Sắn - cây xoá đói giảm nghèo vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ

04/01/2013 08:15

(Baonghean) Với diện tích sắn nguyện liệu gần 1.000 ha tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, sắn đã trở thành cây chủ lực, nguồn thu nhập chính giúp hơn 2 ngàn hộ dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ ổn định cuộc sống trên vùng đất mới…

Bây giờ lên với vùng tái định cư bản Vẽ thuộc 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương) mới thấy hết được sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Những đồi trọc, trơ sỏi cách đây mấy năm do khai hoang không đúng kỹ thuật bị xói mòn, giờ cũng “ thay áo” bởi những đồi sắn, cây nguyên liệu gỗ bạt ngàn, xanh tốt. Đến thăm bản Chà Coong 2 thuộc xã Thanh Sơn, đúng vào thời điểm bà con dân bản đang rất bận rộn với việc thu hoạch sắn.

Gặp anh Vi Văn Mây đang gùi sắn từ trong khe ra. Anh nói: Gia đình anh trồng 2 ha sắn, đã một tháng nay, ngày nào anh cũng cùng gia đình vào khe nhổ sắn. Mỗi ngày cũng có khoảng 5 tạ sắn nhập cho nhà máy. Nhờ cây sắn mà gia đình anh có thu nhập, ổn định cuộc sống tại đây. Chà Coong 2 có 63 hộ, thì hết thảy đều khai hoang trồng sắn nguyên liệu. Là bản về đợt sau cùng nên phần đất chia cho theo định mức đã bị các hộ về trước xâm canh trồng keo lai, trồng sắn nên đến bây giờ vẫn chưa nhận được đất sản xuất.

Để bà con có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, chi uỷ, ban cán sự bản đã vận động các hộ dân đi xa hơn, vào sâu hơn tới những khu đất khó khăn, hóc chọ để khai hoang trồng sắn. Đảng viên và các hộ đảng viên gương mẫu khai hoang trồng sắn trước, thấy cây tốt, củ nhiều thế là bà con đều làm theo. Bản Chà Coong 2, mặc dù là bản về sau, chưa có đất sản xuất nhưng là bản có diện tích sắn khai hoang nhiều nhất, trung bình mỗi nhà có hơn 1 ha sắn, nhà nhiều có từ 2-4 ha. Bí thư Chi bộ Chà Coong Lương Văn Hoan cho biết: “Bà con ổn định cuộc sống nhờ cây sắn anh ạ. Tiền bán sắn là nguồn thu nhập chính của bà con từ khi về vùng đất mới. Nhổ sắn lên, tập kết lại rồi có người đưa xe đến thu mua, trả tiền ngay nên cũng thuận lợi. Do vậy, chi bộ xác định nhiệm vụ thời gian tới vẫn tập trung lãnh đạo nhân dân trồng sắn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Chúng tôi đến thăm mô hình sắn cao sản giống mới TC1 (Thanh Chương 1) quy mô 2,5 ha tại bản Nhãn Nhinh (xã Ngọc Lâm) đúng vào thời điểm mô hình đang chuẩn bị quy trình để tiến hành hội thảo đầu bờ, đánh giá năng suất, sản lượng để công nhận giống mới đưa vào sản xuất đại trà. Bản Nhãn Nhinh có 25 hộ thì đều tham gia trồng sắn theo mô hình. Được Nhà máy sắn Intimex Thanh Chương đầu tư cung cấp giống, phân bón, bà con trồng, chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật nên mô hình cây sắn phát triển đều cho năng suất sản lượng vượt trội, theo đánh giá sơ bộ năng suất có thể đạt được 70 tấn/ ha. Thấy tôi băn khoăn về năng suất của sắn TC1, Trưởng bản Kha Văn Phúc và cán bộ nông nghiệp xã Lương Thanh Hải xoay người hồi lâu mới nhổ được bụi sắn lên khỏi mặt đất. Quả là bất ngờ, bụi sắn rất nhiều củ, củ to dài đan đều một vòng dưới cổ rễ cây. Bụi sắn có đến hơn 10 củ, nếu tính trọng lượng có đến trên 10 kg. Với năng suất trung bình 60 tấn/ ha như anh Hùng Trưởng phòng Nông vụ Nhà máy ước tính thì mỗi ha sắn cao sản giống mới TC1 có thể cho thu nhập trên 70 triệu đồng (nhà máy thu mua tại ruộng giá từ 1.200- 1.400 đồng/ kg), trừ chi phí đầu tư, người trồng sắn “ bỏ túi” 50 triệu đồng/ ha. Trưởng bản Nhãn Nhinh Kha Văn Phúc phấn khởi: “Với năng suất sắn giống mới thế này thì cả bản ta sẽ tập trung trồng sắn thôi. Bà con sẽ chú tâm làm ăn nơi ở mới, không có tư tưởng nào khác…”.



Trưởng bản Nhãn Nhinh Kha Văn Phúc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về kỹ thuật trồng sắn cho năng suất cao.

Có thể khẳng định rằng, từ khi bà con hơn 2 ngàn hộ tái định cư bản Vẽ về 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm sinh sống thì cây sắn nguyên liệu đã trở thành cây cứu cánh xoá đói, giảm nghèo, là nguồn thu nhập chính của bà con. Lên vùng tái định cư bản Vẽ đúng vào thời điểm rộ mùa thu hoạch sắn, các hộ dân đều tập trung nhân lực đào bới, gùi sắn từ khắp các quả đồi, từ những thung lũng phía trong tập kết ra phía ngoài đường để nhập bán cho nhà máy.

Theo báo cáo của Nhà máy sắn Intimex Thanh Chương, diện tích sắn của 2 xã khoảng gần 1.000 ha (toàn bộ là giống KM94) với sản lượng mỗi vụ khoảng từ 25-30 ngàn tấn sắn củ, với giá thu mua hiện tại, mỗi vụ bà con 2 xã thu nhập từ trồng và bán sắn nguyên liệu gần 30 tỷ đồng.

Tuy diện tích sắn của 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm chiếm khoảng 30% diện tích quy hoạch trồng sắn của huyện Thanh Chương (quy hoạch 3.000 ha theo đề án) nhưng chất lượng, hiệu quả kinh tế từ cây sắn mang lại trên đơn vị diện tích tại vùng tái định cư vẫn còn rất thấp, mới chỉ khoảng 20% (khoảng gần 200 ha) áp dụng đúng quy trình chăm sóc kỹ thuật, được nhà máy hỗ trợ giống, cho vay phân bón không tính lãi suất, diện tích còn lại bà con trồng vẫn mang tính chất tự phát theo lối sản xuất cũ. Bà con chưa có kỹ thuật đầu tư thâm canh cải tạo đất để trồng nhiều vụ mà phần lớn chỉ tự nhiên, bóc lột đất nên đất nhanh bạc màu, năng suất sắn giảm dần theo các vụ sau.

Trong khi đó, các loại phân chuồng, phân xanh sẵn có, cơ chế chính sách nhà máy có thể vận dụng được cho bà con nhưng vì chưa có quy hoạch ưu tiên phát triển cụ thể, chưa được hướng dẫn tận tình nên bà con chưa được hưởng lợi nhiều. Ông Trần Quốc Hoàn, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Intimex Việt Nam, Giám đốc Nhà máy sắn Intimex khẳng định: "Nhà máy sẽ thu mua hết nguyên liệu cho bà con, đồng thời áp dụng cơ chế hỗ trợ giống, cho vay phân bón không tính lãi suất đối với toàn bộ diện tích sắn bà con trồng được. Tuy nhiên, cần phải rà soát, quy hoạch cụ thể, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, công tác khuyến nông, khuyến lâm thì cây sắn nguyên liệu sẽ là cây chiến lược, hiệu quả đối với bà con vùng tái định cư".

Rõ ràng, việc bà con tái định cư 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn phát triển mạnh trồng sắn nguyên liệu là một tất yếu, khách quan bởi với cây sắn không còn lạ với bà con, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ canh tác của bà con. Lúng túng chưa có giải pháp trồng cây gì, nuôi con gì để khai thác quỹ đất được chia, để đảm bảo cuộc sống trong khi việc tiêu thụ sản phẩm sắn củ thì dễ dàng, do vậy bà con các hộ đều nhất loạt trồng sắn. Một điều băn khoăn là bà con đa phần chỉ quen với sản xuất tự nhiên, chưa có giải pháp thâm canh tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Do vậy, cần phải nhìn nhận lại vị trí, vai trò của cây sắn trong bối cảnh thực tế của vùng tái định cư để có quy hoạch, đầu tư hợp lý, có như vậy bà con các xã vùng tái định cư mới có thêm cơ sở để ổn định cuộc sống.


Hồng Sơn