Phòng trừ sâu bệnh hại lạc vụ xuân 2013
(Baonghean) Cây lạc là cây công nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, vụ xuân 2013 nền nhiệt độ ấm hơn so các năm trước, thuận lợi cho dịch hại phát sinh gây hại nặng trên cây lạc. Để nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm của cây lạc, thì việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do yếu tố dịch hại gây ra là rất cần thiết.
Sau đây là một số dịch hại chính và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lạc vụ xuân 2013.
1. Những nhóm dịch hại chính:
1.1. Nhóm sâu hại lạc
- Sâu hại hạt giống: Dế, kiến, mọt đất, mối.
- Sâu hại cây con: sâu xám.
- Sâu hại lá: Nhóm này có số lượng lớn nhất, gồm các loại chích hút (rầy, rệp, nhện đỏ) và các loại miệng nhai (sâu khoang, sâu xanh, sâu đo, sâu róm, bọ nẹt, châu chấu...).
- Sâu hại củ và rễ: sùng trắng, bọ hung...
1.2. Nhóm bệnh hại lạc:
- Bệnh hại thân, rễ: lở cổ rễ, héo xanh, héo vàng… do tập đoàn nấm đất gây hại.
- Bệnh hại lá: đốm vòng, gỉ sắt… do nấm gây hại.
- Bệnh hại củ: bệnh thối củ do nấm Fusarium Sp.
1.3. Phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):
- Trồng lạc đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện cho cây lạc sinh trưởng, phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu với các loài sâu bệnh hại.
- Luân canh cây lạc với các cây trồng khác, vệ sinh đồng ruộng.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chú ý ngay từ lúc mới gieo, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Nếu mật độ sâu cao nên tổ chức bắt vào sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự phát triển và gây hại của chúng.
2. Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lạc:
2.1. Sâu xám, dế, kiến, mọt đất, mối, sâu thép, sùng trắng, bọ hung.
+ Xử lý đất bằng các loại thuốc như Basudin 10H, Marshal 5G, Vifuran 3GR,… hoặc có thể phun trừ khi mật độ cao bằng một trong các loại thuốc Match 50ND, Bull Star 262.5EC… theo liều lượng khuyến cáo.
2.2. Sâu khoang
+ Dùng bả chua ngọt để diệt trừ sâu hại.
+ Trồng cây hướng dương để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng, sau đó ngắt bỏ ổ trứng, tiêu diệt sâu mới nở.
+ Khi mật độ đến ngưỡng phòng trừ nên dùng thuốc BVTV để phun trừ, các loại thuốc dùng như: Ofatox 40EC, Fastac 5EC… theo liều khuyến cáo. Ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, các chế phẩm sinh học.
2.3. Rệp hại lạc.
Khi mật độ rệp đến ngưỡng phòng trừ cần phải dùng thuốc hóa học để phun trừ như: Ofatox 50EC, Trebon 10EC… theo liều khuyến cáo.
2.4. Sâu cuốn lá.
+ Tổ chức bắt sâu bằng biện pháp thủ công.
+ Sử dụng thuốc hoá học như: Match 50ND hoặc các loại thuốc có hoạt chất sinh học Ebamectin, Abamectin... theo liều khuyến cáo.
2.5. Bệnh héo xanh vi khuẩn (Do vi khuẩn Pseudomonas solanacerum gây ra).
+ Vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị bệnh.
+ Dùng các giống kháng bệnh héo xanh.
2.6. Bệnh lở cổ rễ (Do nấm Rhizoctonia Solani gây hại)
+ Xử lý đất bằng vôi bột.
+ Bệnh chớm xuất hiện dùng thuốc Rovral 50WP, Ridomil… theo liều khuyến cáo.
2.7. Bệnh đốm vòng, gỉ sắt.
Khi bệnh chớm xuất hiện, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nên phun trừ ngay bằng 1 trong các loại thuốc BVTV sau: Opus 75 EC, Carbenda 50SC, Polyram 80DF, Mancozeb 80WP, Sumi Eight 12.5WP, Folicur 250EW, 250WG...
2.8. Bệnh hại củ.
Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, chế phẩm EM ủ với phân chuồng bón lót để tạo ra nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, tác dụng kìm hãm và hạn chế sự phát sinh gây hại của tập đoàn nấm đất gây hại củ lạc.
Nguyễn Huy Khánh (Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu 4)