Vì sao du lịch văn hóa Nghệ An chưa giữ chân du khách?

02/11/2012 20:59

(Baonghean) Lâu nay, các nhà quản lý, các công ty kinh doanh du lịch vẫn luôn xác định Nghệ An có một lợi thế rất lớn về phát triển du lịch văn hoá. Nào là có 1.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có gần 150 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Có Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nào là có một nền văn hoá dân gian phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc như: các lễ hội văn hoá truyền thống, các điệu hát dân ca, hát ví, dặm, hát phường vải, hò, vè ... Có 6 dân tộc anh em cùng chung sống là: Kinh, Thái, Khơ mú, Thổ, Mông, Ơ Đu đã để lại nhiều sản phẩm văn hoá dân tộc đặc sắc tại vùng miền Tây Nghệ An…



Du khách thăm quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn) Ảnh: P.V.T

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế việc khai thác tài nguyên du lịch văn hoá ở Nghệ An đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả là bao. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL lý giải rằng, đó là do các điểm di tích lịch sử ở Nghệ An hầu hết đều có quy mô nhỏ, phân bố không đồng nhất, khoảng cách giữa các di tích cách xa nhau, mối liên quan giữa các điểm di tích lại không mật thiết và ít có sự liên hoàn, dẫn đến việc liên kết các điểm du lịch còn hạn chế, giao thông đi lại không thuận lợi.

Mặt khác, điều kiện thời tiết của miền Trung nắng gió khắc nghiệt cũng làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn các khu di tích như hiện trạng ban đầu, nhiều di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nơi chỉ còn phần "tích truyện", không còn phần "di vật". Bên cạnh đó, nếp sinh hoạt văn hoá độc đáo và đặc sắc của một số dân tộc ít người cũng đang dần bị hoà nhập vào cuộc sống hiện đại. Việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích còn ít, dàn trải và không trọng tâm, dẫn đến có nhiều điểm di tích lịch sử nhưng ít có bản sắc. Đối với các giá trị văn hoá phi vật thể như các điệu hát dân ca, kho tàng văn học, truyện kể dân gian... do không có sự kết hợp với các yếu tố vật thể và không gian dẫn đến chưa thể phát huy hết những giá trị vốn có của nó.

Bởi vậy, có thể thấy rằng, vấn đề khai thác các tài nguyên văn hoá phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch của tỉnh còn hạn chế, quy mô chưa rộng, chưa có chiều sâu, dẫn đến số điểm du lịch văn hoá thu hút khách du lịch quốc tế đến tham quan còn chưa nhiều. Phần lớn các di tích lịch sử khác mới chỉ thu “hút” được người dân địa phương đến dâng hương, dâng hoa vào các ngày lễ, ngày hội hay phục vụ các hoạt động giáo dục tuyên truyền cách mạng cho tầng lớp thanh thiếu niên tại địa phương. Bên cạnh đó, những giá trị văn hoá phi vật thể như kho tàng văn học, khúc hát dân ca, các làng nghề truyền thống, những nét đẹp trong sinh hoạt của các dân tộc ít người đã đưa vào khai thác nhưng chưa có chiều sâu và sức hút đối với khách du lịch, do sự đơn điệu và quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, phải kể đến sự buông lỏng quản lý – phân cấp chưa rõ ràng, hợp lý giữa các cấp chính quyền nên dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong giải quyết các vấn đề liên quan.


Hoàng Nguyên