Kinh nghiệm ở Con Cuông

24/09/2012 18:32

(Baonghean) - Là một huyện nghèo phía Tây Nam của tỉnh, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa, đặc biệt là đã đặt đúng vị trí, vai trò của cấp uỷ Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo nên việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Con Cuông đã có chuyển biến tích cực …

Dịp này lên Con Cuông, đi đâu cũng được nghe bàn về chuyện xây dựng nông thôn mới, rằng bản A làm được bao nhiêu km đường bê tông, xã B hiến được bao nhiêu mét đất, bản C chuẩn bị vật tư sản xuất vụ đông như thế nào… Đến bản Tam Hợp (xã Lục Dạ) cũng đã trưa, trời nắng gắt nhưng bà con vẫn tích cực dàn đều đá sỏi, trộn bê tông để đổ đoạn đường vào cụm hộ còn lại. Hôm nay là ngày thứ 2 bản Tam Hợp huy động nhân lực làm đường bê tông vào cụm 3 gồm các hộ Chương Tam Thanh, Lô Văn Thân và Lương Văn Ba. Do ý thức được việc đẹp bản, sạch làng thì mới đẹp nhà, nên nhóm lao động tại cụm hộ này không ai bảo ai, nhất nhất hăng hái tham gia công việc. Bản Tam Hợp có 122 hộ, 538 nhân khẩu, các hộ đều đồng tình cao theo mức đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng chi phí để mua cát, sỏi và mỗi hộ có 1 lao động thường xuyên tham gia thi công công trình khi bản yêu cầu. Cả bản chia làm 9 tổ, đến thời điểm này đã làm được gần 1.000 m đường bê tông vào cụm hộ, đến khoảng 15/9 sẽ hoàn thành con đường với chiều dài khoảng 1.700m. Trưởng bản Quang Văn Hùng cho biết: Hầu hết các hộ dân bản Tam Hợp đều thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ chi bộ, Ban Mặt trận bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con tích cực hưởng ứng làm theo.



Bà con bản Tân Hợp, xã Lục Dạ làm đường giao thông nông thôn

Là 1 trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Con Cuông, xã Lục Dạ đã thực hiện khá tốt. Đảng uỷ xã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh khơi dậy sức dân, phát huy nội lực, lồng ghép các chương trình... Đối với hạng mục làm đường GTNT, Lục Dạ không máy móc, dàn trải mà triển khai theo hình thức cuốn chiếu, bản thuận lợi làm trước, bản khó khăn làm sau, mức đóng góp theo đó cũng rất linh hoạt tuỳ điều kiện từng bản… nên được bà con dân bản đồng tình ủng hộ. Đến thời điểm này đã có 2 bản cơ bản đã làm xong đường bê tông GTNT vào các cụm hộ là bản Mét (dài 2.500 m), bản Tam Hợp (dài 1.700m) và đang chuẩn bị triển khai làm đường GTNT tại bản Hua Nà. Các nội dung theo tiêu chí cũng đồng loạt thực hiện như: xây dựng đập Phai Mèn tưới cho 32 ha đất ruộng; xây dựng mô hình cách đồng mẫu tại bản Yên Thành và bản Trung Thành; triển khai 2 mô hình trồng dưa hấu, mô hình trồng bí xanh… Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Phó Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lục Dạ, Lương Thị Hiền khẳng định: Lục Dạ có được kết quả ban đầu tạo khí thế như thế này là do ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền còn có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị để vận động bà con nhân dân, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu.

Không phải xã điểm nhưng khí thế xây dựng nông thôn mới tại xã Môn Sơn cũng rất đáng ghi nhận. Bản Xiềng, hôm chúng tôi đến, bà con cùng cán bộ thôn bản đang tập trung thi công đổ bê tông hoàn thiện đoạn đường của tổ 4 gồm 15 hộ. Tổ trưởng Lương Văn Hưng đang xắn quần đến đầu gối, tay cầm xẻng dàn đều khối bê tông cùng bà con để phủ kín chiều rộng của đường. Bản Xiềng có 162 hộ mà có đến 75 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo nhưng từ khi Đảng uỷ xã Môn Sơn, Chi bộ bản tuyên truyền vận động nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến với từng đảng viên và từ đó lan toả đến các gia đình thì bà con đều đồng tình, ủng hộ...

Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện Con Cuông, sau 2 năm triển khai thực hiện, mặc dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được khá thuyết phục. Toàn huyện đã có 66.602 m2 đất được người dân hiến để làm đường nội thôn; về đường giao thông đã thực hiện:mở rộng nâng cấp 28,9km đường nội thôn, san lấp mặt đường 18.200m2, làm mới 13,4km; tòan huyện đã có 205 lao động được đào tạo tay nghề vững vàng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai có hiệu quả như: mô hình nuôi lợn đen tại Chi Khê, mô hình trồng hành tăm tại Yên Khê, mô hình trồng bí xanh tại xã Lục Dạ…

Có được kết quả như vậy, có thể nói nhờ Con Cuông ngay từ đầu đã xác định rất rõ là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Nghị quyết số 05 NQ/HU về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, và các xã đều có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Để tập trung hơn sự lãnh đạo của Đảng, Bí thư Huyện uỷ đã làm trưởng Ban chỉ đạo huyện, theo đó, các xã Bí thư Đảng uỷ xã làm trưởng ban chỉ đạo xã. Đồng chí Vi Xuân Giáp, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện Con Cuông chia sẻ: Huyện Con Cuông ngay từ lúc đầu đã khẳng định rằng, nông thôn mới không như các dự án đầu tư mà là tổng hợp tất cả các nguồn lực, trong đó nguồn lực từ nhân dân là chính. Bí thư huyện, xã làm trưởng ban chỉ đạo ở chừng mực nào đó cũng hạn chế tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân bởi nếu Chủ tịch làm trưởng ban chỉ đạo thì bà con cứ nghĩ rằng nông thôn mới là chương trình đầu tư. Ngoài ra, Trưởng Ban chỉ đạo là người đứng đầu cấp uỷ Đảng thì việc chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc cũng thuận lợi hơn.

Như vậy, việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cùng sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, trong nhận thức của bà con các dân tộc. Đặt đúng tầm quan trọng của chương trình, trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và chọn điểm nhấn để phát động triển khai thực hiện, từ thực tiễn hiệu quả ban đầu của Con Cuông rất đáng học tập kinh nghiệm.


Hữu Nghĩa