Để sản xuất vụ đông “hồi sinh”
(Baonghean) Báo Nghệ An đã có loạt bài “Nhận diện và đầu tư sản xuất vụ đông”. Với loạt bài này có thể tóm tắt lại ở mấy điểm sau:
* Sản xuất vụ đông ở tỉnh ta đang suy giảm.
* Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm là: quan điểm sai về tính hiệu quả và thiếu sự chỉ đạo quyết liệt.
* Để khắc phục cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức của Nhà nước, của ngành chuyên môn và người dân.
Sau đây, xin có đôi điều bàn thêm để cho thật thấu tình đạt lý.
1, Về vị trí, vai trò của sản xuất vụ đông để phát triển nông nghiệp, để xây dựng nông thôn ở tỉnh ta có lẽ là điều không có gì phải bàn nữa. Còn vấn đề hiệu quả của sản xuất vụ đông thì lại là chuyện khác. Đây là chuyện không phải là “quan điểm sai hay đúng mà là hiệu quả thật”. Ở đâu, lúc nào, hộ nào sản xuất vụ đông mang lại hiệu quả (tính bằng tiền lãi sau khi đã trừ chi phí, thì ở đó, lúc đó, hộ đó sẽ tiếp tục làm vụ đông, thậm chí còn mở rộng diện tích. Ngược lại ở đâu, lúc nào, hộ nào làm vụ đông hiệu quả thấp thì ở đó, lúc đó, hộ đó sẽ bỏ. Đây là một tất yếu kinh tế chứ chả có “quan điểm” nào ở đây cả.
Nói như vậy là để khẳng định phải lấy hiệu quả sản xuất làm động lực cho việc “hồi sinh” sản xuất vụ đông ở tỉnh ta nói chung, ở từng huyện, từng xã, từng thôn, từng hộ nói riêng.
2. Để “hồi sinh” sản xuất vụ đông ở Nghệ An, cần phải làm gì?
a, Phải lấy hiệu quả sản xuất làm động lực. Cho nên từ hộ nông dân, đến thôn, xã, cơ quan, đơn vị đã làm, đã có quan hệ trực tiếp đến sản xuất vụ đông phải ý thức đầy đủ nhất phương châm: Làm vụ đông nói chung, làm cây gì, làm ở đâu, làm bằng cách nào có hiệu quả thì làm, có chắc thắng mới làm!
b, Tỉnh, huyện, xã phải xây dựng cho được quy hoạch sản xuất vụ đông của mình, một quy hoạch lấy hiệu quả làm thước đo chính. Quy hoạch xác định rõ ràng vùng nào, diện tích bao nhiêu, cây gì, giống nào? Quy trình sản xuất ra sao? Thị trường ở đâu ở mức an toàn nhất trước những bất lợi của thời tiết và của cả thị trường.
c, Từ quy hoạch mà xây dựng kế hoạch (tỉnh, huyện, xã) cụ thể cho từng vụ, từng vùng, từng huyện, từng thôn, xã đến tận HTX, đến các hộ sản xuất, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị (doanh nghiệp), dịch vụ, cho khuyến nông, cho các tổ chức trong cả hệ thống chính trị. Kế hoạch sẽ giao rõ nhiệm vụ của cấp, của ngành, của đơn vị, của các hộ sản xuất; đồng thời phải được cụ thể hóa bằng cách làm, xác định tiến độ, cách thức chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn. Khi chúng ta đang vận hành nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường thì không thể ấn chỉ tiêu kế hoạch từ trên xuống như trước. Nhưng lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nói chung và sản xuất vụ đông nói riêng nhất thiết phải dựa vào (và phải bằng) một kế hoạch được tính toán chu đáo, chứ không thể chỉ hô hào, vận động chung chung.
d, Từ quy hoạch đến kế hoạch mới có cơ sở để tính đầu tư, mới có cơ sở để hoạch định các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thực hiện được kế hoạch, quy hoạch.
Căn cứ vào khả năng ngân sách, căn cứ vào yêu cầu của sản xuất vụ đông hiện tại và các năm tiếp theo để xác định mức đầu tư, nơi đầu tư, và nhất là cách đầu tư để sản xuất vụ đông (với tận từng cây) có được cơ sở hạ tầng và dịch vụ tốt nhất, né tránh được nhiều nhất những bất lợi về thời tiết gây ra. Căn cứ vào yêu cầu của sản xuất, xuất phát từ khả năng của hộ sản xuất mà định ra các chính sách và cả cách thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với hộ sản xuất, các đơn vị dịch vụ, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
3, Tất cả những việc nói trên là để khẳng định rằng: Nguyên nhân (gần như là duy nhất) làm cho sản xuất vụ đông ở tỉnh ta có xu hướng đi xuống và từ tỉnh, huyện, đến xã chưa coi sản xuất vụ đông là một vụ sản xuất chính – đang coi là vụ làm thêm; chưa xác định được nội dung lãnh đạo, nội dung và cách thức chỉ đạo sản xuất vụ đông thật sự đúng, đầy đủ và đúng đắn. Phần nào đó, mức độ nào đó, lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ đông vẫn mang màu sắc phong trào…
Nếu như bài cuối của “Nhận diện và đầu tư sản xuất vụ đông” là “Đầu tư đúng mức – yếu tố quyết định hiệu quả” thì đầu tư quyết định nhất chính là đầu tư trí tuệ của các nhà chuyên môn để đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến. Tất cả đi tới làm cho sản xuất vụ đông thật sự trở thành một vụ sản xuất chính đem lại lợi ích cho người sản xuất, cho các đơn vị dịch vụ và cho cả nền nông nghiệp của tỉnh nhà.
Trương Công Anh