Chặng đường còn lắm gian nan

31/10/2012 17:20

(Baonghean) - Trong những năm qua, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn đã có nhiều thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội. Để tiếp tục đưa xã nhà phát triển, Đảng bộ, chính quyền xã biên giới này đã và đang từng bước thực hiện xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ việc hình thành ý thức cho người dân.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn, có 46 km đường biên tiếp giáp với các địa phương của tỉnh Hủa Phăn - Lào. Từ Thị trấn Mường Xén vào phải mất gần nửa ngày đi ô tô cho hành trình 60 km đường núi. Xã có 12 bản với 1.102 hộ, trên 5.000 nhân khẩu (chủ yếu là bà con dân tộc Thái, Mông và Khơ mú). Đời sống nhân dân trước đây chủ yếu dựa vào nương rẫy trồng lúa và ngô, 86% là hộ nghèo… Thời gian qua, nhờ hưởng lợi từ các chương trình dự án đầu tư của Trung ương và tỉnh cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, Mỹ Lý đã phát triển đáng kể nhất là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính riêng trong quý IV năm 2012, nhân dân Mỹ Lý đã được đón nhiều niềm vui: Khánh thành Trạm Y tế xã với mức tổng đầu tư 4,8 tỷ đồng do Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tài trợ; động thổ xây dựng Trường Mầm non Mỹ Lý 2 với vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng do Tổng Công ty Xi măng Việt Nam giúp đỡ; cầu Khe Tắm nằm trong đường vành đai kinh tế quốc phòng Tây Nghệ An sắp hoàn thành; việc xây dựng bê tông hóa đường 5 thôn bản Xằng Trên, Xốp Tự, Yên Hòa… hiện chỉ còn chờ thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ sản xuất cung ứng giống bò, dê, hỗ trợ máy làm thủy lợi, làm kênh mương, chương trình làm nhà ở đã về đến người dân và phát huy hiệu quả cao. Đời sống kinh tế phát triển nhanh ngoài mức mong đợi, đời sống văn hóa cũng từng bước nâng lên với việc nhà văn hóa bản khang trang, sách báo được đưa vào hàng tuần, 70% hộ dân trong xã có ti vi để xem, xã đã có rất nhiều em đậu vào các trường cao đẳng, đại học… Tuy nhiên, Mỹ Lý vẫn là xã nghèo, chưa hình thành được các mô hình kinh tế có hiệu quả, dân trí chưa cao. Khi được quán triệt về chủ trương xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ nhân dân Mỹ Lý đều cho rằng đây là con đường để đưa xã nhà đi lên. Bí thư Đảng ủy xã Kha Văn Nghệ cho hay: “Xây dựng nông thôn mới không thể trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ từ trên mà phải để nhân dân làm chủ xây dựng quê hương mình. Đời sống người dân còn nghèo thì làm việc gì cũng khó triển khai. Tuy nhiên, khi Đảng bộ phổ biến chủ trương đến các thôn bản rất được người dân đồng tình ủng hộ”.



Ở Mỹ Lý đã có nhiều hộ chuyên kinh doanh cá.

Những ngày này, đến với Mỹ Lý, đâu đâu cũng nghe nhân dân bàn tán xôn xao về việc nuôi con gì, trồng cây gì để cho hiệu quả cao. Ông Vi Văn Công - Bí thư Chi bộ bản Xằng Trên cho biết: Ở bản giờ đã có nhiều người tham gia khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng, nuôi trâu bò dưới tán rừng, khai thác thủy sản, tham gia dịch vụ chuyên chở hành khách, buôn bán hàng hóa từ Việt sang Lào, từ thượng nguồn Nậm Nơn về đập Bản Vẽ và ngược lại. Ngoài ngô lai, lúa nếp truyền thống, nhiều hộ dân đã đưa thêm khoai sọ, chuối, gỗ xoan vào trồng. Xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Lý còn nhiều gian nan nhưng không làm thì bao giờ dân mới khá, nông thôn mới thành công…

Những năm qua, người Mỹ Lý đã biết làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Nhiều mô hình VAC đã mang lại hiệu quả cao như trang trại của gia đình ông Lô Mạnh Hùng, một cựu chiến binh ở bản Xiềng Tắm – nuôi dê, bò, cá, nhím, lợn rừng, cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/năm. Ở bản Xốp Tụ đã có nhiều hộ chuyên thu gom cá đánh được trên thượng nguồn Nậm Nơn để bán ra Mường Xén, về Tương Dương. Gia đình Lầu Văn Sính - Vi Thị Lấm, một hộ kinh doanh cá phấn khởi chia sẻ: Cộng cả tự đánh bắt lẫn thu gom, gia đình mỗi ngày bán ra 6-7 yến cá có giá trị cao, thu về lãi ròng 600-700 nghìn đồng. Trừ các chi phí, mỗi tháng thu về cũng được gần chục triệu, hơn làm nương rẫy nhiều. Sắp tới, gia đình đang dự định mở rộng dịch vụ ăn uống ngay tại bè và nếu ổn định sẽ nuôi cá lồng trên sông…

Theo ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý: Nguồn đầu tư giúp đỡ cho Mỹ Lý lớn nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho người dân vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Với các nguồn vốn vay, đến nay cơ bản Mỹ Lý đã mở ra nhiều hướng kinh doanh, sản xuất như trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ vận tải, đưa lao động đi làm việc với nước ngoài. Tính riêng việc chăn nuôi trâu bò, hiện Mỹ Lý có tổng đàn gần 10.000 con. Trong xây dựng Trạm Y tế vừa qua, nhân dân cũng đã đóng góp ngày công giá trị hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Kha Ngọc Minh cũng thừa nhận: Con đường xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Lý còn dài, bởi đặc thù địa hình, cơ sở hạ tầng vùng miền núi, biên giới. Hiện xã mới chỉ có thể tính đến việc xóa đói giảm nghèo bền vững và các giải pháp an sinh. Trong khi chưa thực hiện được các tiêu chí thì xã tính đến việc hình thành nên ý thức xây dựng nông thôn mới cho mọi người dân. Ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của người dân Mỹ Lý rất cao nên tin chắc rằng việc thực hiện xây dựng nông thôn mới sẽ khởi đầu và đi từng bước vững chắc.

Từ nhận thức đúng sẽ đưa đến hành động phù hợp, để hình thành cho người dân và thậm chí cán bộ đảng viên ở Mỹ Lý về ý thức xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ vẫn cần rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Đơn cử là ở Mỹ Lý có những hộ khấm khá với đàn bò hàng chục con nhưng cũng có hộ không có con nào dù đã nhận tiền hỗ trợ sản xuất. Chợ Mỹ Lý được đầu tư với tổng mức 1,3 tỷ đồng, chưa xây dựng xong đã có 3 gian sụt lún nứt nẻ, sắp rớt xuống khe. Tại bản Xốp Tự, một số hộ dân làm nhà lấn đường khiến giao thông vốn khốn càng thêm khó. Đập tràn cửa ngõ xã đã bị hư hại sau cơn lụt, nước suối chảy qua tạo thành khe sâu đã lâu những vẫn không ai đứng ra kè đá lại cho dễ đi…


Thành Chung