Ông Phil Robertson đang toan tính điều gì?

25/11/2012 17:46

(Baonghean) - Ngày 21/11, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên y án sơ thẩm đối với Đinh Đăng Định về tội “tuyên truyền chống Nhà nước...”. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như không có chuyện ngay sau khi bản án được tuyên, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Mỹ đã lên tiếng rằng “Việc truy tố như thế đã làm dấy lên những quan ngại cơ bản về ý định của Việt Nam đối với quyền tự do bày tỏ trên Internet”.

ành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Đinh Đăng Định là rất rõ ràng. Sinh năm 1963, tại tỉnh Hải Dương, nhưng khi bị bắt, Đinh Đăng Định trú tại Thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đắc Nông. Trước khi về làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Thị trấn Tuy Đức, huyện Tuy Đức, Đắc Nông), Định đã công tác tại nhiều cơ quan nhưng nhiều lần bị điều chuyển công tác, do nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc.

Quá trình công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Định cũng nhiều lần vô kỷ luật, không chấp hành các quy định chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo và của Ban Giám hiệu nhà trường. Định còn luôn tìm cách chia rẽ nội bộ, đặc biệt là nói xấu lãnh đạo, chính quyền, các ban, ngành của địa phương... Tập thể và nhiều người đã khuyên ngăn, nhưng Định vẫn chứng nào tật ấy... Đặc biệt Định đã ngông cuồng soạn thảo, phát tán tài liệu chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cấu kết, móc nối với các phần tử, tổ chức phản động trong và ngoài nước để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Định đã liên lạc, cấu kết với đối tượng Nguyễn Trung Lĩnh để thành lập ra cái gọi là “Đảng tự do dân chủ ở Việt Nam”, tham gia các diễn đàn, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí phản động của tổ chức khủng bố Việt Tân ở nước ngoài với nội dung chống đối Đảng, chính quyền nhân dân. Không những thế, Định còn sản xuất, tàng trữ và lưu hành nhiều tài liệu có nội dung nói xấu, xuyên tạc thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh…, tạo điều kiện để các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài bóp méo sự thật nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.

Mọi sự đã rõ như ban ngày, thế nhưng trong con mắt của ông Phil Robertson, Đinh Đăng Định chỉ là “nhà chính trị ôn hòa”, việc làm của Định chỉ là “thực hiện quyền tự do ngôn luận”, “bày tỏ quan điểm cá nhân”,… chứ không phải là kẻ phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Ông Phil Robertson nói trong thông cáo rằng: “Lẽ ra ông ấy (Đinh Đăng Định) không thể bị bắt bởi vì tất cả những gì ông ấy làm là thực hiện quyền cơ bản là tự do bày tỏ ý kiến…”.

Phát biểu của ông Phil Robertson cho thấy rõ cái nhìn thiển cận, phiến diện, một chiều và chứng tỏ ông ta chẳng hiểu gì về Công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ của luật pháp. Ví như Điều 18, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Hành vi của Đinh Đăng Định rõ ràng vừa trái với Công ước quốc tế, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Vậy tại sao ông Phil Robertson lại lên tiếng bảo vệ Đinh Đăng Định, ông Phil Robertson đang toan tính điều gì? Trả lời câu hỏi ấy không khó, bởi lẽ dư luận trong và ngoài nước chẳng lạ gì tâm địa của ông Phil Robertson và cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền. Lâu nay, tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Mỹ và một số trang mạng có quan điểm chống Việt Nam ở nước ngoài thường lợi dụng những vụ việc tương tự để tuyên truyền xuyên tạc, gây sức ép đòi Việt Nam thay đổi Điều 88, Bộ luật Hình sự quy định về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Rõ ràng ông Phil Robertson đang đội lốt “theo dõi nhân quyền” để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây là hành động đáng phải lên án.


Vũ Linh