Kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên rau: Đang bỏ ngỏ
(Baonghean) - Với trên 150 ha đất trồng rau, nguồn rau Nam Anh (Nam Đàn) ngoài tiêu thụ trên địa bàn huyện chủ yếu được bán rộng rãi cho thị trường TP. Vinh và các huyện lân cận. Tuy nhiên, việc kiểm soát dư lượng hóa chất trên rau là một vấn đề đang “bỏ ngỏ” ở đây. Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các vùng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Hoàng Hùng, xóm 6 xã Nam Anh có 1,5 ha rau cải trồng xen ngô. Theo anh, đã trồng rau là phải phun thuốc sâu. Hàng ngày, cứ thấy sâu xuất hiện là phun, vì như thế rau mới tốt, năng suất cao và không bị xấu, người tiêu dùng “chuộng” hơn. Hỏi về thời gian cách ly, anh Hùng khẳng định là không riêng gì anh mà ở tất cả các gia đình trồng rau khác trong xã, đó là điều không thể bảo đảm được, vì khi rau đã đến thời điểm thu hoạch thì không thể không thu hái dù mới được phun thuốc xong. Khi chúng tôi đến, ruộng rau nhà anh Hùng mới trồng được 15 ngày nhưng đã được phun thuốc sâu hai lần. Anh cho biết, mỗi lứa rau cải nếu ít cũng phun 7 lần, những năm thời tiết không thuận thì con số đó phải tăng lên đến 10- 11 lần, nhiều khi vừa phun hôm nay thì ngày mai đã hái do khách có nhu cầu hoặc rau đã đến lúc phải thu hoạch.
Rau vụ đông ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).
Chủ tịch UBND xã Nam Anh- ông Trần Văn Sinh cho biết: 9/9 xóm của Nam Anh đều trồng rau với trên 500 hộ có thu nhập chính từ nghề này. Hàng năm, mỗi ha rau có thể đem lại nguồn thu từ 200- 300 triệu đồng. Những năm qua, xã thường xuyên khuyến cáo bà con sử dụng thuốc BVTV đúng chủng loại, thời gian hợp lý, đồng thời đang có kế hoạch đưa điện xuống đồng để tưới. Ngoài áp dụng các tiến bộ KHKT, để bảo đảm năng suất và sản lượng, người dân vẫn lạm dụng thuốc BVTV, thậm chí một số loại cây trồng hiện đang rất đáng báo động về dư lượng thuốc BVTV như dưa chuột, rau cải, cà chua..., nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục!
Thực tế, tại hầu hết các vùng trồng rau của tỉnh, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên cây rau là vấn đề hầu như chưa làm được. Tổng diện tích sản xuất rau quả hàng năm của Nghệ An khoảng 15.137 ha, sản lượng đạt từ 150- 170 nghìn tấn với phong phú các chủng loại. Qua điều tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên cây rau cho thấy, hàng năm có tới 60,8% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai quy trình, trong đó không bảo đảm thời gian cách ly 25%, sử dụng thuốc không nằm trong danh mục trên cây rau 42,3%, sử dụng thuốc không đúng liều lượng, kỹ thuật 30%. Các loại thuốc được sử dụng trên cây rau lên tới 27 loại, trong đó nhóm được coi là ít nguy hiểm hơn là thuốc kích thích sinh trưởng chỉ có 4 loại, còn lại là 15 loại thuốc trừ sâu và 8 loại thuốc trừ bệnh.
Rất nguy hiểm là số lần phun trừ trên cây rau lên tới 5- 6 lần/chu kỳ sinh trưởng, thậm chí có nơi, có nhóm cây trồng phun từ 10- 15 lần/chu kỳ, nhất là ở các loại rau như đậu leo, cà chua, rau dền... Trong năm 2011, Chi cục BVTV cũng đã tiến hành lấy mẫu phân tích tồn dư thuốc BVTV trên cây rau, số mẫu phát hiện dư lượng lên tới 18/90 mẫu (bằng 20%), số mẫu phát hiện thấy có hai loại hóa chất lên tới gần 57%, trong đó rau ăn quả có mức độ nhiễm cao nhất (40%) và rau ăn lá chiếm 15%. Đặc biệt, số mẫu vượt mức cho phép ở các nhóm hơn 61%.
Qua kết quả trên cho thấy, tình hình sử dụng thuốc BVTV trên cây rau trên địa bàn Nghệ An đang nằm ở tình trạng đáng lo ngại. Theo trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục BVTV tỉnh)- ông Nguyễn Xuân Bình, thì hiện tại, người dân đang sử dụng các loại thuốc BVTV chủ yếu theo “tâm lý đám đông”, thấy sâu là phun mà hầu như không quan tâm bệnh đã đến ngưỡng cần phun. Chủng loại thuốc quá nhiều, trong khi hiểu biết của người dân còn hạn chế.
Theo kết quả kiểm tra của lực lượng thanh tra chuyên ngành, trong 6 tháng đầu năm 2012, có gần 240 loại thuốc BVTV lưu thông trên thị trường Nghệ An, và điều nguy hiểm là người dân hầu hết mua thuốc theo “kinh nghiệm”, theo chỉ dẫn của những người bán mà nhiều khi chỉ là người kinh doanh theo thời vụ, bằng cấp, chứng chỉ không có, sự hiểu biết về thuốc BVTV hạn chế. Đây là điều rất đáng lo ngại vì nó dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV tràn lan, người dân thấy không khỏi lại mua thuốc khác về phun tiếp, vừa lãng phí, vừa độc hại và nguy hiểm cho người tiêu dùng cũng như chính những người sử dụng thuốc BVTV. Theo thống kê, trung bình hàng năm toàn tỉnh sử dụng từ 600- 650 tấn thuốc BVTV các loại, bình quân 1- 1,5 kg/ha cây trồng cho một lần phun, trong đó có nhiều diện tích được phun đi phun lại nhiều lần, nhất là trên cây rau.
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuốc BVTV, nếu người dân phun thuốc khi chưa đến ngưỡng phun, hoặc phun với nồng độ quá cao sẽ bị phạt từ 150- 200 nghìn đồng. Tuy nhiên theo ông Bình, những năm qua chúng ta chưa hề xử phạt được một trường hợp nào, dù tình trạng sử dụng thuốc BVTV hiện đang tràn lan và bừa bãi. Các trạm BVTV huyện thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, uốn nắn tình hình sử dụng thuốc BVTV, nhưng thực sự là không xuể và cũng rất khó xử phạt nông dân nếu phát hiện vi phạm. Trong khi đó, trừ một số ít địa phương, còn lại hầu hết các cấp chính quyền vẫn còn buông lỏng trong công tác quản lý kinh doanh cũng như sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.
Có thể nói, tình trạng sử dụng thuốc BVTV đã đến mức báo động. Mới đây, ngành Nông nghiệp đã triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản, để từ đó có những biện pháp cần thiết. Trước mắt, để người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên rau, tỉnh cần quan tâm trong xây dựng các vùng sản xuất rau sạch, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo tâm lý yên tâm cho người nông dân khi áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ và phù hợp với xu thế này.
Phú Hương