Nét đẹp ở giáo họ Đông Thuận
(Baonghean) - Là xóm giáo toàn tòng với 67 hộ, 278 nhân khẩu, Đông Thuận (NgHi Trung, Nghi Lộc) được biết đến không chỉ sống “tốt đời đẹp đạo” mà bà con giáo dân nơi đây hiện còn duy trì, phát triển nghề làm cốm hơn 20 năm nay.
Là một trong những Gia đình văn hóa tiêu biểu của giáo họ Đông Thuận, hộ anh Nguyễn Ngọc Giáo luôn đi đầu trong các phong trào sống “tốt đời đẹp đạo”. Vợ chồng anh Giáo xác định: muốn nuôi dạy con tốt, học giỏi thì phải chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài làm ruộng, chăn nuôi, anh chị còn phát triển nghề làm cốm trên 20 năm nay. Được biết, mỗi ngày gia đình anh Giáo sản xuất trên 300 gói cốm các loại, trừ chi phí lãi ròng trên 400 ngàn đồng. Nghề sản xuất cốm đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của anh chị. Từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng anh Giáo đã xây dựng nhà cửa khang trang, chưa giàu nhưng có của ăn của để. Đặc biệt, nhờ phát triển kinh tế, anh Giáo đầu tư cho con cái ăn học. Bởi anh nghĩ: cuộc đời bố mẹ đã nghèo rồi nên không thể để cho con cái khổ vì thất học.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chất – xóm trưởng, được biết: Giáo họ Đông Thuận thuộc Giáo xứ Làng Nam. Trước đây bà con giáo dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đời sống khó khăn. Năm 1992, anh Lê Thành Tôn - sinh năm 1968, đã du nhập nghề làm cốm về làng và truyền cho anh em họ hàng. Thấy nghề này có thể làm quanh năm mà giải quyết nhiều lao động nhàn rỗi, gần 20 năm nay, nghề làm cốm thật sự phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Đến nay, có 57/67hộ tham gia sản xuất cốm, thu nhập bình quân đầu người của làng nghề đạt 23 triệu đồng; tỷ lệ hộ giàu chiếm 40%; hộ nghèo còn 5 hộ. Nhiều gia đình đã chuyển từ thuần nông sang làm các nghề thủ công và kinh doanh. Đặc biệt thương hiệu “Cốm Đông Thuận” đã trở thành đặc sản cho người dân quanh vùng. Cốm Đông Thuận đã có mặt ở khắp các chợ vùng ven từ nông thôn cho đến thị trấn, trong cả các cửa hàng bánh kẹo lớn của TP Vinh. Hiện giáo họ đang xây dựng nhiều cơ sở sản xuất cốm để tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con giáo dân. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “sống tốt đời đẹp đạo”, đến nay giáo họ có 49 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và đang phấn đấu xây dựng Làng văn hóa gắn với làng nghề truyền thống.
Sản phẩm cốm Đông Thuận
Điều đáng ghi nhận nhất ở giáo họ Đồng Thuận là sự đoàn kết, vì thế khi chính quyền triển khai bất kỳ một chủ trương nào đều được bà con đồng tình hưởng ứng và hoàn thành trước kế hoạch. Để đổi mới bộ mặt thôn xóm, nhiều người dân Giáo họ Đông Thuận đã tự nguyện phá bỏ vườn, hiến đất cho địa phương làm các công trình dân sinh. Năm 2012, gắn việc xây dựng nông thôn mới, giáo dân nơi đây đã đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống kênh, cống thoát nước; nâng cấp, mở rộng và bê tông hóa đường giao thông nông thôn, trong đó tuyến đường chính và các giao lộ đều lắp đặt đèn chiếu sáng. Bộ mặt làng quê trở nên khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình như vận động bà con góp vốn, trợ giúp những gia đình nghèo xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế… Tiêu biểu như hộ giáo dân Nguyễn Ngọc Báu là một trong những gia đình tiên phong trong phong trào làm đường giao thông. Ngoài đóng góp mỗi khẩu 200 nghìn đồng theo quy định, gia đình anh còn tự nguyện hiến gần 100m2 đất để mở rộng tuyến đường theo quy chuẩn. Anh Báu cho biết: Nhờ có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc nên niềm mơ ước bao nhiêu năm nay của người dân chúng tôi đã thành hiện thực. Tết năm nay, chúng tôi rất phấn khởi vì có con đường sạch đẹp, phẳng lỳ ngay trước cửa nhà… Nghĩ được như thế nên khi hiến 100m2 đất để mở rộng con đường, vợ chồng tôi hoàn toàn thống nhất”.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ thanh, thiếu niên trong giáo họ biết giữ gìn giáo luật, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước luôn được chính quyền và linh mục, các chức sắc, chức việc giáo họ quan tâm. Chính quyền, cán bộ xóm, nhà trường thường xuyên lên kế hoạch phối hợp với hội đồng giáo họ nhằm giáo dục, tuyên truyền cho các gia đình quan tâm việc học hành của con em. Vì vậy, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường và không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Đối với học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhà trường, chính quyền và giáo họ có biện pháp giúp đỡ để các em có thể đến trường.
Chia tay Đông Thuận trong không gian thoảng thơm mùi cốm, tin rằng mùa Xuân này, bà con giáo họ Đông Thuận được đón một cái Tết đủ đầy hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, bởi con đường giao thông 500m sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán và năm 2012 vừa qua, cốm Đông Thuận được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Dịp này, chính quyền xã, xóm cùng giáo họ cũng sẽ đi chúc Tết, thăm hỏi tặng quà các gia đình giáo dân nghèo, neo đơn.
Thanh Thủy