Nhìn lại lễ hội năm Nhâm Thìn

16/01/2013 17:50

(Baonghean) Mỗi năm trên địa bàn Nghệ An có tới 25 lễ hội, chủ yếu là các lễ hội cổ truyền (LHCT). Năm Nhâm Thìn vừa qua, LHCT Nghệ An đã có những bước tiến bộ trên nhiều mặt, nhưng so với yêu cầu bảo tồn vốn cổ truyền thống thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Trong tổ chức LHCT năm qua, nét nổi bật đáng mừng là ở phần lễ hầu hết các lễ hội đều được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức truyền thống như các Lễ hội Đền Quả Sơn, đền Bạch Mã, đền Cờn, đền Ông Hoàng Mười. Việc thắp hương trong lễ hội đã có sự tổ chức, hướng dẫn sát sao hơn như không thắp hương quá nhiều, thắp bừa bãi không đúng nơi quy định như trước, đồng thời hiện tượng đốt vàng mã trong các lễ hội năm qua đã được hạn chế. Đáng chú ý là phần tân lễ (mít tinh, đọc diễn văn, giới thiệu đại biểu…) ở nhiều lễ hội đã có sự điều chỉnh rút gọn hơn trước như lễ hội Đền Cờn không tổ chức mít tinh trước sân đền như trước, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười rút gọn tối đa phần tân lễ như không đọc diễn văn, giới thiệu đại biểu… bởi nhiều ý kiến cho rằng, chính phần tân lễ này tạo nên tính hành chính hóa lễ hội, làm “biến dạng” LHCT.



Lễ rước trống, vạc trong Lễ hội Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa). Ảnh: Sỹ Minh

Tuy vây, hầu hết LHCT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết là ngay trong công tác chỉ đạo, điều hành lễ hội còn tỏ ra nhiều bất cập và cả bất hợp lý. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Phan Văn Hùng, Phó ban quản lý DT-DT tỉnh đưa ra một dẫn chứng về vấn đề này: Theo Công văn số 27/TB ngày 6/11/2012 của Sở VH,TT&DL chỉ giao cho Ban quản lý DT-DT tỉnh chỉ đạo 4 lễ hội (2 LHCT là Lễ hội Hang Bua và Lễ hội đền Chín Gian, 2 lễ hội mới là Lễ hội Làng Sen và Lễ hội Uống nước nhớ nguồn), thế nhưng sau đó vẫn yêu cầu Ban quản lý DT-DT chỉ đạo tất cả các lễ hội trên địa bàn, điều này là bất hợp lý. Bởi các địa phương cấp huyện có tổ chức lễ hội đã có cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm chỉ đạo từ nhiều năm qua, nay có thêm cán bộ chuyên trách cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo nữa là không cần thiết, thêm tốn kém và phiền toái.

Mặt khác, với mục tiêu, yêu cầu cần phải trả lễ hội về cho người dân sở tại thực hiện, việc chỉ đạo chỉ cần thiết với những lễ hội mới và LHCT mới được phục hồi, khi cấp huyện yêu cầu, còn khi lễ hội đã vào nền nếp không cần thiết phải chỉ đạo sát sao như trước nữa cũng là hợp lý. Một điểm hạn chế khác trong các LHCT là đến nay mới có Lễ hội Đền Cuông có sinh hoạt ca trù, trong khi nhiều LHCT khác vẫn chưa có loại hình sinh hoạt này, dù đến nay Nghệ An đã có nhiều CLB ca trù đã được thành lập ở nhiều địa phương. Nên chăng các địa phương cần phối hợp chỉ đạo để các lễ hội đầu Xuân mới Quý Tỵ này sẽ có nhiều địa phương có sinh hoạt ca trù trong LHCT.

Một hạn chế khác ở một số lễ hội là do không gian tổ chức còn quá hẹp nên lễ đại tế chưa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh cần thiết, như ở Lễ hội Đền Đức Hoàng. Mặt khác, một số lễ hội lớn, hoặc lễ kỷ niệm năm chẵn có chủ trương có tổ chức quy mô hơn nhưng địa phương thực hiện vẫn chưa có khác biệt với năm khác cả nội dung và hình thức.

Chẳng hạn trong Lễ hội Uống nước nhớ nguồn kỷ niệm năm chẵn nên chăng có thêm việc chuẩn bị 54 mâm lễ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng với việc thắp 10 ngàn ngọn nến sẽ là điểm nhấn tăng ý nghĩa văn hóa trong lễ hội. Điểm hạn chế nữa là việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội từ nhiều năm qua và trong năm Nhâm Thìn vẫn còn tình trạng nhiều địa phương chuẩn bị rất chậm, nhiều lễ kỷ niệm và LHCT chỉ gửi kế hoạch về Sở VH,TT&DL trước khi gửi các đơn vị quản lý như Ban QL DT-DT, Trung tâm VH-TT tỉnh, dẫn đến ngay từ khâu chuẩn bị và cả trong khâu chỉ đạo, quản lý có sự lúng túng, thậm chí rơi vào tình cảnh “ông chằng bà chuộc”.

Dịp tết cổ truyền cũng là giai đoạn các địa phương đang gấp rút chuẩn bị tổ chức LHCT đầu xuân. Nêu vài điểm còn hạn chế và việc tổ chức các LHCT mong cùng suy ngẫm và cùng nhau chung sức để LHCT Xuân mới này sẽ có bước cải thiện hơn.


Mai Hồ Minh