Giống và mục tiêu nâng giá trị lúa gạo
(Baonghean) - Vài ba năm lại đây, thị trường lúa gạo chứng kiến những sự thay đổi rõ rệt. Gạo lúa lai ngày càng khó bán dù với giá rẻ, trong khi các loại gạo có chất lượng cao lại tiêu thụ rất dễ dàng với mức giá khá cao. Thực tế đó cho thấy một sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất lúa gạo đang là vấn đề cần thiết.
Sau một vụ sản xuất được mùa như vụ xuân 2012, thì tình trạng lúa gạo “được mùa, rớt giá” lại tiếp tục tiếp diễn, đặc biệt, hàng nghìn tấn lúa không tiêu thụ được lai buộc phải nằm lại trong dân đã làm “đau đầu” các nhà quản lý. Không chỉ ở từng hộ dân riêng lẻ, mà ngay những “đầu nậu” vốn rất có kinh nghiệm về thu gom, buôn bán lúa gạo cũng lâm vào tình trạng hàng trăm tấn lúa nằm trong kho mà không có nơi tiêu thụ. Chủ đại lý Hừng Tạo (xã Hưng Tây)- một đại lý lớn trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, cho biết, đến tận tháng 7/2012, ông vẫn còn 20 tấn lúa ế thừa từ năm 2011, cộng thêm vụ xuân năm nay chỉ dám vay tiền ngân hàng với lãi suất 18% để mua thêm 50 tấn lúa mà số lương thực này hiện vẫn hầu như chưa tiêu thụ được. Trong dân, hầu như các gia đình đều đang có lượng lúa ế thừa, hầu hết là lúa lai, nhiều nhà cần tiền, muốn bán với giá rẻ cũng rất khó.
Chủ đại lý lúa gạo Hừng Tạo (Hưng Nguyên) lo lắng trước hàng trăm tấn lúa bị ứ đọng sau vụ xuân 2013.
Đó còn là thực tế diễn ra ở mấy vụ sản xuất gần đây. Và đó cũng chính là nguyên nhân làm cho trong vụ hè thu vừa qua, toàn tỉnh có tới hơn 3.000 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang, nông dân chán ruộng khi những thành quả vất vả một nắng hai sương bị rẻ rúng. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để giải bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đã đến lúc chúng ta phải thực sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu giống cũng như kỹ thuật thâm canh, nhằm tạo ra những sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường theo hướng năng suất khá - hiệu quả cao - giá trị lớn, chứ không thể tiếp tục bài toán năng suất cao - hiệu quả thấp như hiện nay.
Trong cơ cấu sản xuất của Nghệ An, những năm gần đây lúa lai vẫn luôn chiếm trên 70%, như vụ xuân 2012, diện tích lúa lai chiếm đến 73% (trên 60 nghìn ha), trong khi đó, diện tích lúa thuần đang nằm ở mức khiêm tốn với khoảng gần 30 nghìn ha vụ xuân, tập trung gieo cấy nếp và một số giống khác như Xi 21, Xi 23. Còn thực chất những giống lúa chất lượng cao như HT1, AC5, VTNA2, Nàng Xuân, Nàng Hương chỉ chiếm khoảng 12-13 nghìn ha trong vụ xuân, vụ hè thu rất ít. Bởi vậy, chất lượng gạo của Nghệ An thấp hơn hẳn so với các tỉnh, hầu như chỉ bán cho một số nhà máy để chế biến bia rượu, thức ăn gia súc.
Với chưa đầy 3 triệu dân, hiện Nghệ An không những tự túc vững chắc, mà hàng năm đã có dư ra một số lượng khá lớn để làm hàng hóa (khoảng 300 nghìn tấn). Đó là bức tranh chung, còn ở những vùng trọng điểm về sản xuất lúa của tỉnh như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương..., lượng lúa dư ra hàng năm có thể lên đến một nửa, thậm chí 2/3. So sánh trên thị trường, hiện giá lương thực lúa lai chỉ dao động từ 5.500- 6.000 đồng/kg, tiêu thụ rất chậm, khó bán, trong lúc giá các loại lúa thuần từ 6.500 đồng- 8.000 đồng/kg và rất dễ tiêu thụ. Trong khi đó, với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nếu thâm canh tốt, năng suất lúa thuần cũng không kém lúa lai nhiều (khoảng 62- 63 tạ/ha so với 65- 68 tạ/ha lúa lai ở vụ xuân). Và nếu làm một con số so sánh giữa giá trị của lúa thuần chất lượng cao và lúa lai, sẽ chênh lệch từ 25- 30%.
Mấy năm gần đây, Hưng Nguyên được coi là một địa phương có những bước đi khá nhanh nhạy trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu giống lúa nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Ông Hoàng Đức Ân- phó phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: Từ 2 năm nay, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống lúa, trong đó đã trình diễn, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà thành công một số giống lúa gạo chất lượng cao, nhằm thay thế các giống lúa lai và lúa thuần đã sản xuất lâu đời, chất lượng gạo kém. Riêng vụ xuân 2013, Hưng Nguyên cơ cấu tới 60- 70% diện tích gieo cấy các giống lúa thuần, ưu tiên sử dụng các giống chất lượng như AC5, Nàng Xuân, RVT, VTNA2, XT 28... Diện tích lúa lai chủ yếu chỉ còn được sử dụng ở các xã vùng trong, có diện tích đất nông nghiệp trên đầu người ít như Hưng Long, Hưng Lĩnh, Hưng Lam, Hưng Châu...
Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT)- ông Từ Trọng Kim cho biết: Những năm gần đây, Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường bằng công tác giống và công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, để làm được việc này, trước hết chúng ta phải xây dựng được bộ giống lúa phù hợp, vừa chú trọng đến vấn đề chất lượng nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu thâm canh tăng năng suất. Dù chúng ta đã rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn, hiện chỉ mới có Công ty TNHH Vĩnh Hòa đã xây dựng được thương hiệu gạo AC5 với vùng nguyên liệu gần 4 nghìn ha. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và xây dựng vùng lúa thuần chất lượng cao như lúa thuần BC15, VTNA2, RVT, XL26, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, nếp thơm DT68... Sở KHCN đã xây dựng đề tài chọn giống lúa thuần chất lượng cao cho các vùng sinh thái Nghệ An. Tại các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu... đã tiến hành nghiệm thu ban đầu việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Hương thơm số 1, Bắc thơm 7, TL28, TL6... tuy nhiên diện tích vẫn còn ít.
Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng cần được coi là một hướng đầu tư có hiệu quả với sự tham gia của doanh nghiệp trên cả hai lĩnh vực từ hỗ trợ đầu tư thâm canh đến bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, trong hơn 180 nghìn ha sản xuất lúa hàng năm của tỉnh, mới có khoảng 4.000 ha lúa AC5 của Công ty TNHH Vĩnh Hòa là có hợp đồng đầu tư, tiêu thụ rõ ràng, ngoài ra có một số diện tích sản xuất giống lúa VTNA2 được Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đầu tư sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm. Sở NN&PTNT đang tiến hành đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu lớn thông qua các đơn vị như Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa và đặc biệt là Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp, trong đó áp dụng nhiều yếu tố công nghệ cao về giống, tưới tiêu hợp lý, quản lý tốt sâu bệnh, dịch hại để từ đó có sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao. Qua đó, sẽ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng… Từ đó, việc mở rộng thị trường gạo chất lượng cao sẽ có thể trở thành hiện thực.
Vụ xuân 2013, tỉnh ta chủ trương giảm diện tích lúa lai, phấn đấu gieo cấy khoảng 10.000 ha lúa chất lượng cao. Qua kiểm tra công tác chuẩn bị sản xuất vụ xuân, bước đầu cho thấy tại các địa phương đã có sự chuyển dịch rất rõ trong chỉ đạo cơ cấu giống, điển hình như Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu... Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc thâm canh giống lúa chất lượng cũng kéo theo một số khó khăn như đòi hỏi quy trình thâm canh khắt khe hơn, sâu bệnh hại có thể diễn biến phức tạp hơn. Bên cạnh đó, trong vấn đề tiêu thụ, do sản xuất còn manh mún nên hầu hết đều chưa đi vào xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi sự quan tâm của các doanh nghiệp và các cấp quản lý. Các loại giống hiện nay phần lớn được chọn tạo, du nhập trong nước chứ trong tỉnh chưa chủ động được, dẫn đến giá giống cao trong khi công tác quản lý của các địa phương chưa thật chặt chẽ. Giải quyết tốt những vấn đề này, cùng sự chuyển dịch mạnh mẽ của các địa phương mới hy vọng sản phẩm lúa gạo Nghệ An sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Phú Hương