Nghi Lộc: Chăm lo việc học ở các giáo xứ

02/10/2012 16:19

(Baonghean) - Nghi Lộc là địa phương có đông giáo dân với gần 46.000 người chiếm 23,5% dân số, nhiều xã có tỷ lệ giáo dân trên 50%. Đời sống còn nhiều khó khăn, song công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cấp chính quyền và bà con giáo dân coi trọng. Tỷ lệ gia đình giáo dân hiếu học, giáo xứ, giáo họ khuyến học tăng dần qua các năm.

Để có tiền nuôi con ăn học thành tài, bà Phan Thị Tâm (giáo dân xóm Thịnh Lạc, Nghi Vạn) phải bán lúa, bán ngô, bán vật dụng trong nhà cho đến chiếc nhẫn vàng kỷ niệm từ thời con gái. Câu chuyện về sự hy sinh của bà, người dân trong làng ngoài xã nhiều người biết và coi đó là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. Một mình chèo chống nuôi con, bà làm tất cả mọi việc, miễn rằng để có tiền cho con ăn học bằng bạn, bằng bè: cày cấy thuê, làm cửu vạn, nuôi lợn gà... Không phụ công mẹ “một nắng hai sương” 3 đứa con gái của bà đều học giỏi và đậu vào các trường ĐH danh tiếng: con đầu đậu ĐH Ngoại thương, con thứ hai đậu Y dược và cô út theo học ngành Tài chính.



Giờ học của học sinh Trường tiểu học Nghi Thuận.

Không chỉ ở Nghi Vạn mà các xã vùng giáo như Nghi Kiều, Nghi Thuận, Nghi Xuân, Nghi Hợp... số gia đình giáo dân có 2 con trở lên học ĐH không phải là ít. Chính phong trào thi đua hiếu học từ các gia đình đã tạo nên nền tảng để mỗi địa phương ở Nghi Lộc xây dựng xã hội học tập.

Đáng quý hơn, với tinh thần cộng đồng đoàn kết, nhiều gia đình giáo dân có con đi xuất khẩu lao động, kinh tế khá giả đã sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn vay không lãi nuôi con ăn học; vận động con em mình đóng góp vào quỹ khuyến học địa phương; nhận đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm học mới 2012-2013, học sinh nghèo xã Nghi Vạn như được tiếp thêm niềm vui khi nhận từ tay giáo dân Phạm Văn Hòe (xóm Làng, xã Nghi Vạn) suất học bổng được trao định kỳ hàng năm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 2 người con của ông Hòe sau khi học hết 12 đã tự nguyện nghỉ học đi xuất khẩu lao động. Với vai trò là cầu nối, anh Phạm Văn Thắng (con thứ 2 của ông Hòe) hàng năm chắt bóp chi tiêu, vận động anh em đồng hương góp tiền gửi về giúp trẻ em nghèo ở Nghi Vạn được đến trường. Từ năm 2007 đến nay, Hội người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc đã cấp 334 suất học bổng trị giá gần 335 triệu đồng cho học sinh nghèo, mồ côi, tàn tật xã Nghi Vạn, tạo điều kiện cho các em được đến trường đầy đủ.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương, sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp hội khuyến học với các giáo xứ, giáo họ đã tạo nên sự chuyển biến tích cực. Những giáo xứ Bố Sơn, Thượng Lộc (Nghi Vạn), giáo xứ Kẻ Sừa (Nghi Trung), Nhân Hòa, Bình Thuận (Nghi Thuận), Mẫu Lâm (Nghi Lâm), Mỹ Yên (Nghi Phương), họ Trung Hậu (Nghi Hoa), Xã Đoài (Nghi Diên)... đều có những hoạt động tích cực động viên phong trào học tập của con em.

Ông Nguyễn Huy Chấp - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Nghi Lộc cho biết: “Để bồi đắp truyền thống hiếu học, các giáo xứ thường tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài như thánh lễ khai giảng năm học mới; họp mặt sinh viên, tuyên dương, khen thưởng những em đạt kết quả cao trong học tập, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn học hành tiến bộ. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ phối hợp với hội khuyến học, với giáo xứ kịp thời có sự quan tâm giúp đỡ.

Nhờ đó, nhiều năm liên tục, vấn đề học sinh vùng giáo nghỉ học giữa chừng giảm hẳn, số con em là giáo dân học hết THPT, học ĐH, CĐ tăng dần. Hiện 100% các xóm vùng giáo có chi hội khuyến học; 100% giáo xứ, giáo họ có ban khuyến học; trung bình mỗi năm có khoảng 200 con em giáo dân đậu vào các trường ĐH, CĐ; hàng trăm em được công nhận học sinh giỏi các cấp. Chỉ tính riêng năm học 2011 - 2012, trong đồng bào giáo dân có 276 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; toàn huyện có 175 học sinh là giáo dân thi đậu đại học, cao đẳng”.


Thanh Phúc