Chồn nhung đen - đối tượng nuôi mới

12/11/2012 17:57

(Baonghean) - Chồn nhung đen là loài vật có xuất xứ từ châu Mỹ, được thuần hóa cách đây vài trăm năm, thuộc bộ gặm nhấm. Xét thấy đây là loài vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu tại nước ta và mang lại hiệu quả kinh tế cao, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã nhập giống về để nuôi thí điểm.

Ông Thái Đức Đệ (Hưng Thịnh, Tp Vinh) hiện là chủ dự án nuôi chồn nhung đen tại trang trại thuộc làng Vạn Lộc, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên). Hiện tại, mô hình của ông Đệ đang nuôi 500 con chồn, dự tính đến thời điểm trước Tết sẽ tăng lên 1000 đôi, khi đã tích lũy được kinh nghiệm và nắm bắt được thị trường ông sẽ tiếp tục mở rộng mô hình.

Ông Đệ cho biết, chồn nhung đen là loài vật dễ nuôi, chúng có thể ăn 20 loại cỏ và lá dễ tìm ở quê như: cỏ voi, cỏ lác, cỏ chỉ, lá ngô, lá lạc… đây là đặc điểm thuận lợi để người nuôi cung ứng nguồn thức ăn cho chồn. Là loài vật có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm đẻ 4-5 lứa; mỗi lứa đẻ từ 4-6 con. Trong vòng 2 tháng rưỡi nuôi là có thể xuất chuồng. Khi chồn con đạt trọng lượng 0,4-0,5 kg là xuất bán với giá 1 triệu đồng/con. (Đến thời điểm này, ông Đệ đã xuất bán lứa đầu tiên với 170 con).

Hỏi về kinh nghiệm nuôi chồn, ông Đệ cho biết: Việc nuôi chồn không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chu đáo, thận trọng, tỉ mỉ. Vì khí hậu Nghệ An khắc nghiệt nên việc nuôi chồn càng phải để ý: 3 ngày vệ sinh chuồng trại một lần, mùa Hè phải tạo độ thông thoáng cho chuồng trại, mùa Đông phải giữ ấm bằng cách lót rơm vào đáy chuồng; khi có gió mùa thì phải giữ kín chuồng trại ngăn gió. Là một người làm trong nghề Đông y, ông Đệ đã tự chế biến ra các phương thuốc để điều trị cho chồn khi bị dịch bệnh. Mỗi tháng phòng bệnh cho chồn 2 lần, lấy 70g thuốc hòa lẫn với 4kg bột ngô và cho chồn ăn, thuốc có thể ngừa và chữa trị được các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm ruột thừa, lở mồm, tiêu chảy… Nhờ biết cách chăm sóc và phòng tránh dịch bệnh nên đàn chồn của gia đình ông khỏe mạnh và phát triển tốt.

Thịt chồn là nguồn thực phẩm ngon, bổ dưỡng. Da chồn được sở dụng là các phụ kiện cho quần áo, dày da, ví. Tuy rằng đây là loài vật mới, mô hình chăn nuôi cũng còn khá lạ nhưng nếu biết sáng tạo và học hỏi để phát triển mô hình thì hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cao.


Hoàng Thanh Quỳnh (Sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền)