Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới

03/01/2013 11:07

(Baonghean) Những vườn hoa, cây cảnh đợi Tết, những cánh đồng rau xanh sản xuất an toàn, vành đai sản xuất lúa chất lượng cao, chương trình nuôi gia cầm sinh học, kênh mương được đầu tư, đường bê tông được cứng hóa, nước sạch về với các xóm… đó là bức tranh nông thôn mới của thành phố Vinh sau 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về Nghi Kim, Nghi Ân, Nghi Liên những ngày cuối năm, trên các cánh đồng, bà con đang náo nức đổ bê tông, dựng nhà lưới chuẩn bị trồng rau sạch. Những làng hoa ở Hưng Đông, Nghi Ân, Đông Vĩnh…đang thắp đèn để sưởi cho hoa chóng nở. Những dáng người cúi cần mẫn bên những luống hoa, luống hành, xà lách… Thành phố đã xuất hiện những mô hình nuôi gà lôi, chồn nhung đen, cá ngựa làm giàu. Những cánh đồng trước đây có lúc để hoang giờ lại mướt màu xanh của rau, ngô, lúa.



Nông dân Nghi Ân đổ bê tông làm nhà lưới trồng rau sạch.

Ông Nguyễn Văn Quyển - Trưởng ban Nông nghiệp xã Nghi Kim đưa chúng tôi thăm cánh đồng rau an toàn sản xuất theo hướng VietGAP. Trải rộng là màu xanh của nhiều loại rau bà con trồng chuẩn bị đón Tết. 85 hộ đăng ký trồng rau an toàn, được hưởng hỗ trợ của thành phố, có nhà có đến 4 sào như chị Nguyễn Thị Thanh, 3 sào như anh Dương Văn Toàn, Dương Đình Tứu… Có 10 gia đình đăng ký làm nhà lưới với tổng diện tích 8.060 m2. Bà con đang chuyển từ bảo vệ rau khỏi dịch hại bằng cách phun trực tiếp sang phòng ngừa, tức là xử lý đất và dùng phân hữu cơ sinh học.

Còn ở Nghi Ân, hai cánh đồng rau sạch là Kim Bình, Kim Tân cũng đang “chuyển mình” làm rau an toàn với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và chính sách của thành phố. Làng cây cảnh Kim Chi đã bắt đầu rộn rã, những màu hoa bắt đầu khoe sắc đón xuân. Nhiều hộ có cơ ngơi từ cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng.

Không chỉ trồng hoa, trồng rau, Nghi Ân còn xây dựng được trường mầm non trị giá 5 tỷ đồng, xây dựng nhà học đa chức năng cho trường THCS trị giá 1,6 tỷ đồng, hoàn thành hơn 3 km đường nhựa, tổng dự toán hơn 5 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến Quốc lộ 46 đi Nghi Trung với số tiền 3,7 tỷ đồng. Nghi Ân đang chuẩn bị đầu tư xây dựng chợ hoa cây cảnh Kim Chi, đường làng nghề Kim Chi, đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến Quốc lộ 46 đi Nghi Trường, đường Đức Thiết đến Nghi Trường dài 1,2 km…

Thành phố Vinh là đô thị loại 1 nhưng vẫn còn 9 xã ngoại thành, đời sống phần lớn người dân dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, do đô thị hóa, đất đai đã bị bỏ hoang hoặc xây dựng thành các khu đô thị, nhưng kèm với đó là tệ nạn xã hội, nguy cơ thất nghiệp… Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Vinh nhằm giúp thành phố phát triển bền vững.

Bên cạnh các chỉ tiêu về hạ tầng, về giáo dục, an ninh… thì sản xuất, tạo việc làm là tiêu chí quan trọng để thấy được tính thiết thực của chủ trương này. Đề án phát triển nông nghiệp ven đô đã được xây dựng và UBND thành phố phê duyệt; Các xã tiến hành lập đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, 9/9 xã đã xây dựng xong đề án sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân (vùng thâm canh) phù hợp với những nội dung thành phố đã đề ra.

Vùng sản xuất rau an toàn thành phố quy hoạch 370 ha. Trong đó xã Hưng Đông 120 ha, Nghi Kim 80 ha, Nghi Ân 80 ha, Nghi Liên 80 ha, Đông Vĩnh 10 ha. Các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn đang triển khai chương trình mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu rau an toàn VietGAP Thành phố Vinh. Bên cạnh đó, vùng sản xuất hoa, cây cảnh được quy hoạch 260 ha, trong đó xã Hưng Đông 45 ha, Nghi Ân 100 ha, Nghi Liên 55 ha, Nghi Kim 50 ha, Đông Vĩnh 10 ha. Trên cơ sở kết quả xây dựng các ngành, nghề, làng có nghề hoa, cây cảnh và nhu cầu thị trường cũng như kinh nghiệm sản xuất của người dân, thành phố đã tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn cho nông dân. Đặc biệt là phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung Bộ trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất như mô hình hoa cúc chất lượng cao, chuẩn bị xây dựng chợ đầu mối hoa cây cảnh Nghi Ân.

Vùng sản xuất lúa chất lượng cao được quy hoạch 400 ha ở Hưng Hòa, Hưng Chính, Nghi Liên, Nghi Kim, mở rộng việc ứng dụng các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện như QĐ 05/2012, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan khoa học trong cung ứng, quản lý giống.

Vùng nuôi trồng thủy sản quy hoạch 245 ha, trong đó Hưng Hòa 105 ha, Hưng Lộc 50 ha, Nghi Kim 60 ha và Hưng Chính 30 ha. Từ các mô hình nuôi trồng thủy sản thành công ở Hưng Hòa, Hưng Chính…, thành phố tiếp tục chỉ đạo mở rộng sản xuất các loại thủy sản đặc sản như cá bống bớp, cá lăng chấm, cá vược… Các chính sách hỗ trợ người dân trong đầu tư ao đầm, con giống ban đầu tạo vùng sản xuất ổn định.

Vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày quy hoạch 500 ha ở Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Kim, chủ yếu trồng lạc, vừng, áp dụng các giống mới và tiến bộ chăm sóc cho năng suất trên 30 tạ/ ha như L144, L20, TB 25…

Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất tập trung, sạch, đàn gia cầm 350.000 con, đàn lợn 22.000 con tại các xã: Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên, Hưng Chính. Hơn 2 năm qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện thành công chương trình chăn nuôi gà sinh học giảm nghèo trên toàn địa bàn 9 xã của thành phố như Vinh Tân, Hưng Lộc, Hưng Đông, Hưng Yên… Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí thức ăn, tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.

Trong 2 năm 2011 và 2012, Thành phố Vinh đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng trong chương trình NTM. Công trình đường giao thông liên xã, kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà văn hóa xóm, trường học để đạt chuẩn quốc gia…Tổng số công trình theo kế hoạch là 145, đã có 73 công trình đã và đang hoàn thành, trong đó 31 công trình giao thông, 22 công trình thủy lợi, 5 nhà văn hóa, 8 trường học, 1 chợ. Tổng giá trị xây lắp hoàn thành là 164.249,8 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương, tỉnh chi trả 7.843 triệu đồng; ngân sách thành phố 72.968,6 triệu đồng, ngân sách xã 72.820 triệu đồng. Người dân thành phố đã góp 7.618 triệu đồng xây dựng NTM, bình quân 846 triệu đồng/xã, bình quân 570.000 đồng/hộ.

Kết quả trong 2 năm chung sức xây dựng nông thôn mới, có 2 xã đạt từ 13 đến 16 tiêu chí là Nghi Liên, Hưng Lộc, đạt từ 10-12 tiêu chí là Hưng Chính, Nghi Kim, Hưng Hòa, Nghi Phú; đạt 5-9 tiêu chí là Nghi Đức, Nghi Ân.

Từ những mô hình kinh tế, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang, ý thức của người dân trong bảo vệ của công, đảm bảo an ninh trật tự, việc triển khai lồng ghép các chương trình, đề án gắn với cơ chế chính sách của thành phố khá hiệu quả, cho thấy thành phố là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là thuận lợi từ nguồn lực của thành phố, người dân, song cũng là những thách thức tiếp theo để nông thôn Thành phố Vinh khác hẳn với nông thôn của các huyện vùng trung du, miền núi… và phát triển bền vững.


Châu Lan