Bài cuối: Cần “cú hích” để phát triển

27/11/2012 15:38

(Baonghean) - Một vấn đề cấp thiết hiện nay là cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, khách hàng thay đổi được thói quen khi sử dụng gạch không nung công nghệ mới, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch để tạo điều kiện cho ngành sản xuất này phát triển bền vững...

>>Bài 1: Cánh cửa hẹp trên thị trường VLXD

Mục tiêu của tỉnh ta là đến năm 2013 sản xuất 100 triệu viên gạch không nung chất lượng cao và con số này sẽ tăng nhanh qua hàng năm. Đây là cơ sở để bắt đầu thực hiện lộ trình từ năm 2014, các công trình xây dựng thuộc đầu tư công (trụ sở, trường học, bệnh viện) bắt buộc sử dụng gạch không nung chất lượng cao, các công trình cao tầng không kể nguồn vốn đầu tư phải sử dụng 30% tổng số vật liệu là gạch không nung. Mục tiêu là vậy, nhưng để trở thành hiện thực là rất khó khăn. Ông Đặng Xuân Dương – cán bộ Công ty CP Đầu tư phát triển Lũng Lô 2.1 cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay và thị trường tỉnh ta chưa quen sử dụng sản phẩm gạch không nung thì các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm nhà máy. Hiện nay là thời điểm cuối năm 2012, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch để tổ chức lại sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ, vì nếu sản xuất ra đến đâu để tồn bãi đến đó thì lỗ nặng”.



Sử dụng gạch bê tông siêu nhẹ trong xây dựng nhà chung cư cao tầng CT1 tại Dự án Khu đô thị Vinh Tân.

Hiểu rất rõ thực tế khó khăn đó, nên trong quá trình thực hiện (đề án Phát triển gạch không nung đến năm 2020) ngành Xây dựng với tư cách là cơ quan chủ trì, đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh, phổ biến nội dung đề án, để các tổ chức, cá nhân, các chủ đầu tư và nhân dân nhận thức rõ cơ chế chính sách của Nhà nước và những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng gạch xây không nung. Thông qua các kênh thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình để tuyên truyền và tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề giới thiệu công nghệ, thiết bị sản xuất gạch xây không nung, rồi tổ chức đoàn thăm quan các nhà máy sản xuất gạch không nung, in tờ rơi... Ông Lê Cương Sơn – Phó trưởng Phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất gạch không nung là gắn với nguồn tài nguyên. Đây là nhiệm vụ và giải pháp vô cùng quan trọng trong việc xác định địa điểm đầu tư, cũng như mức đầu tư phù hợp với từng khu vực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp nhà đầu tư lựa chọn đầu tư mang lại hiệu quả. Sau khi khảo sát, tìm hiểu kỹ, Sở đã quy hoạch 3 vùng trọng tâm của ngành sản xuất vật liệu không nung là khu vực phía Bắc (gồm các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Thị trấn Hoàng Mai) ưu tiên phát triển sản xuất gạch xây không nung bằng công nghệ bê tông khí chưng áp tại Khu công nghiệp Đông Hồi, công suất 400.000m3/năm, do Tổng Công ty Xi măng làm chủ đầu tư. Khu vực phía Nam gồm các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần tập trung triển khai các dự án sản xuất vật liệu xây dựng không nung có quy mô vừa và lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn. Hiện đã có một số dự án quy mô vừa đang triển khai, sẽ kêu gọi đầu tư các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung hiện đại, có công suất lớn tại Khu Công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu đủ đáp ứng nhu cầu vật liệu xây trong vùng; tại khu vực phía Tây (các huyện nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh gồm Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn), có tiềm năng phát triển lớn về phát triển xây dựng, nên ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án sản xuất gạch xây không nung trên quy mô lớn, hiện đại”.

Một vấn đề cũng được các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh quan tâm là cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất gạch không nung công nghệ mới. Tìm hiểu được biết, các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, ngoài việc được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Nghệ An còn ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư thông thoáng như: ưu đãi về việc thuê đất làm mặt bằng sản xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu thiết bị trong nước chưa sản xuất được và hiện đang nghiên cứu để ban hành chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất... Cụ thể hóa thành quy định yêu cầu các tổ chức tư vấn thiết kế và các chủ đầu tư khi thiết kế công trình phải áp dụng giải pháp kết cấu khung chịu lực để sử dụng gạch xây không nung loại nhẹ làm tường ngăn bao che. Đề xuất lộ trình yêu cầu các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước phải sử dụng vật liệu xây không nung gắn với kết cấu khung chịu lực...

Hy vọng với sự đổi mới trong việc tổ chức thực hiện đề án phát triển gạch không nung và sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và các doanh nghiệp, sẽ tạo được “cú hích” để sản phẩm gạch không nung công nghệ mới phát triển sôi động, bền vững.


Hoàng Vĩnh