Xây dựng cánh đồng mẫu lớn - Tạo đột phá cho nông nghiệp

02/01/2013 19:36

(Baonghean) - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành- ông Nguyễn Sỹ Hưng cho biết: Bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) từ vụ xuân 2012, ngay trong năm, Yên Thành đã thành công ở 12 mô hình, chủ yếu là sản xuất giống lúa. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng với việc đảm nhận các khâu từ cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hầu hết các CĐML đều cho giá trị thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất bình thường, bình quân từ 70- 75 triệu đồng/ha, đặc biệt cánh đồng 33 ha sản xuất lúa lai F1 giống RC25 ở xã Phúc Thành đem lại giá trị bình quân lên tới 140 triệu đồng/ha.

Được coi là một trong những đơn vị tiên phong trong liên kết xây dựng các CĐML, từ hai năm nay, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực này. Giám đốc Công ty - ông Trương Văn Hiền cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng CĐML, từ vụ xuân 2011, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng được 9 mô hình CĐML ở 9 xã của 6 huyện là Đô Lương, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Yên Thành và Nghi Lộc, với tổng diện tích 327 ha, năng suất lúa đạt bình quân 71,2 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân toàn tỉnh 6,4 tạ/ha, nhiều xã đạt năng suất rất cao như Nghi Mỹ (Nghi Lộc) đạt bình quân 76 tạ/ha, xã Lục Dạ (Con Cuông) bình quân 74 tạ/ha.

Từ thành công đó, đến vụ hè thu, trên toàn tỉnh đã xây dựng được 1.044 ha CĐML ở 20 xã của 9 huyện, trong đó có cả các huyện miền núi như Quế Phong, năng suất lúa đạt bình quân 59 tạ/ha, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 12 tạ/ha. Đặc biệt, nhiều CĐM đạt năng suất rất cao ở vụ hè thu như xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), năng suất lúa đạt bình quân 60 tạ/ha, cao hơn bình quân toàn xã tới 13 tạ/ha, tại huyện miền núi Con Cuông có 5 CĐM của 5 xã đạt năng suất lúa bình quân 62 tạ/ha, cao hơn bình quân toàn huyện 8 tạ/ha..., điều đáng mừng là ngoài những điển hình đó, ở hầu hết các CĐML khác đều đạt năng suất trên dưới 60 tạ/ha.



Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là tiền đề cho cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Từ những thành công đó, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đang có những dự định lớn hơn trong xây dựng các CĐML trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2011, đơn vị đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo hàng hóa, với công suất 10 tấn thóc/giờ. Đến nay, công ty đã tiến hành thu mua trên 500 tấn thóc VTNA2 của các CĐML trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để chế biến gạo hàng hóa, với phương châm vừa làm vừa quảng cáo, giới thiệu nhằm tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn cả nước. Đây được coi là một bước đi đột phá, hợp lý trong tìm hướng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân khi thực hiện chủ trương xây dựng các CĐML.

Có thể nói, Nghệ An có khá nhiều điều kiện thuận lợi trong xây dựng các CĐML, với nguồn quỹ đất dồi dào, lực lượng lao động đông, cần cù, chịu khó. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã gặt hái được không ít thành quả đáng mừng. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng đạt 5 - 6%/năm, sản lượng lương thực cây có hạt đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn, sản lượng lạc đạt trên 50 nghìn tấn, mía nguyên liệu trên 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản đạt trên 60 triệu USD. Nhiều tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi.

Với chủ trương xây dựng các CĐML, Nghệ An đã ngày càng nhân rộng được các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được yêu cầu thị trường cả về khối lượng và chất lượng. Trên cơ sở các cơ chế chính sách của tỉnh, nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai từ vụ xuân 2012, chủ yếu trên cây lúa, ngô và lạc, mà điển hình là Tổng Công ty CP vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã triển khai thành công khá nhiều mô hình lúa và ngô. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hoà, Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An,... thông qua hợp đồng sản xuất, tiêu thụ giống với các HTX đã hình thành các CĐML. Năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 52 cánh đồng mẫu. Các CĐM đều cho năng suất, sản lượng và hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà, ít nhất là trên 10%. Đặc biệt, người nông dân đã bước đầu làm quen với sản xuất tập trung, tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới và biết tính toán hiệu quả sản xuất của mình. Cùng với đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) với nông dân đã được thiết lập, ở nhiều nơi, chính quyền cơ sở đã thực sự vào cuộc, tổ chức lại sản xuất, đồng thời quản lý, giám sát việc thực hiện của DN và nông dân.

Tháng 7 vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức đoàn công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, tham quan mô hình xây dựng CĐML ở miền Nam - nơi thực hiện xây dựng CĐML từ năm 2010 và đã đạt được nhiều thành tựu. Tại các địa phương này, bằng phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống đê bao, giao thông nội đồng được hoàn thiện phù hợp cho việc chủ động sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch và sau thu hoạch; các DN đầu tư và liên kết tiêu thụ lúa, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Tại các CĐML, bà con đều có sổ tay theo dõi tình hình sản xuất lúa theo VietGAP, từ đó giúp nâng cao ý thức cộng đồng về việc thu gom bao bì thuốc BVTV, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở những kinh nghiệm quý đó, trong xây dựng CĐML, cùng chủ trương của Bộ NN&PTNT, tỉnh ta đã đề ra những quyết sách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. HĐND đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình CĐML trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2013- 2015. Đó sẽ tiếp tục là “cú hích” quan trọng trong việc nhân rộng các CĐML trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Sỹ- Giám đốc Sở NN&PTNT, thì để làm tốt việc hình thành và phát triển các CĐML, trước hết chúng ta phải xây dựng và thực hiện tốt sự liên kết của “4 nhà”, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi đây là người thiết kế đầu vào, đầu ra và sản phẩm, xây dựng giá thành sản xuất và thị trường; làm sao để cả DN và người nông dân đều được hưởng lợi. Vì vậy, DN phải trực tiếp ký hợp đồng với nông dân, để thông qua các CĐML sản xuất ra các sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng của DN. Ngoài ra, cũng rất cần sự tham gia của các tổ chức chuyển giao KHKT hoặc hệ thống khuyến nông. Vì vậy, tỉnh rất cần có các cơ chế chính sách hợp lý để nhà doanh nghiệp cũng như nhà khoa học thực sự tâm huyết trong xây dựng các CĐML, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.


Phú Hương