Nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Nghệ An 10 năm đầu thế kỷ XX

14/01/2013 18:38

(Baonghean) Cuốn sách dày chừng 350 trang, giới thiệu cùng bạn đọc xa gần 34 bài viết của 34 tác giả là nhà giáo, nhà nghiên cứu – phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ quê xứ Nghệ. Chiếm phần đông trong số này là hội viên Ban Lý luận - Phê bình thuộc Hội VHNT Nghệ An. Như vậy, sau 2 tuyển tập văn, thơ Nghệ An 10 năm đầu thế kỷ XX, tuyển tập lần này tạm khép lại phần “văn học” của tỉnh nhà.

Trên 100 bài gửi về theo yêu cầu của NXB Nghệ An, do tiêu chí đặt ra chỉ chọn tác giả người Nghệ, mỗi tác giả một bài, viết về các khía cạnh thuộc đời sống văn học (không bàn về nghệ thuật) Nghệ An; cuối cùng Hội đồng biên soạn đã chọn được 34 bài. Con số này tuy chưa nhiều, nhưng đã phần nào thể hiện sự tôn trọng tính đa dạng, phong phú trong cách nhìn, cách nghĩ, cách viết của mỗi tác giả, sống và viết trên một vùng đất có truyền thống văn hóa, văn chương lâu đời.



Qua nội dung các tiểu luận phê bình trong tuyển, có thể tạm chia làm 3 mảng lớn:
- Tìm hiểu về tác giả của quê hương Nghệ An (nói chính xác hơn là xứ Nghệ, Nghệ - Tĩnh). Từ Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh đến Hoài Thanh, Xuân Diệu, Ninh Viết Giao. Đó còn là một số nhà văn, nhà thơ đương đại quen biết như Võ Thị Hảo, Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Trọng Tạo, Tuyết Nga, Lê Quốc Hán... của các cây bút Nguyễn Đình Chú, Từ Sơn, Trần Hữu Dinh, Phạm Xuân Nghiêm, Nguyễn Đăng Điệp, Vương Trọng, Lê Thái Phong, Nguyên An, Đặng Lưu, Đào Tam Tỉnh.

- Khái quát đặc điểm một giai đoạn văn học, một loại hình, loại thể văn chương hoặc ngôn ngữ có liên quan đến văn học Nghệ An xưa và nay; của các tác giả Trương Đăng Dung, Trần Thị An, Phạm Tuấn Vũ, Lê Văn Tùng.

- Những suy tư về nghề văn, về phê bình văn học nói chung... qua ngòi bút của Võ Văn Trực, Nguyễn Khắc Thạch, Phan Huy Dũng, Đinh Trí Dũng, Lê Thân, Lê Quốc Hán.

Ở mỗi bài viết, độ dài ngắn khác nhau, cách thể hiện mỗi người mỗi vẻ, sức thuyết phục nơi vấn đề nêu ra và cách giải quyết cũng không giống nhau; nhưng niềm hoài vọng, cái tâm và đức tính trung thực của người cầm bút đối với văn học tỉnh nhà và với các thế hệ độc giả hôm nay là rất đáng nâng niu, tin cây!

Do mỗi tác giả chỉ được chọn một bài, và hầu hết bài viết đều đã qua thử thách thời gian, sàng lọc trên báo chí cả nước, nên sức thuyết phục của công trình tập thể này khá cao. Năm 2012, tuyển tập Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nghệ An đầu thế kỷ XX vinh dự nhận “Giải Sách hay - Sách đẹp Việt Nam”, tổ chức hàng năm tại Thủ đô Hà Nội.


Kim Hùng