Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả tội phạm sử dụng vũ khí "nóng"
(Baonghean) Chỉ là những mâu thuẫn cá nhân hay xích mích nhỏ không được giải quyết kịp thời, một số đối tượng đã sẵn sàng dùng vũ khí "nóng" để đáp trả đối phương, để khẳng định "số má"... Vì vậy, các vụ việc liên quan đến vũ khí "nóng" vẫn xảy ra.
Hẳn người dân xóm 11, xã Hưng Lộc, TP Vinh chưa hết kinh hãi về sự việc xảy ra vào ngày 2/9 tại nhà anh Nguyễn Quang Đức (SN 1991, trú tại xóm 11, xã Hưng Lộc). Sự việc xảy ra trong chớp mắt và những người chứng kiến cũng không kịp định hình, chỉ biết có những tiếng nổ phát ra từ nhà anh Đức. Chỉ sau khi cơ quan công an có mặt, người dân mới biết được nguyên nhân vụ việc là mâu thuẫn cá nhân, hai đối tượng Phạm Hồng Hải (SN 1988, trú tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP Vinh) và Dương Thanh Tuấn (SN 1985, trú tại xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa, TP Vinh) đã mang súng AK đến trước nhà Đức bắn 3 phát liên tiếp vào nhà rồi bỏ đi.
Tổ công tác 212 kiểm tra các đối tượng mang theo vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ trên địa bàn TP Vinh.
Hay như sự việc xảy ra mới đây vào hồi 13h15 ngày 9/12 tại khu vực gần đơn vị quân đội thuộc Hải đội 137 vùng I Hải quân, thuộc xã Hưng Lộc, TP Vinh. Theo một số người dân chứng kiến sự việc thì các đối tượng rất hung hãn, không chỉ xô xát đánh nhau bình thường mà còn sử dụng đến cả súng quân dụng. Tuy nhiên, sau đó đối tượng nổ súng là Nguyễn Xuân Thắng (SN 1984, trú tại xóm 23, xã Nghi Phú, TP Vinh) đã nhanh chóng bị bắt giữ về hành vi "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng", thu giữ 1 khẩu K54.
Đây chỉ là 2 trong số 5 vụ nổ súng gây trọng thương, thiệt hại tài sản xảy ra trên địa bàn TP Vinh trong năm 2012. Chị Trần Thị Th, trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh cho rằng: Những vụ giải quyết mâu thuẫn theo kiểu "xã hội đen" như thế không chỉ gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân nói chung mà còn ảnh hưởng đến hành vi của các cháu trong độ tuổi mới lớn.
Thực tế đó cho thấy, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ thời gian qua còn bộc lộ nhiều sơ hở, đặc biệt là tình hình mua bán các loại súng có tính sát thương cao ở các tỉnh biên giới và từ đó thẩm lậu vào nội địa. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật đã chặt chẽ nhưng vẫn còn kẽ hở khi đối tượng sử dụng các loại súng tự tạo, chưa được coi là vũ khí quân dụng, nên chưa được xử lý nghiêm. Bởi chỉ khi nào hành vi sử dụng các loại vũ khí đó gây hậu quả nghiêm trọng mới được xử lý hình sự nên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Chưa nói đến việc, có những vụ vì lý do nào đó người bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố nên cơ quan công an cũng phải đình chỉ điều tra và cũng chỉ xử lý hành chính nên tính răn đe chưa cao, dẫn đến xem thường kỷ cương pháp luật.
Đơn cử như vụ "cố ý gây thương tích" vào 22h ngày 20/7 tại quán Karaoke Avata (phường Hưng Bình, TP Vinh). Đối tượng Lê Quang Hòa (SN 1982) và Nguyễn Đức Hiếu (SN 1986), đều trú tại khối 8, phường Trường Thi, TP Vinh mâu thuẫn với Hoàn Viết Hùng (SN 1982, trú tại phường Hưng Phúc, TP Vinh) đã về nhà lấy một khẩu súng bắn đạn cao su đến nhà Hùng. Khi đến nơi, gặp anh Trần Hữu Dũng (SN 1983, trú tại phường Đông Vĩnh, là bạn Hùng) đang đứng trước cổng thì Hòa lấy súng bắn vào ngực Dũng rồi bỏ đi. Kết quả giám định cho thấy anh Dũng đã bị tổn hại đến sức khỏe. Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng Lê Quang Hòa về tội cố ý gây thương tích. Nhưng sau đó, anh Dũng đã rút đơn yêu cầu khởi tố. Điều đó cho thấy công tác xử lý đối với loại tội phạm này phụ thuộc không ít vào bản thân người bị hại. Ngoài ra, từ việc phát sinh loại tội phạm này cho thấy ý thức tự giác chấp hành pháp luật chưa cao...
Để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng, theo Thượng tá Mai Chiến Thắng - Phó trưởng Công an TP Vinh, ngoài việc phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, vận động toàn dân thu hồi giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, sẽ tiếp tục xác lập các chuyên án để đấu tranh phát hiện, bắt giữ các đối tượng, băng nhóm sử dụng vũ khí nóng gây án hiện nay. Cùng với đó, điều tra phát hiện các đường dây có dấu hiệu mua bán công cụ hỗ trợ để đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
Cùng với các biện pháp trên, theo Thượng tá Võ Đức Xuân - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cần phân loại trong đấu tranh với tội phạm này, theo đó cần phân biệt đối tượng tàng trữ với đối tượng "hành nghề", chạy đua vũ trang giữa các băng nhóm.
Điều 36, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, quy định: Trường hợp có căn cứ để cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật... Cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che cho người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. |
Quảng An