Pa-ven An-tô-côn-xki, người đầu tiên dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Nga
(Baonghean.vn) - Ngày 30/6-1923, Nguyễn Ái Quốc với cái tên Chen Vang ghi trong hộ chiếu, đặt những bước chân đầu tiên đến hải cảng Pê-tơ-rô-grát của nước Nga thân yêu. Lưu lại một thời gian ngắn, Chen Vang tìm đến Mát-xcơ-va với mong ước cháy bỏng được gặp Lê Nin... Có ai ngờ, 37 năm sau, năm 1960, ấn phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch, in bằng tiếng Nga và phát hành rộng rãi trên đất nước Liên Xô!
Bìa tập thơ Nhật ký trong tù, bản tiếng Nga (NXB Ngoại văn, Hà Nội, tái bản năm 1975)
Người có công tìm hiểu, dịch thơ và giới thiệu tác phẩm Nhật ký trong tù đầu tiên sang tiếng nói của Lê Nin chính là nhà thơ, dịch giả Pa-ven An-tô-côn-xki (1896-1978). Ông sinh tại Pê-téc-bua, trong một gia đình trí thức hành nghề luật sư. Tuổi trẻ, ông có làm đạo diễn, rồi làm thơ và thành công ở lĩnh vực thơ ca. Có một sự kiện đáng nhớ là năm 1941, con trai của nhà thơ vừa học xong lớp 10 thì nhập ngũ, tốt nghiệp trường pháo binh chống tăng với hàm thiếu úy. Mùa hè năm 1942, ông tiễn con ra mặt trận, chưa đầy một tháng sau, người con hi sinh. Trong niềm đau xót tột cùng, nhà thơ đã hoàn thành tập trường ca Con trai tôi (1943), nhờ đó năm 1946 ông vinh dự nhận Giải thưởng Quốc gia Liên Xô.
Còn nhớ, năm 1958, nhà thơ Pa-ven An-tô-côn-xki sang thăm Việt Nam. Năm đó ông vào tuổi 62. Nhà thơ Xô Viết này không thể nào quên buổi sáng được gặp và trò chuyện với Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội: “Người niềm nở mỉm cười. Nếu như ở đây được dùng chữ đứng tuổi thì chính là bởi vì tôi biết rõ tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng hơn cả, nên gọi đồng chí là một người không có tuổi. Thật vậy, mái tóc Người đã bạc trắng, nhưng trong dáng dấp nhanh nhẹn, gọn gàng của Chủ tịch, trong cách đi đứng và điệu bộ của Người vẫn còn giữ được một cái gì đó của tuổi thanh niên, mà cũng có thể của tuổi thiếu niên. Một cái gì nhanh nhẹn, khỏe khoắn, vĩnh viễn tươi vui...”. Ấn tượng thật sâu đậm trước tác phong giản dị, hóm hỉnh, thân gần của vị Chủ tịch một đất nước đang bị chia cắt. Qua lần gặp đó, Pa-ven An-tô-côn-xki củng cố thêm niềm tin, sự hiểu biết và tôn kính con người, trí tuệ, nhân cách cũng như nghệ thuật thơ của Bác Hồ. Nhờ vậy mà ông dịch thơ (dựa vào bản dịch nghĩa tiếng Việt) sát hơn, có hồn vía hơn tác phẩm Nhật ký trong tù được Bác viết trong suốt 13 tháng bị giam cầm (1942-1943), qua gần 30 nhà tù thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc.
Dịch giả Pa-ven An-tô-côn-xki
Thời gian cuốn Nhật ký trong tù lần đầu tiên được dịch sang tiếng Nga, nghe kể lại, ông Pa-ven An-tô-côn-xki có trân trọng trao cho tác giả cuốn sách một bản. Cầm bản dịch trên tay, Bác Hồ xúc động bộc bạch với tất cả sự khiêm tốn, chân thành: “Tôi viết những bài thơ ấy để làm gì? Chỉ vì lí do ở trong tù, tôi không thể làm gì khác. Họ tước đoạt của tôi hết cả... Và buồn... Tất nhiên, không thể nào ngờ rằng, trên cơ sở những bài thơ này, đến bao giờ đó, người ta lại đưa tôi vào hàng các nhà thơ!”.
Cuối cùng, xin nói thêm một sự trùng hợp thú vị và rất giàu ý nghĩa. Năm 1960, kỉ niệm 15 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, NXB Ngoại văn của Liên-Xô ấn hành tập thơ Nhật ký trong tù, chọn dịch 99 bài. Đây là một viên gạch quý góp phần xây đắp mối quan hệ lâu đời, bền vững giữa hai đất nước Việt Nam - Liên Xô. Và cũng năm đó, NXB Văn hóa cho ấn hành với số lượng lớn bản dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Việt, với những bản dịch nghĩa và dịch thơ rất thành công, của một tập thể dịch giả uyên thâm Hán - Nôm, do Viện Văn học chủ trì...
Kim Hùng