Thực phẩm đóng gói ăn gian trọng lượng để móc túi khách hàng

26/11/2012 07:09

"Qua kiểm tra đo lường các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng đóng gói sẵn, chúng tôi phát hiện cứ 100 đồng thì nhà sản xuất ăn gian trọng lượng, móc túi của khách hàng hết 29 đồng”, ông Nguyễn Minh Chiến - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh An Giang cho biết.

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện sự gian lận trong hàng hóa đóng gói sẵn. Nhà sản xuất thường đưa ra các "chiêu” như không ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì hàng đông lạnh, độn hàng cấp thấp vào hàng chất lượng tốt, ghi không đúng xuất xứ hàng hóa để nâng giá bán, hàng thiếu trọng lượng, thể tích... để móc túi người tiêu dùng.



Người tiêu dùng thường không để ý đến trọng lượng sản phẩm đóng gói

Nhà sản xuất không ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì hàng đông lạnh, do đó nhiều mặt hàng có tỷ lệ hao hụt thường 20-25%. Những loại nước chấm, dầu ăn, đồ hộp có nước… là những mặt hàng thường thiếu trọng lượng nhiều nhất.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, mặc dù các nhà sản xuất liên tục móc túi người tiêu dùng song người tiêu dùng không để ý, hai là để ý nhưng không biết "bấu víu” vào đâu.

Ông Nguyễn Minh Chiến, Chi cục Trưởng Chi cục Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh An Giang cho biết, tháng 9-2012, Chi cục tiến hành thành lập đoàn kiểm tra và mua 16 mẫu hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng. Kết quả kiểm tra phát hiện có 7/16 mẫu không đủ trọng lượng (chiếm tỷ lệ 43%).

Còn theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng qua Chi cục đã tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn thành phố, cụ thể lấy mẫu 54 lô hàng kẹo, đường, muối, mì chính và bột gia vị phát hiện có 2 lô không đạt yêu cầu.

Chi Cục còn phối hợp với UBND quận 10 kiểm tra các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tại 8 đơn vị thì phát hiện 2/13 lô hàng và 2/17 nhãn hàng hóa không đạt.

Theo đánh giá của Chi cục, các đơn vị sản xuất, đầu mối nhập khẩu hàng đóng gói sẵn chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định nhãn hàng hóa, cụ thể là ghi sai đơn vị đo lường, thiếu địa chỉ nơi sản xuất (đối với hàng nhập khẩu), thiếu thành phần định lượng. Phần thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng.

Ông Đinh Thái Xuân, Chi cục Trưởng Chi cục này lý giải, sở dĩ chưa thể kiểm tra được hết các mặt hàng trong danh mục quản lý Nhà nước là do thiếu con người, thiếu văn bản pháp quy và thiếu trang thiết bị…

Được biết, đối với những cơ sở có sản phẩm bị rút ruột thì hình thức xử lý là chỉ nhắc nhở, tạm dừng lưu thông hàng hóa để khắc phục, sửa chữa. Chỉ khi nào nhà sản xuất cố tình vi phạm nhiều lần lúc đó mới bị xử lý vi phạm hành chính.

Với mức xử lý vi phạm như vậy thì rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối tượng cố tình ăn cắp trọng lượng sản phẩm để móc túi khách hàng.

Theo Daidoanket-M