Bài cuối: Còn nhiều việc cần làm
Theo quy hoạch phát triển xi măng, đến năm 2015 Nghệ An sẽ có 5 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 5,06 triệu tấn/năm, gồm: Nhà máy xi măng Hoàng Mai (dây chuyền 1) công suất 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Đô Lương công suất 0,91 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Tân Thắng công suất 1,80 triệu tấn/năm; Xi măng Dầu khí Nghệ An công suất 0,60 triệu tấn/năm; Xi măng Hợp Sơn công suất 0,35 triệu tấn/năm.
Quy hoạch là vậy, nhưng trên thực tế, các dự án xi măng trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ và nguyên nhân chủ yếu là do chưa đáp ứng được nguồn vốn (để thực hiện một dự án xi măng cần nguồn vốn rất lớn). Đã vậy, các dự án thực hiện trong giai đoạn thắt chặt đầu tư và đặc biệt chủ trương của Bộ Xây dựng là ưu tiên đầu tư các nhà máy có công suất lớn, công nghệ hiện đại (với công suất từ 5.000 tấn Clinker/ngày thì tổng mức đầu tư tối thiểu từ 3.800 tỷ đồng trở lên).
Trong khi đó, khả năng các ngân hàng trong nước chấp thuận cho vay vốn đối với các dự án xi măng là khó khăn và không mặn mà với lĩnh vực này. Cách đây không lâu, ông Hồng Trường – Tổng giám đốc Công ty CP xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nói rằng: “Mặc dù tỉnh rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp rất khó thực hiện được đúng tiến độ đầu tư, vì rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, đã vậy lãi suất lại cao trong khi đầu tư cho lĩnh vực này cần thời gian đầu tư dài hạn…”. Chính vì thiếu tiềm lực về kinh tế, thiếu kinh nghiệm đầu tư nên chủ đầu tư đã tự đánh mất cơ hội (vì chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết bị rút giấy phép đầu tư). Sự “rút lui” của một số dự án đầu tư xi măng trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua cho thấy, thiếu các doanh nghiệp có tiềm lực, tâm huyết trong lĩnh vực đầu tư vào sản xuất xi măng.
Sự thành công của một dự án xi măng phụ thuộc khá lớn vào năng lực của chủ đầu tư (năng lực tài chính, khả năng quản lý dự án, kinh nghiệm trong phát triển mạng lưới phân phối…). Các dự án tiếp tục triển khai trong thời gian tới không có điều kiện thuận lợi như các dự án trước đây (trừ các dự án mở rộng) về sự ưu đãi của cơ chế, chính sách, về vùng nguyên liệu, điều kiện thi công, cước phí vận tải đến thị trường mục tiêu, đặc biệt và phải phát triển thương hiệu, kênh phân phối trong điều kiện cạnh tranh nội bộ ngành ngày càng cao... Vì vậy, để các dự án phát triển xi măng ở tỉnh ta thực hiện đúng theo quy hoạch và trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, tỉnh cần quảng bá chủ trương, chính sách về kêu gọi đầu tư vào Nghệ An nói chung và lĩnh vực công nghiệp xi măng nói riêng. Phát huy có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) để xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các dự án xi măng; hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án một cách tốt nhất, đúng quy định của pháp luật.
Một “kênh” rất hiệu quả trong việc thu hút đầu tư là khai thác tối đa các cơ hội quảng bá, giới thiệu để cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh cho các nhà đầu tư. Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các chủ trương, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện các dự án. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho các dự án đầu tư sản xuất xi măng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm tạo được một quỹ đất sạch đối với các dự án xi măng sắp tới sẽ khởi công xây dựng như xi măng Hoàng Mai 2... Tiếp tục thực hiện đề án “Cải thiện môi trường đầu tư”; rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư cho sản xuất xi măng. Phát huy hiệu quả của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, giải quyết nhanh các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án... Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu lao động của các doanh nghiệp sản xuất xi măng...
Nhà máy xi măng Hoàng Mai có công suất lớn và công nghệ lò quay hiện đại.
Một vấn đề khó với phát triển xi măng hiện nay là nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn thắt chặt tín dụng. Theo tính toán, tổng vốn đầu tư cho các dự án theo quy hoạch phát triển xi măng của tỉnh đến năm 2020 dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó: Xi măng Hoàng Mai 2 khoảng 600 triệu USD; Xi măng Tân Thắng khoảng 200 triệu USD; Xi măng Đô Lương khoảng 100 triệu USD; Xi măng Dầu khí Nghệ An khoảng 60 triệu USD và Xi măng Hợp Sơn khoảng 40 triệu USD... Ông Phạm Bá Tám - Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch Sở Xây dựng, cho biết: “Để huy động đủ nguồn vốn cần vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách huy động vốn của mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng của tỉnh. Áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và tăng cường công tác huy động vốn tại địa phương của các ngân hàng quốc doanh, tổ chức tín dụng; chuyển hình thức cho vay theo dự án, hướng luồng vốn vào lĩnh vực cần ưu tiên chính là sản xuất và tiêu thụ xi măng...”.
Rõ ràng, để thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển ngành sản xuất xi măng tương xứng với tiềm năng, thì tỉnh ta vẫn còn có rất nhiều việc phải làm.
Hoàng Vĩnh