Trăn trở nghề làm trống ở Nghi Đức (TP Vinh)
(Baonghean.vn) - Trước đây, làm trống là một nghề khá nổi tiếng ở xã Nghi Đức (TP Vinh). Những chiếc trống theo chân người dân trong làng, trong xã đi khắp trong Nam ngoài Bắc; Trống đã mang lại cho người làm nghề một cuộc sống ổn định. Nghi Đức hôm nay vẫn có người làm trống tuy nhiên do nhiều yếu tố nghề này đang ngày càng mai một dần…
Dấu ấn của nghề trống chỉ còn thấp thoáng nơi góc sân, góc nhà của một số hộ yêu nghề ở những chồng gỗ mít xếp trong vườn hay chiếc trống đang làm dang dở. Ông Nguyễn Văn Thân- xóm trưởng xóm Xuân Đức (Nghi Đức, Tp Vinh) cho biết: “ngày xưa trong xóm có vài chục hộ làm trống bây giờ chỉ còn lại khoảng 10 hộ vẫn bám trụ với nghề này, chủ yếu là theo cha truyền con nối…”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiến - xóm Xuân Đức (Nghi Đức)
đã có 4 đời làm trống
Anh Nguyễn Văn Lai gắn bó với Nghề làm trống đã mấy chục năm nay, từ khi còn là cậu bé 12-13 tuổi. Gia đình anh có truyền thống 4 đời theo nghề này, từ thời cụ cố đến nay trong 5 anh em trai thì có 3 người vẫn theo nghiệp của cha ông. Mỗi chiếc trống được làm ra là bấy nhiêu tâm huyết anh dồn vào đó, thế nhưng nghề này không phải lúc nào cũng có người, có nơi có nhu cầu đặt hàng. Những hộ làm “chuyên nghiệp” như anh Lai mỗi năm cũng chỉ làm vài chục chiếc, mà chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của trung tâm văn hoá các huyện, thành, thị, trường học, nhà thờ và đền chùa. “Là nghề của cha ông để lại nên tôi theo thôi. Còn truyền nghề thì chưa nghĩ đến vì nhà chỉ có hai cô con gái mà trong làng, trong xóm có ai có nhu cầu truyền đâu? cơ bản là vì không có đầu ra..” - anh Lai cho hay.
So với trước đây thì làm trống bây giờ thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Bởi nếu làm thủ công thì để hoàn thành mỗi chiếc trống cũng mất 6-7 công nay được sự hỗ trợ của máy móc từ khâu xẻ gố, cưa gỗ.. đến lắp ghép tang trống cũng chỉ mất 3-4 công tùy theo kích cỡ và giá cả cũng dao động theo từng loại. Hàng nhập ở chợ Vinh đường kính khoảng 45 phân có giá chừng 1 triệu. Theo nhẩm tính của anh Lai thì tính ra một công lao động được khoảng 200 ngàn đồng. Nếu có hàng liên tục, một gia đình với 2 người làm như vợ chồng anh sẽ có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. May mắn có nhiều đơn đặt hàng thì thu nhập lên đến hàng chục triệu. Làm nghề là vậy, có khi chơi cả ngày, có khi thì làm không hết việc.
Trống Xuân Đức (Nghi Đức được làm từ gỗ mít)
“Chẳng ai còn nhớ nghề làm trống có từ bao giờ nhưng ngày xưa cứ sắp đến dịp khai giảng hoặc các lễ hội đầu xuân, mùa tế họ, rằm tháng giêng, tháng bảy hoặc trước mỗi phiên chợ Vinh không khí làng trống tấp nập lắm, ông bà bố mẹ tôi có khi chong đèn làm suốt đêm, trống Xuân Đức nổi tiếng cả Nghệ Tĩnh…”, Ông Nguyễn Văn Hiến- một hộ làm trống ở làng Xuân Đức bồi hồi nhớ lại kỉ niệm của một thời vang bóng. Những người làm trống nổi tiếng của làng, của xã như cụ cố Vĩnh, cụ cố Hồ, ông Liệu đều lần lượt khuất núi, bây giờ con cháu không làm nữa, nghề cũng mai một dần. Trước đây cả xã có 3 xóm làm trống là Xuân Hoa, Xuân Đồng, Xuân Đức với khoảng 50 hộ nay Xuân Hoa không còn ai theo nghề này, Xuân Đồng còn 4 người làm trống là hộ ông Mười, ông Bình, ông Duyệt, ông Tiến. Riêng Xuân Đức vẫn còn khoảng 10 hộ.
Theo những người có kinh nghiệm làm trống lâu năm ở Nghi Đức thì ai cũng có thể học nghề nhưng không phải ai cũng có thể trở thành thợ giỏi, bởi nghề làm trống ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang, vọng của trống. Trống Nghi Đức được làm từ gỗ mít- thứ gỗ ít bị mối mọt, mặt trống làm bằng da trâu, da bò. Kinh nghiệm phải chọn loại già, gầy bởi nó vừa dai lại có tiếng vang, to. Hiện nay ở Nghi Đức cũng có những người yêu nghề, muốn nối nghiệp cha ông nhưng vẫn loay hoay do đầu ra khó khăn.
Lãnh đạo xã Nghi Đức cho biết: “ Nghề làm trống ở Nghi Đức không chỉ đơn thuần là một nghề truyền thống, mà nó còn mang đặc trưng của nét văn hoá làng. Với nghề này, người dân tranh thủ được mọi thời gian trong ngày và huy động được nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia những việc nhẹ nhàng, đơn giản như đóng đinh tre, đánh bóng, trang trí sản phẩm… Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đầu ra, là khâu tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của chính quyền địa phương cũng như người dân Nghi Đức là được hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm nối nghiệp cha ông phát triển nghề truyền thống…”.
Khánh Ly