Chế tài chưa đủ mạnh

13/12/2012 18:36

(Baonghean) Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ không những gia tăng về số lượng mà cả mức độ vi phạm tội. Điều đó phản ánh sự coi thường pháp luật, coi thường người thi hành công vụ của công dân đã ở mức báo động.

Hành vi nguy hiểm

Với thực tế hiện nay, việc chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều khiến cho lực lượng chức năng đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với hiểm nguy khó có thể lường trước. Trong đó, lực lượng phải đối mặt nhiều nhất là cảnh sát giao thông (CSGT), cảnh sát cơ động (CSCĐ) , công an phường, xã...

Mới đây, vào hồi 9h40 phút ngày 21/11, tại địa bàn cầu Mưng, Thị trấn Hưng Nguyên, khi điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, Nguyễn Huy Hưng (SN 1993, trú tại khối 12, phường Cửa Nam, TP Vinh) đã không tuân theo yêu cầu dừng xe của CSGT mà còn lạng lách, giữ nguyên tốc độ cao lao thẳng vào tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Hưng Nguyên, làm Trung tá Hồ Hùng Cường gãy 2 chân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hưng cùng chị gái là người ngồi sau xe đã tháo ngay biển kiểm soát xe máy, rồi bỏ trốn khỏi địa bàn Nghệ An. Tuy nhiên, xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, Công an huyện Hưng Nguyên đã nhanh chóng tập trung điều tra. Đến ngày 9/12, Nguyễn Huy Hưng đã bị bắt giữ.

Chiều ngày 6/3/2012, khi tổ công tác thuộc đội CSGT TP. Vinh làm nhiệm vụ trên đường Trường Thi thì phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Cường (SN 1983, trú tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng chức năng đã ra tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý; đối tượng rồ ga lao thẳng về phía CSGT, làm Thượng úy Lê Đăng Khoa ngã xuống đường và bị thương, Thượng úy Khoa nhớ lại vào năm 2010, tại ngã tư chợ Vinh, khi phát hiện xe ô tô chuyển hướng không xi nhan, anh đã ra tín hiệu dừng xe, lúc đầu chủ xe mở cửa nhưng đột nhiên rồ ga cho xe chạy hất anh lên nắp capô chạy hàng chục mét mới chịu dừng xe lại...

Với lực lượng CSCĐ, việc phải đối mặt với các đối tượng chống đối cũng xảy ra thường xuyên, trong đó không ít trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Như sự việc xảy ra vào 21h30 ngày 4/5/2012, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại đường Trường Thi (TP Vinh), Thiếu uý Trần Trọng Hùng và Trung sỹ Bùi Minh Quân phát hiện 3 thanh niên ngồi trên 1 chiếc xe mô tô không BKS, không đội mũ bảo hiểm, có nhiều biểu hiện nghi vấn. Lập tức, các anh ra tín hiệu dừng xe và yêu cầu các đối tượng mở cốp xe kiểm tra. Bất ngờ, hai đối tượng ngồi phía sau nhảy xuống cướp gậy cao su, tấn công Trung sỹ Quân và dùng dao chém Thiếu uý Hùng.



4 đối tượng chống trả CSGT đêm 30/9 (ngồi) bị đưa về xử lý tại Đội CSGT Công an TP Vinh.

Không chỉ CSGT, CSCĐ phải đối mặt với các đối tượng chống đối, mà ngay tại các địa bàn nhạy cảm về ANTT, đội ngũ công an xã, công an viên của xóm cũng phải đối mặt với không ít trường hợp. Đơn cử, vào lúc 15h30 ngày 20/10/2012, nhận được tin báo của ông Nguyễn Đức Thắng (trú tại xóm Nam Khế, xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn) về việc có một nhóm đối tượng gây gỗ đòi đánh người, Công an xã Nghĩa Long đã có mặt can thiệp nhưng các đối tượng (gồm: Nguyễn Văn Thành (SN 1995), Nguyễn Hoàng Nam (SN 1983), Đào Văn Đồng (SN 1988), Nguyễn Hoàng Hòa (SN 1987) cùng trú tại xóm Hải Lào, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn và Hà Văn Thái (SN 1988, trú tại xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn) không những không chấp hành mà còn hành hung trở lại. Hậu quả làm anh Hà Văn Cường, công an viên xóm Nam Khế bị gãy cả 2 tay phải cấp cứu tại bệnh viện. Vụ việc đã được Công an huyện Nghĩa Đàn nhanh chóng phối hợp truy bắt và tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng nói trên về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Cần một chế tài đủ mạnh

Có thể thấy, hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là đối tượng chống đối chủ yếu tập trung ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Thống kê của Phòng CSGT tỉnh, từ 2002 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 66 vụ/68 đối tượng chống người thi hành công vụ, làm trên 20 cán bộ chiến sỹ bị thương. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 6 vụ. Tuy nhiên, số đối tượng bị khởi tố còn quá ít, chỉ 28 đối tượng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Đông - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Nghệ An cho rằng, nguyên nhân xảy ra việc chống người thi hành công vụ là do một bộ phận thanh niên có tính côn đồ, không chấp hành luật pháp. Ngoài ra, các vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều là do việc xử lý hành vi này còn quá nhẹ.

Theo quy định tại Nghị định số 71/2012 của Chính phủ thì mức quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn quá nhẹ. Tại khoản 2, Điều 38 NĐ-CP của Nnghị định này thì đối tượng có hành vi “Chống người thi hành công vụ” chỉ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, theo Điều 257, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Chống người thi hành công vụ” khởi điểm của khung hình phạt chỉ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng. Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù cao nhất cũng chỉ 2 năm đến 7 năm.

Điều dễ nhận thấy, với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không tương xứng. Bởi trong các hành vi chống đối, việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện. Chính vì vậy đối với trường hợp này phải được xử lý nghiêm, tương đương với tội danh giết người và cần tiến hành xét xử lưu động công khai để làm gương cho các đối tượng khác. Cùng với đó, thực tế hiện nay hành vi chống đối ngày càng liều lĩnh, bất ngờ nên trước mắt cần trang bị thêm công cụ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Cùng với đó, cần nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình, trong đó, công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cần phải được chú trọng thường xuyên.


Đặng Nguyễn