ASEAN cần đoàn kết trong vấn đề Biển Đông
Là một trong những chủ đề “nóng” tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội, những vấn đề liên quan tới chủ quyền của Việt Nam xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tuyên bố của Trung Quốc về đường đứt đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò, đường 9 đoạn)... và các giải pháp giải quyết tranh chấp đã được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo.
Tranh chấp ở Biển Đông -Nhìn từ ba khía cạnh
Tại phiên thảo luận về hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống sáng 27-11, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đến từ Trường Đại học George Mason (Mỹ) cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông giữa các quốc gia láng giềng kéo dài từ rất lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, Biển Đông chỉ thực sự “nóng” lên từ năm 2009, có sự tham gia các bên liên quan và một số cường quốc trên thế giới. Nguyên nhân dẫn tới tranh chấp này là Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn (hay còn gọi là đường đứt đoạn hình chữ U, đường lưỡi bò), gây phản ứng mạnh mẽ của các nước láng giềng có chung lợi ích ở Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo.
Chung quan điểm trên, Tiến sĩ ê -rích Phranh -cơ (Erik Franckx) đến từ Đại học Vrije (Brúc-xen, Bỉ) cho biết, dù xuất hiện từ những năm 1940 song Trung Quốc chưa từng công khai với cộng đồng quốc tế về đường ranh giới này. Vì thế, năm 2009 là mốc thời gian đánh dấu sự kiện rất quan trọng đối với các xung đột gần đây trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ ý nghĩa của đường 9 đoạn này.
Nhìn nhận về tranh chấp ở Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề này có thể được nhìn dưới ba khía cạnh khác nhau: Là tranh chấp trong khu vực giữa các quốc gia ven biển; là tranh chấp quốc tế; hoặc là sự chuyển đổi có tính hệ thống. “Tranh chấp Biển Đông liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa chỉ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Còn tranh chấp ở quần đảo Trường Sa liên quan đến nhiều bên, và hầu hết là các quốc gia thành viên ASEAN. Nếu coi tranh chấp ở Biển Đông là tranh chấp quốc tế, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Vì thế, nó thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia như Nga, Nhật Bản, ấn Độ và đặc biệt là Mỹ. Dưới khía cạnh chuyển đổi có tính hệ thống, tranh chấp ở Biển Đông được Trung Quốc coi như tham vọng thay đổi trật tự thế giới để có vị trí mới. Ngược lại Mỹ lại muốn duy trì quyền lực số một thế giới càng lâu càng tốt”, ông Hùng giải thích.
Cùng quan điểm này, Giáo sư Vla -đi-mia Cô -lô-tốp (Vladimir Kotolov) ở Trường Đại học Xanh Pê -téc-bua, LB Nga cho rằng, tình hình hiện nay đang tạo điều kiện để cả Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chơi địa chính trị như trên bàn cờ vua và "Việt Nam tồn tại giữa búa và đe".
Việt Nam có đủ chứng cứ bác bỏ “đường lưỡi bò”
Bất chấp tranh chấp ở Biển Đông “tăng nhiệt” trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn đủ tự tin về căn cứ lịch sử, khoa học để chứng minh chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như đủ căn cứ bác bỏ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra.
Theo Phó giáo sư Đỗ Bang (ĐH Khoa học Huế), việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các vua triều Nguyễn thực hiện từ rất sớm. Trong nửa đầu thế kỷ 19, các triều vua này đã có nhiều biện pháp hữu hiệu như việc lập đội Hoàng Sa, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ biển đảo, cắm bia chủ quyền, lập miếu thờ, trồng cây và lập trạm thu thuế trên đảo. Ngoài ra, Châu bản triều Nguyễn, các bộ sách chính sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… các bản đồ của triều Nguyễn đã ghi lại đầy đủ làm minh chứng và được xác minh bằng các nguồn tư liệu sưu tầm tại Quảng Ngãi, Thừa Thiên -Huế trong thời gian gần đây. "Đây là một di sản lịch sử có ý nghĩa thực tiễn và có giá trị lâu dài đối với chủ quyền Việt Nam", Phó giáo sư Đỗ Bang khẳng định.
Sự đoàn kết cần thiết
Vậy giải pháp nào tốt nhất để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hiện nay? Gợi mở giải pháp cho vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến tính đoàn kết trong khu vực ASEAN. “Muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc thì ASEAN cần phải đoàn kết. Đây là điểm mấu chốt, bởi lẽ ASEAN có quyền lực là thương lượng tập thể và có thể kiềm chế được những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc". Tuy nhiên, việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) hồi tháng 7 vừa qua không đưa ra được Thông cáo chung cho thấy ASEAN thực sự chưa gắn kết.
Giải thích về thất bại này, Tiến sĩ Lốc -sin Gri-gô-ri (Lokshin Grigory) của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, ASEAN là một tập thể gồm 10 nước có chế độ chính trị -xã hội khác nhau, quyền lợi khác nhau. Phối hợp tất cả những quyền lợi với nhau là một quá trình khó và lâu dài. Theo ông Gri -gô-ri, đối với ASEAN, “quá trình” quan trọng hơn “kết quả” bởi “quá trình” đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhiều thời gian. Còn ông Hùng cũng nhấn mạnh, nếu ASEAN không muốn rơi vào ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc thì các thành viên ASEAN phải từ bỏ những lợi ích trước mắt. Đối với Việt Nam, theo ông Hùng, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông vừa cương quyết nhưng cũng phải hết sức mềm dẻo. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngành ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo QĐND-M