Nhiều địa phương làm giao thông, thủy lợi chưa bảo đảm kỹ thuật

20/11/2012 17:27

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn và tiến hành quy hoạch lại để sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đồng ruộng, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực chuyển đổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tại nhiều địa phương đã bộc lộ một số hạn chế khi làm giao thông, thủy lợi, dẫn đến gây lãng phí sự đóng góp của dân.

Tại huyện Yên Thành, thời điểm này đã có 16 xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất. Trong đó 3 xã thực hiện năm 2011, còn 13 xã đang thực hiện trong năm nay. Điều rõ nét nhất là tại những cánh đồng của các xã đã và đang chuyển đổi ruộng đất là mạng lưới giao thông, thủy lợi được quy hoạch một cách quy mô, hiện đại, mang lại diện mạo mới trên đồng ruộng. Mặt đường rộng 5 - 7m, được chia đều theo từng lô ruộng, thẳng tắp, hai bên có mương kẹp. Phần lớn các địa phương thuê máy múc để đào đắp nên tiến độ nhanh, hiệu quả và mang tính kỹ thuật cao. Các xã: Nam Thành, Lăng Thành, Đồng Thành, Sơn Thành… cơ bản thực hiện đúng kỹ thuật đào đắp theo tinh thần chỉ đạo của huyện. Điều này chắc chắn mất nhiều diện tích đất sản xuất, nhưng bù lại sẽ thuận lợi hơn trong công tác đầu tư, chăm sóc, nên hiệu quả sẽ cao hơn. Thế nhưng, có một số địa phương do không chỉ đạo chặt chẽ về kỹ thuật làm giao thông, thủy lợi dẫn đến nhiều bất cập, cần phải rút kinh nghiệm.



Thi công giao thông thủy lợi ở xã Văn Thành chưa bảo đảm kỹ thuật.

Tại xã Văn Thành, thời điểm này đang cao điểm làm giao thông, thủy lợi nội đồng để tiến tới chuyển đổi ruộng đất. Trên một số cánh đồng, máy móc đang múc mương, đắp đường. Nhưng điều mà người nông dân đang “lắc đầu” là kỹ thuật không đảm bảo. Đó là 2 con mương kẹp đường được múc vào sát mép đường, không những thế mép đường không được bạt mái ta-luy. Làm như vậy khi mưa xuống, đất trên mặt đường sẽ sạt lở xuống vùi lấp mương. Kể cả khi nước vào mương phục vụ cho công tác tưới tiêu cũng dễ bị sạt lở đường, vì mương được múc quá sâu theo phương thẳng đứng. Nhiều người dân ở xóm Xuân Châu phản ánh: Lẽ ra mương phải múc cách mép đường tối thiểu 50cm và mép đường phải bạt ta luy thì mới đảm bảo mặt đường không bị lở khi có mưa to. Xã làm như thế thì lãng phí tiền đóng góp của dân.

Trao đổi với lãnh đạo xã Văn Thành, ông Đào Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nếu theo chỉ đạo của huyện thì năm nay Văn Thành chưa chuyển đổi ruộng đất, nhưng bằng nỗ lực của địa phương, xã đã chủ động thực hiện sớm. Trước khi thực hiện, xã tổ chức một số đợt tham quan dành cho cán bộ xóm, xã tại các mô hình đã chuyển đổi ruộng đất trong huyện. Toàn bộ công tác đầu thầu làm giao thông thủy lợi và mức đóng góp của dân là giao cho xóm thực hiện. Nhưng mức đóng góp bình quân của xã 250 nghìn đồng/sào đất sản xuất (đóng trong 2 năm). Đến đầu tháng 11, gần như toàn bộ các cánh đồng của các xóm đã cơ bản hoàn thành việc đào đắp giao thông, thủy lợi theo quy hoạch. Khi chúng tôi đề cập đến việc đào đắp không đảm bảo kỹ thuật như người dân phản ánh, ông Ngọc cũng thừa nhận mương kẹp đường sát với mép đường là sai kỹ thuật. Đây là hạn chế nhất của địa phương, biết vậy nhưng không còn cách khắc phục nào khác, vì cơ bản khối lượng đào đắp đã xong. Hơn nữa mương được múc quá sâu (50 - 70cm) cũng lãng phí. Nhưng vì lấy đất tại chỗ để đắp đường, đành chấp nhận như vậy. Giải pháp sau này là huy động sức dân lấy đất ruộng đổ xuống mương, đảm bảo độ sâu khoảng 20 cm là được. Làm được như thế thì độ lở của đường sẽ được hạn chế và tiết kiệm được nước tưới.. Như vậy, sau khi thuê máy đào đắp, lại phải huy động sức dân một lần nữa và sự sạt lở hai bên mép đường sẽ không tránh khỏi. Với cách làm như vậy rõ ràng là không hợp lý đồng nghĩa với việc gây lãng phí tiền của dân đóng góp.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho rằng: Không riêng gì Văn Thành, trên địa bàn huyện còn có một số xã làm giao thông, thủy lợi phục vụ cho công tác chuyển đổi ruộng đất không đúng kỹ thuật. Theo chỉ đạo của huyện, khi làm giao thông, thủy lợi nội đồng để chuyển đổi ruộng đất, các địa phương phải thực hiện múc lớp đất màu dồn về một bên, lớp đất cay múc lên đổ mặt đường, sau đó san bằng đất màu cho ruộng. Nhưng trên thực tế, không có địa phương nào làm được như vậy. Về mặt kỹ thuật, mặt đường rộng từ 5 - 7m (tùy từng khu vực ruộng), mương kẹp đường phải đào cách mép đường từ 80cm - 1m, để tạo chân đường, tránh sạt lở và mép đường phải bạt mái ta-luy. Nhưng một số xã, như: Văn Thành, Phúc Thành, Liên Thành múc mương quá sát mép đường, không đảm bảo kỹ thuật. Huyện phát hiện và góp ý bổ cứu nhưng nông dân không chịu nghe, vì cho rằng làm như thế đỡ mất diện tích đất sản xuất. Không chỉ riêng Yên Thành mà tại huyện Thanh Chương, một số xã cũng xảy ra tình trạng như thế.

Thiết nghĩ, nếu như huyện phân công cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn, tham mưu cho địa phương thực hiện đúng kỹ thuật thì sẽ không có tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, thiếu tính khoa học, hệ lụy là hiệu quả thấp và gây lãng phí tiền đóng góp của dân. Vì 100% kinh phí làm giao thông thủy lợi phục vụ cho công tác chuyển đổi ruộng đất là do dân đóng góp. Còn nói về người dân không đồng tình với cách làm đúng kỹ thuật là chưa thuyết phục, vì đất sản xuất lúc đó chưa chia cho dân, và phần đất hở giữa mép đường với mương (rộng 80cm - 1m) ấy so với tổng diện tích bị mất để làm đường và thủy lợi là không nhiều. Việc này, các địa phương không nên làm một cách ồ ạt, lấy thành tích, dẫn đến thiếu tính khoa học, mà cần phải có sự chỉ đạo, giám sát của huyện. Tốt nhất, các địa phương cần tổ chức tham quan học hỏi những mô hình làm tốt để rút kinh nghiệm và áp dụng cho địa phương mình. Thà làm một lần còn hơn làm đi làm lại mà không hiệu quả.


Xuân Hoàng