Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng (TPCN) đang được sử dụng phổ biến. Tại VN, theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM, trên 50% số người lớn sử dụng TPCN.
Tuy nhiên, TPCN đang được quảng cáo quá mức, chất lượng, giá cả không kiểm soát được. Thậm chí, người dùng chủ yếu dựa vào sự mách bảo của người quen, còn người bán thì không có chuyên môn…
Lựa chọn TPCN tại một nhà thuốc ở TPHCM - Ảnh: V.Tuấn
Vàng thau lẫn lộn!
Thị trường TPCN tại VN được ví như “nấm mọc sau mưa” trong vài năm trở lại đây. Thống kê của Cục ATVSTP cho thấy, VN có khoảng 10.000 TPCN, trong đó khoảng 40% sản phẩm nhập khẩu. Từ thượng vàng đến hạ cám như bột, nước uống, xirô, cháo, xúp, viên, trà… dành cho đủ đối tượng từ trẻ em đến người già, phụ nữ mang thai, người suy dinh dưỡng, béo phì.
Nhiều sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là chữa được cả bệnh ung thư, HIV thông qua hình thức người bệnh viết thư cảm ơn hoặc truyền hình giới thiệu bệnh nhân đã khoẻ mạnh nhờ loại thực phẩm này.
TPCN không chỉ mua bán sôi động trên mạng mà ngay tại các nhà thuốc, chỉ cần đưa ra lời đề nghị như giúp đẹp da, đen tóc… là có hàng trăm mặt hàng được nhân viên nhà thuốc giới thiệu, từ hàng sản xuất trong nước cho đến nhập khẩu.
Tại đường Hai Bà Trưng, khu vực chợ Tân Định, quận 1- nơi được xem là phố kinh doanh lẻ dược phẩm có tiếng ở TPHCM- khi được hỏi về mặt hàng làm đẹp cho phụ nữ, nhân viên nhà thuốc L đã nhanh chóng giới thiệu gần 10 loại được xem là ''hút hàng'' hiện nay như: Neo-Vita White Plus 180 viên nén, giá 550.000 đồng/hộp; Women’s Formula 250 viên giá 650.000 đồng/hộp; collagen của hãng Sh giá 700.000 đồng/hộp…
Cũng tại nhà thuốc này, chỉ riêng TPCN dành cho nam cũng có gần 20 loại với giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn giá tiền cho một tháng sử dụng loại TPCN để duy trì sinh lực phái mạnh như: Rocket 1h là 1,125 triệu đồng; Genshu 1,104 triệu đồng; M-Phé 1 triệu đồng; Thiên mã nhục thung dung 925.000 đồng; Khang Hy dược 810.000 đồng; sâm nhung bổ thận: 768.000 đồng; Alipas 560.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo “phục hồi sắc đẹp sinh lý dành cho nữ” giá cũng cao không kém. Giá tiền sử dụng trong 1 tháng của Spacaps: 1,2 triệu đồng; Happy Women: 1,170 triệu đồng; dưỡng da Hoa Thiên: 990.000 đồng; Angela: 570.000 đồng; Tố nữ nhất nhất: 496.800 đồng…
Không những chỉ có TPCN dạng viên, nước uống, bột…, thời gian gần đây, đánh trúng vào điểm yếu của chị em phụ nữ về kích cỡ vòng 1, trên thị trường đã xuất hiện một loại bánh nhãn hiệu Fcup cookies có xuất xứ từ Nhật Bản, được quảng cáo là ăn xong… nở ngực mà không cần phải giải phẫu thẩm mỹ!
Giá bán loại bánh này là 1.999.000 đồng/hộp. Theo như quảng cáo, chỉ cần ăn 2 cái mỗi ngày thì vòng một sẽ to lên. Điều đáng nói là dù chưa có báo cáo thử nghiệm lâm sàng và kiểm chứng cụ thể, nhưng người bán hàng vẫn đảm bảo hiệu quả 100% và giải thích vì trong đó chứa hoạt chất từ thảo dược có tên gọi Pueraria Mirifica, có tác dụng kích thích mô ngực tăng trưởng.
Pueraria mirifica là một tiền chất của estrogen cũng có trong đậu nành. Tuy nhiên, theo các dược sĩ, rất khó để tách chiết được chất này, vì khi ở nhiệt độ cao chất này bị phân hủy, nên dù có trong đậu nành nhưng khi chế biến thành nước thì chất này còn rất ít. Chưa kể trong quá trình chế biến, chất này có thể biến đổi thành chất khác, không biết có còn tác dụng hay không…
Các loại TPCN phát triển ồ ạt vài năm gần đây. - Ảnh: V.Tuấn
Đua nhau làm TPCN!
Thống kê của Hiệp hội TPCN VN cho thấy, trong năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến hết năm 2010, đã có 3.700 sản phẩm TPCN trên thị trường do 1.626 cơ sở nhập khẩu và sản xuất.
Theo PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN VN- hiện nay, VN đã có 1.781 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với hơn 10.000 sản phẩm có mặt trong nước. Năm 2007, tỉ lệ TPCN nhập khẩu chiếm 65% thị trường, thì nay 65% TPCN được sản xuất trong nước. TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cho biết, người tiêu dùng từ chỗ làm ngơ, bây giờ đã quen dùng TPCN.
Nhận thấy TPCN là mảnh đất màu mỡ, nên hơn 90% DN lâu nay đơn thuần chỉ sản xuất dược phẩm đã nhanh chóng tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Điều này đã khiến tình trạng sản xuất, nhập khẩu TPCN trở nên lộn xộn. Nổi cộm hơn là nhiều Cty thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp, lôi kéo nhiều người tham gia, tạo nên những kênh phân phối bát nháo với hàng loạt vụ lừa đảo đã được phát hiện trong thời gian gần đây.
Điển hình nhất là sau sự cố ở Cty Agel VN với chức năng kinh doanh TPCN theo hình thức đa cấp, đã rút khỏi thị trường VN vào năm 2011 sau ba năm hoạt động đã cho thấy, chỉ riêng một nhánh trong mạng phân phối đa cấp Agel đã có 22.000 thành viên. Mỗi thành viên của mạng lưới này đã bỏ ra từ 5-15 triệu đồng để mua sản phẩm Agel.
Theo các chuyên gia của Cục ATVSTP, hầu hết sản phẩm TPCN được các Cty bán hàng đa cấp quảng cáo như thần dược để thu hút người tiêu dùng. Với hình thức đa cấp, các “đại lý” dụ dỗ, tuyên truyền người khác bằng cách thổi phồng công hiệu sản phẩm có thể trị khỏi cả ung thư, HIV; trong khi đó, các sản phẩm này chưa đưa ra được chứng cứ khoa học về thử nghiệm lâm sàng.
TS Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - nhấn mạnh: “Không thể có chuyện TPCN chữa được ung thư hay HIV/AIDS. Chính vì tin theo quảng cáo lừa dối, bệnh nhân thay vì vào viện chữa bệnh lại tin dùng TPCN, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị, mất đi cơ hội sống. Đây thực sự là một tội ác chứ không chỉ đơn thuần là gian dối về thương mại”.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho rằng, hiện nay việc quảng cáo quá mức TPCN vẫn chưa quản lý được. Tình trạng quảng cáo tràn lan, thái quá về công dụng hoặc nhập nhèm giữa hỗ trợ, điều trị khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Thế nhưng, việc giám sát, xử lý rất hạn chế. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2009 chỉ xử phạt được 1 trường hợp quảng cáo quá mức công dụng, năm 2011 cũng chỉ xử phạt được 29 trường hợp và 3 tháng đầu năm 2012 xử phạt được 17 trường hợp.
Theo Laodong-M