Chưa đem lại hiệu quả

10/01/2013 18:56

(Baonghean) - Để giải quyết tình trạng nợ đọng, nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài từ năm 2010 đến nay, bên cạnh việc xử phạt hành chính, Bảo hiểm xã hội Nghệ An chủ trương tiến hành khởi kiện những đơn vị có số tiền nợ cao. Qua hơn hai năm thực hiện, hàng chục đơn vị đã bị khởi kiện nhưng hiệu quả chưa được là bao.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Vinh khởi kiện nhiều đơn vị nhất cho đến thời điểm này với 12 đơn vị. Đơn vị có số nợ lớn nhất là Công ty Công trình Giao thông miền Trung với 2,1 tỷ đồng; các công ty khác như Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình và Thương mại 747 nợ 995 triệu đồng, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc miền Trung 664 triệu đồng... Ngoài ra, bảo hiểm thành phố cũng tiếp nhận hai vụ khởi kiện khác do UBND tỉnh khởi kiện trong năm 2010, đó là Công ty cổ phần Ô tô Trường Sơn (1,3 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng Cầu đường Nghệ An (2,3 tỷ đồng). Qua gần 2 năm khởi kiện với tổng số tiền nợ lên đến hơn 10 tỷ đồng nhưng cho đến nay theo ông Nguyễn Phúc Đường - Phó Giám đốc BHXH tỉnh thì: Hiệu quả đem lại chưa đáng là bao. Trong quá trình tiến hành khởi kiện, một số đơn vị cố tình không chấp hành, không đến tòa án để hòa giải mặc dù đã có giấy gọi của tòa án. Cá biệt có một số công ty cố tình không nộp dù BHXH biết rõ họ có tiền về trong tài khoản.

Nghệ An hiện có 24 doanh nghiệp bị BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành, thị khởi kiện. Ngoài các đơn vị đóng ở Thành phố Vinh thì ở huyện Nghi Lộc có 3 đơn vị: Công ty gốm Vigalacera, Công ty CP cơ khí và XD miền Trung, Công ty CP xây dựng Bắc miền Trung; huyện Quỳ Châu có Xí nghiệp đá quý và khoáng sản Nghệ An; huyện Đô Lương có hai đơn vị: Công ty CPXD thương mại Mạnh Sang, Xí nghiệp gạch tuynel Đô Lương. Cả 24 đơn vị này hiện đang nợ BHXH gần 18 tỷ đồng, nhưng hiện số tiền trả sau khởi kiện chỉ mới được 5 tỷ đồng. Cá biệt, có đơn vị như Công ty ô tô Trường Sơn bị khởi kiện từ tháng 5/2010 với số nợ lên đến 1,3 tỷ đồng, nhưng hiện mới trả được 3,3 triệu đồng. Công ty CP XDCT và thương mại 747 nợ 602 triệu đồng, nhưng nay mới chỉ trả 547.000 đồng, một vài doanh nghiệp khác không thanh toán được.

Tìm hiểu lý do được biết, các công ty này hầu hết đều rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, không những thế, chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên đơn vị thụ lý là tòa án cũng không liên hệ được. Bên cạnh đó, có công ty như Công ty CP tư vấn TK cầu đường Nghệ An, Công ty Nạo vét biển 2, Công ty ô tô Trường Sơn, Công ty CP Đầu tư xây dựng 24, mặc dù đã xét xử và chuyển qua đơn vị thi hành án để thu nợ nhưng trên thực tế các công ty này hầu như không còn tài sản, một số tài sản cùng một lúc thế chấp cho nhiều đơn vị. Để thực thi, thời gian qua các đơn vị thi hành án đã yêu cầu các đơn vị khởi kiện là BHXH các huyện, thành, thị điều tra giá trị tài sản thực có của những đơn vị trên.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Thanh, Trưởng phòng Thu của Bảo hiểm xã hội tỉnh thì: Điều này là quá khó, vượt tầm kiểm soát của một đơn vị chuyên môn như bảo hiểm. Hơn nữa, các đơn vị này chủ yếu là các công ty cầu đường, xây dựng công trình ở khắp đất nước nên tài sản cũng rải rác ở khắp nơi. Nếu không có sự hợp tác của các doanh nghiệp thì không thể kiểm soát được. Như ở Công ty CP Giao thông và Thương mại miền Trung, theo đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Bảng (xóm 7, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương), nguyên là công nhân viên của công ty cho biết, hiện nay cán bộ công nhân viên của đơn vị đang rơi vào hoàn cảnh “trắng tay”, chẳng những toàn bộ số tiền để mua cổ phần công ty bị mất hết mà người lao động cũng không được hưởng chế độ BHXH. Bộ máy cũ, giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT thì đã về hưu, không chịu giải quyết chế độ cho người lao động, hàng ngũ Phó giám đốc, trưởng phó phòng cũng “đường ai nấy đi”, máy móc bị tẩu tán hết.

Trước sự chây ì kéo dài này, các đơn vị BHXH mong rằng ngoài việc đưa các vụ án lên dư luận thì nên chăng cần có một chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, điều đó theo ông Hà Huy Nhật - Phó Chánh án Tòa án thành phố thì điều này “không dễ dàng”, bởi đây đơn thuần chỉ là những vụ án dân sự nên không thể áp dụng được các chế tài như án hình sự. Về phía tòa án thành phố, thời gian qua sau khi có đơn khởi kiện của BHXH thành phố đã tiến hành triệu tập, hòa giải nhưng chỉ một số đơn vị đến làm việc và chấp nhận cam kết sẽ nộp tiền theo tiến độ. Những trường hợp còn lại, theo quy định sau 6 tháng nếu bị đơn không hợp tác có thể tiến hành xét xử vắng mặt nhưng hiện nay thực tế vẫn chưa thực hiện được vụ án nào bởi quá trình tiến hành xét xử vắng mặt thủ tục rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức và cần có sự hợp tác của nhiều đơn vị.

Sự bế tắc này cũng khiến cho việc thu khoản nợ gần 60 tỷ đồng của hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Bảo hiểm xã hội tỉnh càng thêm khó khăn. Đồng nghĩa với đó hàng nghìn lao động đang có nguy cơ mất hết quyền lợi vì đơn vị cố tình không đóng Bảo hiểm xã hội. Nên chăng ngành Bảo hiểm xã hội và các ngành liên quan cần bàn bạc và đưa ra một giải pháp hữu hiệu. Về phía một số đơn vị chủ quản như ngành giao thông, xây dựng cũng cần theo dõi sát sao các đơn vị đang nợ đọng và có thể cần cân nhắc đến trách nhiệm của chủ sử dụng lao động khi chỉ định các công trình. Có sự phối hợp chặt chẽ đó, hi vọng quyền lợi của người lao động mới sớm có câu trả lời.


Mỹ Hà