Để đạt mục tiêu 1,2 triệu tấn lương thực

21/01/2013 19:05

(Baonghean) - Trong kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh ta là phấn đấu đạt 1,15 đến 1,2 triệu tấn/năm; trong đó có 950 nghìn tấn thóc và 250 nghìn tấn ngô. Đó là một mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, năm 2012, chúng ta đã đạt được sản lượng lương thực 1.170.000 tấn với 970.000 tấn thóc và 200.000 tấn ngô. Nếu tránh được rủi ro, không để cho trận lụt đầu tháng 9 lấy đi trên 40 nghìn tấn thóc (khi đang chuẩn bị thu hoạch), thì chắc chắn mục tiêu sản xuất lương thực đến năm 2015 sẽ cán đích vào năm 2012.

Có thể nói, mục tiêu 1,2 triệu tấn lương thực/năm của tỉnh ta sẽ trở thành hiện thực trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, khi mục tiêu tổng sản lượng đã ở trong tầm tay thì điều phải hết sức được quan tâm là giá trị tổng sản lượng và hiệu quả kinh tế trong đầu tư sản xuất của khối lượng sản phẩm này. Vấn đề này phải được tính toán trên nhiều phương diện như nâng cao chất lượng nông sản – đặc biệt cho gần 1 triệu tấn thóc, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch, công tác bảo quản chế biến và tổ chức tiêu thụ sản phẩm...

Thứ nhất: Về nâng cao giá trị lương thực, đó là việc nâng cao chất lượng các loại nông sản lúa, gạo và ngô, cơ chế thị trường giá cả bao giờ cũng phản ánh đúng chất lượng. Song chất lượng nông sản và năng suất cây trồng thường mâu thuẫn với nhau. Trong một thời gian dài vì yêu cầu sản lượng mà chúng ta tập trung chọn lựa và đưa vào sử dụng các giống cây trồng năng suất cao, xem nhẹ vấn đề chất lượng, vì vậy mà hàng năm sản lượng lương thực, nhất là lúa gạo tăng lên nhưng giá trị sản lượng tăng chậm, hiệu quả kinh tế trong đầu tư sản xuất lúa gạo của nông dân và toàn xã hội không được cải thiện.

Mấy năm gần đây nhận thức được yêu cầu chất lượng nông sản trong sản xuất lương thực hàng hóa cũng như nhu cầu tiêu dùng của chính người nông dân mà chúng ta đã tập trung nhiều cho công tác chọn tạo giống, từ đó đã thu được nhiều kết quả và đến nay có thể khẳng định với những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, bao gồm cả giống nhập nội, giống sản xuất trong nước, giống lai, giống thuần, chúng ta hòa toàn có cơ sở để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng (lúa, ngô) theo hướng vừa tăng năng suất để đảm bảo thực hiện mục tiêu sản lượng, vừa tăng chất lượng để tăng giá trị sản phẩm. Vài năm gần đây, nhất là năm 2012 cùng với việc tổ chức sản xuất những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất ngành trồng trọt đã chứng minh điều đó đang trở thành hiện thực trên quy mô lớn.

Thứ hai, về tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất: Thực tế cho thấy chúng ta đang để lãng phí lớn về chi phí sản xuất trong đầu tư thâm canh lúa từ khâu giống đến mật độ cấy, bón phân, quản lý nước và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do chuộng giống ngoại nhập, nông dân đã phải mua giống lúa lai, ngô lai Trung Quốc và các công ty nước ngoài với giá gấp 1,5 đến 2 lần so với các giống do các tổ chức trong nước sản xuất, chưa nói đến là hiện nay các viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam đã chọn tạo được một số giống lúa thuần với giá chỉ bằng 1/3 mà năng suất ngang ngửa với các giống ngoại nhập.

Ngoài việc sử dụng giống đắt, trong khâu giống còn phải kể đến việc gieo cấy dày không hợp lý cũng là một lãng phí lớn, thực tế cho thấy nếu làm mạ tốt, cấy mật độ vừa phải thì giảm được 20 – 30% định mức sử dụng giống đang phổ biến hiện nay. Để tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất lúa, còn nhiều giải pháp kỹ thuật phải quan tâm, theo đó sau khâu giống thì vấn đề cấy thưa (theo hệ thống kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SPI) sẽ thực hiện được chế độ phân bón hợp lý, giảm được chi phí bảo vệ thực vật và tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm được công lao động.

Thứ ba là việc chống tổn thất trong và sau thu hoạch, đây là một tổn thất đáng kể, nhiều tài liệu điều tra đã ghi nhận tổn thất trong và sau thu hoạch thường lên đến 7 – 10%, thậm chí còn cao hơn do thực hiện các biện pháp thu hoạch thủ công, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa có giải pháp tốt. Hiện nay đã có những mô hình thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng cơ giới hóa, giảm thiểu tối đa tổn thất và bảo vệ chất lượng nông sản sau thu hoạch rất tốt. Nếu triển khai tốt các mô hình này và nhân nhanh ra diện rộng, thì không những bảo vệ được năng suất cây trồng mà còn làm tăng giá trị nông sản một cách đáng kể.

Thứ tư là tổ chức tốt việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản. Việc này đã được khẳng định qua hoạt động của một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành), liên minh sản xuất tiêu thụ rau an toàn Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Liên minh sản xuất tiêu thụ lạc Diễn Thịnh (Diễn Châu). Hiện nay cùng với việc đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu lớn với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong liên doanh, liên kết đang mở ra triển vọng lớn cho sản xuất về thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, đảm bảo cho nông sản sản xuất ra tiêu thụ hết và nâng cao được giá trị.

Với những yêu cầu để nâng cao giá trị sản lượng nông sản như đã điểm qua ở trên, cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội và phải được thực hiện thông qua các chương trình, dự án có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp cung ứng, dịch vụ, phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Từ Trọng Kim (Sở NN & PTNT )