam, các địa phương cần đầu tư khoan giếng để tưới cho cây trồng vào giai đoạn tháng 5, tháng 6. Hoặc tạo hố dã chiến lót bạt, bơm chuyền nước từ sông Lam vào dự trữ để tưới cho cây trồng.

Trong điều kiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới, tiêu phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện Hưng Nguyên chưa có đủ kinh phí để đầu tư nâng cấp, tu bổ, xây dựng mới hoàn thiện, các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện cụ thể trên địa bàn để lựa chọn cơ cấu cây trồng và bố trí thời vụ hợp lý để né tránh thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do biến đổi khí hậu gây ra.


Hoàng Ân (Phó phòng NN huyện Hưng Nguyên)