Doanh nghiệp nợ BHXH: Quyền lợi người lao động bị vi phạm

03/01/2013 11:16

(Baonghean) Là công nhân, có những người đã hơn 30 năm gắn bó với Công ty Cổ phần xây dựng cầu đường, vậy nhưng đến ngày về hưu, họ không được chốt sổ, không có lương hưu do doanh nghiệp nợ BHXH. Tình cảnh đó đẩy nhiều lao động nghèo vào hoàn cảnh khốn cùng...

Công ty Cổ phần xây dựng Cầu đường Nghệ An trước đây là Công ty Xây dựng đường 1 - Nghĩa Đàn. Sau năm 2005, do có nhiều sai phạm trong kinh tế nên bộ máy cũ không còn điều hành, công ty chuyển sang cổ phần với tên gọi mới là Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Nghệ An. Cũng trong giai đoạn chuyển giao này, do công ty không còn nhiều công trình như trước nên nhiều công nhân thiếu việc làm, thất nghiệp.



Trụ sở Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An.

Đứng trước hoàn cảnh đó, nhiều công nhân đã tình nguyện đóng 100% tiền bảo hiểm (28,5% lương hàng tháng) để hy vọng sau khi đủ năm công tác sẽ có lương hưu. Thế nhưng, đến nay, có 15 người mặc dù đã chốt sổ bảo hiểm từ 2009 nhưng họ vẫn chưa được nhận lương hưu. Cùng với đó, nhiều quyền lợi của người lao động liên quan đến bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, ốm đau... cũng không có. Gần 3 năm xuôi ngược Vinh – Nam Đàn để đòi quyền lợi, ông Nguyễn Văn Quyền (khối Mai Hắc Đế – Thị trấn Nam Đàn), nguyên là công nhân của xí nghiệp xây lắp 4, bức xúc: Tôi cống hiến cho công ty từ năm 1985, hơn 20 năm công tác, thế nhưng đến tuổi về hưu lại phải sống bám đồng lương của vợ con. Cuộc sống rất cơ cực. Ông Nguyễn Xuân Trường (xóm 11, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc) năm nay đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi khám tại các bệnh viện, thế nhưng vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên mọi chi phí của ông lâu nay không được thanh toán. Không có lương, lại còn mất tiền viện phí, gia đình ông hết sức khó khăn.

Lý do khiến việc chi trả chế độ cho người lao động ở Công ty Cổ phần xây dựng cầu đường bị chậm trễ là do đơn vị này hiện đang nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội hơn 2 tỷ đồng. Năm 2010, cũng bởi nguyên do này, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiến hành khởi kiện đơn vị này ra tòa. Tuy nhiên, sau khi hòa giải tại tòa, công ty chỉ mới nộp được 150.000.000 đồng. Hiện tại, theo ông Nguyễn Đình Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc công ty cho biết: Công ty chưa thống kê chính xác được hiện nay ở công ty còn có bao nhiêu người chưa nộp đủ bảo hiểm, bởi số lượng người lao động bị biến động qua từng thời kỳ. Bản thân công ty hiện nay, dù đang trong thời kỳ “hồi phục” nhưng vì chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nên nhiều lao động không được hưởng các chế độ.

Ông Dũng lý giải: “Hai năm nay ngành cầu đường làm ăn khó khăn”, công ty lại đang nợ hơn 40 tỷ đồng nên không có điều kiện để đóng bảo hiểm cho anh em công nhân. Bên cạnh đó, việc nợ bảo hiểm trước đây là do lịch sử để lại, vì vậy các thành viên trong Hội đồng Quản trị không đồng tình việc phải gánh “hậu quả” từ quá khứ.

Quan điểm trên, theo ông Trần Văn Huyên - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Vinh, là không đúng với quy định của Luật Lao động, bởi Luật quy định: Nếu đơn vị thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hay chia tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và thực hiện tiếp nghĩa vụ đối với người lao động. Riêng với Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Nghệ An, thời gian qua Bảo hiểm xã hội thành phố đã có nhiều văn bản về thông báo nợ cũng như hướng xử lý để công ty tìm cách giải quyết nợ đọng BHXH. Ngày 8/8/2012, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường đã có văn bản cam kết trả nợ, trong đó khẳng định trong tháng 8/2012 sẽ nộp 200.000.000 đồng, số còn lại hơn 2 tỷ đồng sẽ nộp hết trước ngày 31/12/2012. Nhưng thực tế, đến nay BHXH vẫn chưa nhận được đồng nào.

Từ sự dây dưa này, không biết đến bao giờ người lao động ở Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Nghệ An mới có thể được hưởng quyền lợi theo Luật Lao động. Trách nhiệm chính để giải quyết vấn đề này thuộc về Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Nghệ An là đã rõ, nhưng chưa thể “một sớm một chiều” có thể giải quyết được ngay. Hiện nay người lao động đang mong muốn ngành Bảo hiểm nên chăng có một chính sách riêng để giải quyết cho những người đã đóng đủ bảo hiểm đã đến tuổi nghỉ hưu, để họ được hưởng quyền lợi nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước quy định.


Mỹ Hà