Chống thoái hóa cây chanh ở Nam Đàn

07/12/2012 19:11

(Baonghean) - Cây chanh ở Nam Đàn được xác định là một trong những cây chủ lực của địa phương. Tổng diện tích trồng chanh toàn huyện hiện có khoảng 626 ha, rải rác ở hầu khắp các xã, trong đó tập trung nhiều ở các xã Nam Tân, Nam Kim, Nam Lộc, Nam Hưng, Khánh Sơn. Có gia đình thu nhập từ cây chanh đạt 100-150 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích chanh bị thoái hóa đến 52,98%, tỷ lệ suy giảm năng suất trung bình là 52,07%. Thậm chí, có nhiều hộ, vườn chanh đã bị thoái hóa hoàn toàn, cây không cho quả, người dân không còn thu nhập từ chanh.

Từ tình hình trên, Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình cải tạo vườn chanh thoái hóa tại huyện Nam Đàn”. Nội dung giai đoạn 1 của dự án là xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cải tạo các vườn chanh thoái hóa.

- Nguồn giống thường do người dân tự sản xuất bằng phương pháp chiết cành không đảm bảo sạch bệnh. Từ những cây nhiễm bệnh ban đầu tiếp tục nhân giống làm cho mầm bệnh tăng theo hệ số nhân; bón ít phân chuồng làm cho đất ngày càng chai cứng bạc màu; độ mùn và độ xốp của đất bị giảm; bón ít và không đúng tỷ lệ các loại phân vô cơ làm thiếu hụt và mất cân đối dinh dưỡng trong đất. Đặc biệt, hầu hết mẫu đất được phân tích đều bị thiếu hụt các nguyên tố C, N, P và K là những thành phần đa lượng chính, đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng phát triển của cây chanh; phòng trừ sâu bệnh không đúng cách (không xác định đúng loại sâu bệnh hoặc loại thuốc sử dụng) dẫn đến phun không đúng thuốc, không đúng liều đã làm cho sâu bệnh nhờn thuốc; bệnh Greenning và Tristeza làm cho cây bị vàng lá, cây hấp thu dinh dưỡng kém, còi cọc, không phát triển được; phòng trừ không triệt để nên mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng nhiều, đặc biệt có 2 chủng nấm gây bệnh nguy hiểm cho chanh là Furasium và Phytophthora gây bệnh thối rễ, thối cổ rễ và chảy gôm. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho diện tích cây chanh trồng mới chỉ 2-3 năm thì chết, hoặc không phát triển được.

Kinh nghiệm đắp mô đất vào gốc cây hàng năm của người dân với mục đích tạo rễ phụ cho cây lại chính là nguyên nhân làm cho nguồn nấm bệnh trong đất không bị tiêu diệt mà lại có điều kiện nhân hệ số.

Dự án cũng đã đề xuất được các giải pháp cải tạo vườn chanh thoái hóa gồm nhóm giải pháp về quản lý (quy hoạch đất và vùng trồng, giải pháp về giám sát quy trình sản xuất, giải pháp về thông tin tuyên truyền) và nhóm giải pháp về kỹ thuật (giải pháp kỹ thuật về giống, giải pháp về quy trình kỹ thuật canh tác; giải pháp về bảo vệ thực vật; giải pháp về phân bón; giải pháp cải tạo, phục hồi và giải pháp đốn bỏ, trồng mới). Trong đó, tạo nguồn giống sạch bệnh, trồng xen cây ổi để hạn chế bệnh Greenning và xử lý mầm bệnh trong đất bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.

Để các giải pháp được xây dựng khả thi hơn, sắp tới cơ quan chủ trì sẽ tổ chức hội thảo để mời các nhà chuyên môn góp ý.


Hà Phương