Bài 7: Bình yên tiếng chuông chùa

21/01/2013 09:13

> Xem Bài 6: Sáng ngời y đức

Chẳng ai biết chùa Song Tử Tây có tự bao giờ, có lẽ là hàng trăm năm trước khi những đoàn ngư dân thời chúa Nguyễn ra đây khai thác, đánh bắt hải sản đã dựng nên. Chỉ biết, trải qua thời gian, chùa mới được phục dựng lại gần đây vào năm 2008. Khuôn viên chùa có tổng diện tích 1 ha, gồm 3 gian, 1 chính điện, 2 nhà khách dành cho chư tăng ở. Chùa uy nghi hướng mặt ra biển, hiện được dựng lại theo lối kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc gian hai chái, mái ngói mũi hài cong có đầu đao, khung, cột chùa bằng gỗ lim quý. Chùa Song Tử Tây có 7 pho tượng, 6 pho được chế tác công phu bằng đá trắng, 1 pho tượng Phật Bà Quan Âm nhỏ hơn bằng ngọc – Đây là quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác thăm nước bạn Myanmar và Thủ tướng dâng tặng cho chùa Song Tử Tây.



Cổng tam quan Chùa Song Tử Tây hướng ra biển.

Cùng với tượng đài Đức Thánh Trần, ngôi chùa đã tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt ở đảo Song Tử Tây. Cứ sáng sáng chiều chiều, từ ngôi chùa lại vang lên tiếng chuông đồng vọng cùng sóng biển và tiếng gió rì rào. Tiếng chuông ngân lên bởi vị sư trụ trì duy nhất ở đây là Đại đức Thích Thánh Thành. Bên ấm trà tỏa hương hoa sen khiết tinh, Đại đức đã giải thích cho nghe về ý nghĩa những tiếng chuông: Theo lễ cũ thì tiếng chuông sáng được đánh vào lúc 4 giờ sáng nhưng do điều kiện đặc thù ở đảo, chùa gần doanh trại đóng quân, hiểu được các chiến sỹ thường huấn luyện đêm nên khi có tiếng kẻng báo thức 5 giờ thì Đại đức mới gióng chuông. Tiếng chuông buổi sáng thức tỉnh con người là đã bắt đầu vào ngày mới và mỗi người nên sống như thế nào thật có ý nghĩa. Tiếng chuông chiều được gióng vào lúc 18 giờ 15 phút, báo hiệu một ngày đã qua và một lần nữa nhắc nhở mọi người sống sao cho có đạo đức, lợi mình và lợi người nói riêng, đem lại lợi ích cho đất nước, dân tộc nói chung.



Tiếng chuông chùa bình yên trên đảo.

Theo Đại đức Thích Thánh Thành, sự hiện diện của ngôi chùa ở đây đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân. Tối tối, rất đông bà con dân đảo vẫn ra đây hành hương cầu nguyện. Đại đức lại hướng dẫn mọi người tụng kinh, sống theo đúng lời phật dạy, cầu nguyện cho đất nước hòa bình, chúng sinh an lạc; nguyện cầu cho những bậc tiền nhân, anh hùng liệt sỹ, nạn vong được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng và phù hộ độ trì cho toàn thể nhân dân đất nước ta được tốt lành… Và những ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thường xuyên đánh bắt trên vùng biển Trường Sa này vẫn thường xuyên ghé vào thắp hương lạy Phật. Họ đến để tìm một chỗ dựa tinh thần, tâm linh với mong muốn vơi bớt đi âu lo, sợ hãi, được che chở giữa bịt bùng phong ba, bốn bề biển cả…Đại đức Thích Thánh Thành khẳng định: “Mái chùa là nơi người dân gửi gắm niềm tin tôn giáo, tâm linh. Ngôi chùa đã là một biểu tượng văn hóa mang tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Việc phục dựng lại ngôi chùa Song Tử Tây thêm một lần biểu thị rõ ràng lịch sử quá trình sinh sống của người Việt trên quần đảo Trường Sa. Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam”.

Trong tiếng chuông ngân nga chiều muộn, chúng tôi đã gặp vợ chồng anh Phan Thành Công và hai con sắp mâm gồm bưởi, táo còn tươi nguyên mới được gửi theo tàu cùng những quả đu đủ đỏ vàng – đặc sản của đảo dâng lên lễ chùa. Anh Công cho hay: “Chùa được trùng tu lại trang nghiêm, bà con phấn khởi lắm. Được đi lễ chùa thấy lòng mình thêm thanh thản, thấy hải đảo không khác gì đất liền để rồi vững tin hơn, mạnh mẽ đương đầu với sóng gió nơi đây… Còn những ngư dân như anh Nguyễn Hùng Phương, tỉnh Phú Yên đến với chùa, đức Phật bằng sự thành tâm là chính. Nơi chốn linh thiêng này, lặng lẽ nguyện cầu, anh Phương nguyện cầu cho bản thân, những ngư dân Việt đang đánh bắt trên biển Đông tránh được cơn mưa gió thất thường, những ẩn họa khó lường của nghề đi biển; mong biển yên, sóng lặng và phù hộ cho những chuyến ra khơi gặp may mắn để mưu cầu cuộc sống… Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên Đảo Song Tử Tây thì chia sẻ: “Tết đến, xuân về, chiến sĩ trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc vẫn luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Cùng với việc dâng hương tại Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương thì anh em chiến sỹ vẫn đi lễ chùa – đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh cần gìn giữ”.



Đại đức Thích Thánh Thành nói chuyện cùng các chiến sỹ trẻ.

Trước biển đêm, Đại đức Thích Thánh Thành đã nói cho chúng tôi nghe những quan niệm đạo và đời, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Là bậc chân tu từng đi tu tập thiền nhiều nơi trên thế giới, quay trở về chùa Khánh Hội, Thành phố Nha Trang, nghe tin người dân đảo làm đơn xin chư tăng ra với chùa, Đại đức đã làm đơn với giáo hội xin ra ngay. Trước là do nơi đây rất yên tĩnh, thuận lợi cho việc tu tập, sau nữa là để chiêm nghiệm nhiều điều. Trong tiếng chuông chùa bình yên trên Song Tử Tây, chúng tôi lại nhớ về Bác qua những vần thơ: “Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt / Biết toả hào quang từ hàng chục cánh tay/ Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu/ Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại/ Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi/…giữ một dáng đứng Việt Nam…”.


Bài: Thành Chung; Ảnh: Minh thông (Email từ Trường Sa)