Nam Đàn: Mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu

05/11/2012 23:21

(Baonghean) Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, Nam Đàn đã chủ động thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để phát triển hàng hóa xuất khẩu, trong đó có cây ớt.

Về Hùng Tiến mùa này, bà con đang náo nức chuẩn bị cho một vụ ớt xuất khẩu. Đây là năm thứ 2 ông Nguyễn Văn Sơn- xóm Đông Lĩnh trồng ớt cây xuất khẩu. Theo ông Sơn thì từ cuối vụ đông xuân 2012, theo chủ trương của xã, ông chuyển đổi 165m2 đất trồng ngô, lạc sang trồng ớt cay xuất khẩu. Để triển khai mô hình, ông được đầu tư hỗ trợ 500 cây giống ớt. Quy trình chăm sóc ớt cay không khó nhưng phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, chăm sóc tỉa cành gốc và lá, tiến hành vun xới, đến giai đoạn cây ớt ra hoa phải bón thúc NPK. Trồng ớt sau 75 ngày là có thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 8 tháng. Từ đầu năm đến nay, ông đã thu hoạch trên 3 tạ ớt quả bán cho công ty với giá 13 ngàn đồng/kg. Theo tính toán từ đầu năm đến nay, ông đã có thu nhập 5,7 triệu đồng từ bán ớt, sau khi trừ chi phí về công, giống, và phân bón lãi ròng 5 triệu đồng. Ông Sơn phấn khởi: “Trồng ớt cay thu nhập gấp 10 lần trồng ngô và trồng lúa, lại có công ty bao tiêu đầu ra nên yên tâm, sắp tới gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích”



Thu hoạch ớt cay tại xóm Đông Lĩnh, xã Hùng Tiến.

Theo tìm hiểu, cây ớt được đưa vào trồng theo phương thức nông hộ. Quy trình trồng và chăm sóc ớt được doanh nghiệp cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn trên tận từng vùng đồng. Đến nay riêng xóm Xuân Lâm có 4 ha ớt hàng hóa với 40 hộ trồng, xóm Quyết Tiến, Đông Lĩnh cũng có từ 1-2 ha ớt. Vụ đông xuân 2012 - 2013 này, xã tiếp tục ký hợp đồng ra giống với Công ty CP đầu tư Á Châu trồng 10 ha ớt, các hộ trồng được công ty cho vay toàn bộ giống, thuốc, phân bón.

Ông Lê Văn Hợp - Trưởng ban Nông nghiệp xã Hùng Tiến, phấn khởi: Mấy năm nay xã đều phát triển từ 8-12 ha ớt cay. Năm nay để mở rộng quy hoạch vùng trồng ớt ra các xóm Đông Sơn, Đồng Trung, Phúc Chỉ..., xã hỗ trợ 2 triệu đồng/ha sản xuất, 50% giá giống theo chương trình nông thôn mới, 30% giá vật tư phân bón. Người trồng ớt được bao tiêu tối thiểu 2 tạ ớt quả/1 sào với giá theo quy định tại hợp đồng, còn lại nông dân vẫn có thể bán ngoài với giá ớt gấp 3. Theo tính toán thì sau 6 tháng thu hoạch, bà con nông dân thu nhập gần 160 triệu đồng/ha ớt, gấp nhiều lần so với thu nhập từ các cây trồng khác.

Ông Nguyễn Hữu Nhuần - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, nhấn mạnh: Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với mục tiêu xây dựng NTM, huyện rất quan tâm đến việc đưa các cây giá trị cao vào cơ cấu. Đây cũng là hướng đi nhằm tăng hiệu quả thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích. Nghị quyết 13 của Huyện ủy khóa XXV đã nhấn mạnh vấn đề này và xem đây là khâu đột phá mới trong công nghiệp, nông thôn. Hai năm gần đây, huyện tạo điều kiện để Công ty CP Hải Hưng (Hải Dương), Công ty CP Đầu tư phát triển Á Châu - chi nhánh Bắc miền Trung, Công ty Phát triển nông nghiệp Hà Nội cung cấp giống ớt, hạt giống cho bà con. Đặc biệt, huyện cho sử dụng nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM để hỗ trợ nông dân mua vật tư, thiết bị ban đầu hình thành vùng nguyên liệu quy mô 5 ha trở lên. Nhiều xã được vận dụng chính sách lồng ghép chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn (15 triệu đồng/cánh đồng). Đến nay toàn huyện đã phát triển được 45 ha ớt cay hàng hóa tại Nam Cường, Khánh Sơn trên 100 ha ngô ngọt tại các xã như Hồng Long, Xuân Hòa, Vân Diên.. Các doanh nghiệp vào đầu tư đều phải thực hiện cam kết thu mua ổn định cho dân; nếu thị trường giá thấp, doanh nghiệp vẫn đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, cho dân ứng trước giống, thuốc trừ sâu để sản xuất.

Được biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Huyện ủy, đến năm 2016 toàn huyện sẽ có từ 60-70% diện tích cánh đồng sản xuất đạt thu nhập 100 triệu đồng trở lên. Trong đó, ưu tiên việc nhân rộng và đưa vào các loại cây hàng hóa nông sản chủ lực như ớt cay, ngô ngọt tại các địa phương có thế mạnh như Nam Cường, Khánh Sơn, Hùng Tiến, mở rộng trồng cà tím ở Nam Anh, cỏ ngọt tại Hùng Tiến, Vân Diên. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khai thác thế mạnh từng vùng, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ.


Lương Mai