Anh Sơn: Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

27/11/2012 17:28

(Baonghean) - Đến nay, đề tài Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp của Trạm Khuyến nông Anh Sơn đã được bà con nông dân lần lượt ứng dụng, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan...

Từ trụ sở UBND xã Phúc Sơn, chúng tôi ghé vào xóm Già Giang, tại đây có khá nhiều hộ bà con đã sử dụng chế phẩm và ủ phân theo công nghệ sinh học để chăm bón cho cây trồng và xử lý môi trường chăn nuôi rất có hiệu quả. Trong khu chuồng trại của nhà ông Nguyễn Cảnh Thuận có chứa một kho phân vi sinh được ủ kỹ, có mái che ngay ngắn. Ông cho biết: Từ năm 2009 đến nay, theo sự hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện, ông đã biết sử dụng chế phẩm Emicx để xử lý chuồng bằng cách rắc trực tiếp bột chế phẩm lên nền chuồng mỗi tuần 3-4 lần, có thể bỏ trấu, mùn cưa để tiện lợi hơn cho việc phân chuồng. Trước đây cứ vào độ tháng 7, tháng 8, mưa nắng thất thường là đàn gia súc hoặc gia cầm lại xuất hiện dịch bệnh, nhưng từ khi sử dụng chế phẩm không xuất hiện dịch bệnh trên các đàn nuôi của gia đình”.

Từ trước tới nay, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã biết đến việc chế biến phân hữu cơ vi sinh bằng các phụ phẩm nông nghiệp để chăm bón cho cây chè công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một số vùng có diện tích chè nguyên liệu thì có nhu cầu và điều kiện triển khai ứng dụng. Song, 3 năm nay, sau khi đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp” chứng minh hiệu quả, người nông dân Anh Sơn đã áp dụng vào sản xuất: Để sản xuất được 1 tấn phân bón hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm không cần dùng đường, rỉ mật, nguyên liệu từ 5-8 tạ cây ngô, rơm rạ, cây lạc, đậu, bèo tây, cây cỏ sau khi làm đất, lá mía, 2- 5 tạ phân chuồng, 1-2 kg đạm u rê, 1-2 kg kaly, 30 - 50 kg lân Lâm Thao. Tất cả nguyên liệu đem ủ trên nền san bằng, có mái che, sau khoảng 45 ngày đến 2 tháng có thể chuyển địa điểm đến trong khung chuồng chăn nuôi. Trước khi ủ phải hòa đạm, kaly với nước , hòa chế phẩm Emicx khoảng 3-5 gói tưới đều.



Nông dân Anh Sơn sử dụng chế phẩm ủ phân chăm bón cho cây lúa

Xã Đức Sơn hiện có trên 260 ha lúa, gần 300 ha ngô, theo sự hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện, bà con đã tự sản xuất trên 2000 tấn phân hữu cơ vi sinh /năm để chăm bón cho cây trồng, trên 60% hộ dân (gần 2000 hộ) của xã đã bón cho lúa, ngô, cam, chè... nhiều hộ như ông Thông- trưởng thôn 16, ông Phạm Hồng- chi hội nông dân xóm 9 và bà Đinh Thị Liên - xóm 6 sản xuất 2-3 tấn phân /hộ/năm. Bà Phạm Thị Lý- cán bộ nông nghiệp xã Đức Sơn, phấn khởi cho biết: “Bà con chúng tôi gọi phân hữu cơ vi sinh này là “phân chuồng chất lượng cao”, sử dụng loại phân này giảm được từ 30-50% chi phí lượng đạm, phân kaly bón cho cây trồng như trước kia. Sử dụng bón phân theo mô hình này cho thấy lúa, ngô và cam sinh trưởng, phát triển tốt, hoa và quả nhiều, giảm được mầm bệnh, côn trùng gây hại, đồng thời tăng độ phì nhiêu tơi xốp trong đất ”.

Chủ đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp cho biết: Trong điều kiện chưa có nhà máy sản xuất phân hữu cơ, năm 2008, ông quyết định đích thân ra Hà Nội, tìm đến tận Công ty Ứng dụng công nghệ sinh học để nghiên cứu. Đầu năm 2012 đến nay, cơ bản các đơn vị, các hộ nông dân trên toàn huyện đã ứng dụng công nghệ này để vệ sinh chuồng trại tốt cho đàn gia súc, gia cầm, sản xuất hàng ngàn tấn phân chăm bón cho lúa, ngô và chè, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Từ hiệu quả thực tế, BTV Huyện ủy Anh Sơn đang có kế hoạch chỉ đạo nhân rộng mô hình, khuyến khích việc ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cho bà con. Tuy nhiên, với chi phí gần 100 ngàn đồng để có thể sản xuất 1 tấn phân, thời gian ủ dài gần 2 tháng, nhiều hộ nông dân đang ngại ứng dụng thực tế. Huyện Anh Sơn và trạm khuyến nông cần có chính sách hợp lý tạo điều kiện cho bà con ứng dụng vào sản xuất.


Lương Mai