Khó về tiêu chí giảm hộ nghèo và chuyển đổi nghề nghiệp

07/02/2013 09:59

(Baonghean) - Là huyện miền núi cao thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, Quế Phong bước vào triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với không ít khó khăn, thách thức. Trong số 13 xã (trừ thị trấn), chỉ có xã Quế Sơn đạt 7/19 tiêu chí, 12 xã còn lại chỉ mới đạt từ 3 đến 5 tiêu chí.

Xác định được khó khăn nên ngay sau khi có quyết định của tỉnh, huyện đã có các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện và phân công các thành viên phụ trách theo lĩnh vực và chỉ đạo trực tiếp các xã triển khai. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, bên cạnh sự chuyển biến về nhận thức, Chương trình xây dựng NTM ở Quế Phong đã thu được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi. 2 xã được chọn làm điểm là Quế Sơn và Mường Nọc đã hoàn thành việc lập quy hoạch và phối hợp với đơn vị tư vấn cắm mốc theo quy hoạch được duyệt; đang tiến hành điều chỉnh chi tiết quy hoạch thẩm định và phê duyệt cho phù hợp với thực tiễn để UBND huyện phê duyệt lại; các xã khác đang ký hợp đồng với đơn vị liên quan tư vấn lập quy hoạch trình UBND huyện thẩm định.

Về huy động nguồn lực vốn đầu tư xây dựng NTM: năm 2011, trên cơ sở vốn đầu tư 1,874 tỷ đồng, ngoài việc dành kinh phí cho Ban chỉ đạo huyện hoạt động, huyện Quế Phong đã phân bổ mỗi xã 100 triệu đồng để làm quy hoạch; riêng 4 xã Châu Thôn, Quế Sơn, Mường Nọc, Quang Phong được cấp thêm mỗi xã 50 triệu đồng để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Năm 2012, huyện được đầu tư 1,744 tỷ đồng, trong đó dành 820 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm 2, xã Quế Sơn; đầu tư cho Mường Nọc, Quế Sơn mỗi xã 170 triệu đồng; Tiền Phong, Hạnh Dịch, Châu Kim mỗi xã 84 triệu đồng và Châu Thôn 86 triệu đồng để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thông qua tuyên truyền và tổ chức lễ phát động xây dựng NTM tại 13/13 xã, trong 2 năm đã vận động được 842 hộ dân hiến 65.241m2 đất để làm đường giao thông; huy động 6.580 người, tương đương 25.500 ngày công tham gia lao động; huy động được 950 triệu đồng từ nhân dân và có 80 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn với tổng số tiền 160 triệu đồng (tương đương 800m3 cát, đá sỏi); huyện trích ngân sách 1,215 tỷ đồng để hỗ trợ mua vật liệu đá, cát sỏi làm đường và máy trộn bê tông cho các xã; tiếp nhận 2.939 tấn xi măng để làm 20 km đường bê tông…

Đến xóm 2 xã Quế Sơn, mặc dù vào những ngày cuối năm, công việc khá bận rộn nhưng vẫn có rất nhiều người dân tham gia làm đường. Ông Nguyễn Văn Hải, xóm trưởng xóm 2, cho biết: Sau khi xã phát động, Ban cán sự xóm đã lên kế hoạch và huy động được 86 triệu đồng và hơn 400 ngày công lao động để làm giao thông. Đến nay, xóm đã làm xong 4/5 tuyến đường với gần 2 km đường bê tông rộng 3m.

Không chỉ xóm 2, một số xóm khác như: Na Công cũng huy động người dân làm được 4 tuyến đường bê tông dài 1.600m, xóm Na Ca làm 2 tuyến với 250m, xóm 1 làm 3 tuyến 370m, xóm Hải Lâm 1 tuyến 123m và bản Cọc – bản nghèo nhất xã, nhưng cũng huy động làm được 100m đường bê tông.



Người dân xóm 2, xã Quế Sơn đổ bê tông đường liên xóm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, cho biết: Năm 2012, xã huy động được 1,256 tỷ đồng; 6/12 bản của xã Quế Sơn, được tỉnh hỗ trợ xi măng đã huy động được 1.400 ngày công để làm gần 4.400m đường, làm xong 15/18 tuyến đường xóm; vận động được 364 hộ dân hiến 22.557m2 đất và đóng góp hơn 28.000 m3 đá, cát, sỏi để làm đường. Thực tế đó đã khẳng định xây dựng NTM là chủ trương rất được lòng dân. Nhờ được sự đầu tư của Nhà nước và ủng hộ của nhân dân, sau 2 năm triển khai, xã đã hoàn thành 7/19 tiêu chí và đang xây dựng một số mô hình cây con hiệu qủa, mang lại thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, đối với địa phương thì tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo và lao động làm nông nghiệp là rất khó hoàn thành. Theo kế hoạch, đến năm 2015, xã phải đạt 19 tiêu chí, trong đó hộ nghèo dưới 10% và dưới 50% lao động làm nông nghiệp, trong khi hiện nay xã vẫn còn 27% hộ nghèo. Kể cả mỗi năm giảm 5% hộ nghèo và còn gần 90% lao động làm nông nghiệp, thì đến 2015 rất khó hoàn thành. Bên cạnh đó là các tiêu chí khác, yêu cầu của NTM là huy động sức dân, doanh nghiệp là chính để phát triển giao thông, hạ tầng nhưng là xã miền núi và vẫn còn 3 xóm chưa có điện; khoảng cách dân cư sống thưa thớt, nguồn lực người dân có hạn (thu nhập thấp) nên việc động viên thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng rất khó.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Ban di dân và phát triển kinh tế mới, Phó Ban chỉ đạo phát triển NTM huyện Quế Phong, chia sẻ: Theo tính toán, mỗi xã miền núi cần từ 200 tỷ đến 400 tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM. Trong 2 năm qua, với chỉ 3,6 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách là quá ít và mới chỉ được 27% so với yêu cầu tại Quyết định 800/QĐ-TTg. Quế Phong là huyện 30a nên việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cũng hạn chế và việc thực hiện chủ yếu lồng ghép các chương trình để xây dựng NTM. Để Quế Phong hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2015 như kế hoạch tỉnh giao (trong đó 2 xã điểm hoàn thành 19 tiêu chí, các xã còn lại hoàn thành 50% tiêu chí), tỉnh cần bố trí đủ vốn theo Quyết định số 695/2012/QĐ-TTg về cơ chế phân bổ vốn đầu tư cho huyện 30a, theo đó suất đầu tư cho Quế Phong sẽ cao hơn suất đầu tư chung toàn tỉnh. Cùng với chính sách hỗ trợ 30% kinh phí mua cát, sỏi để làm đường nông thôn của huyện, tỉnh cần tiếp tục chính sách hỗ trợ xi măng năm 2013 phù hợp với nhu cầu và khả năng huy động từ sức dân (nguồn đối ứng) từng địa phương các nguồn lực được sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.


Bài, ảnh: Nguyễn Hải