Phòng trừ bệnh chồi cỏ mía giai đoạn cao điểm

23/01/2013 16:45

(Baonghean) - Tính đến tháng 12/2012, trên toàn vùng nguyên liệu mía của tỉnh có 7.313,13 ha mía bị bệnh chồi cỏ, trong đó diện tích nhiễm nặng và trung bình là 2.783,77 ha, nhiều nhất là Quỳ Hợp có 3.267 ha bị bệnh, Tân Kỳ 1.743 ha. Hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh, đòi hỏi những biện pháp đồng bộ cả từ phía người dân và chính quyền các địa phương.

Từ năm 2007 đến nay, diện tích mía ở tỉnh ta có chiều hướng giảm dần; nếu năm 2007 toàn tỉnh có 29.753 ha mía thì đến năm 2012 chỉ còn trên 25.000 ha. Dẫn đến tình trạng này có một nguyên nhân hết sức quan trọng là do dịch bệnh chồi cỏ đã làm giảm năng suất trầm trọng; nếu năm 2006, năng suất mía bình quân đạt 58,816 tấn/ha thì năm 2010, con số đó chỉ là 53,43 tấn/ha, do đó nhiều diện tích người dân đã chuyển luân canh cây trồng khác.

Dịch bệnh chồi cỏ mía bắt đầu phát sinh rải rác tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An Tate&Lyle (Quỳ Hợp), và từ năm 2008 đến nay, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Ngày 30/12/2008, lần đầu tiên Nghệ An đã công bố dịch bệnh chồi cỏ hại mía ở Nghệ An. Năm 2009, chúng ta đã cày phá tiêu hủy được 4.582,64ha bệnh nặng và xử lý 2.205 ha nhiễm bệnh nhẹ. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiếp tục phát triển và lây lan mạnh, không những trên vùng nguyên liệu của Công ty NAT&L mà còn lây lan sang vùng nguyên liệu mía khác của Công ty CP Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) và Sông Lam (Anh Sơn) với diện tích khá lớn. Hiện tại, diện tích mía bị bệnh đã lên tới gần 8.400 ha.



Kiểm tra bệnh chồi cỏ mía ở Tân Kỳ

Theo ông Nguyễn Đình Hương - Phó Chi cục BVTV tỉnh, chồi cỏ là loại dịch bệnh rất nguy hiểm, làm giảm mạnh năng suất, thậm chí không cho thu hoạch. Bệnh lại lây lan nhanh nên khi bị nặng (trên 40%) sẽ chỉ có thể tiêu hủy. Trên hầu hết các giống đang trồng đại trà hiện nay ở Nghệ An, bệnh đều gây hại, trong đó các giống My 55-14, ROC 10, F134, F156,… bị hại nặng nhất, thậm chí, trên cả một số giống mới đưa vào trồng như: Viên Lâm 6, Viên Lâm 3, KK2, Việt Đường 55,... cũng bị bệnh. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh chồi cỏ mía ở Nghệ An là do phytoplasma (dịch khuẩn bào) gây ra, tuy nhiên, điều rất đáng lo là đến nay vẫn chưa xác định được véctơ truyền bệnh. Do đó, các biện pháp phòng trừ bệnh vẫn chưa thể thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Để phòng trừ loại dịch bệnh nguy hiểm này, Sở NN &PTNT đã ban hành hướng dẫn biện pháp xử lý bệnh chồi cỏ với các giải pháp chính như: cày phá tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, sau đó trồng lại bằng giống sạch bệnh đối với diện tích nhiễm bệnh từ trung bình đến nặng; tổ chức đào xử lý cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng, đầu tư, chăm sóc phục hồi để bảo đảm cho thu hoạch đối với diện tích nhiễm nhẹ... Nghệ An cũng đã du nhập khảo nghiệm các giống kháng bệnh chồi cỏ kháng bệnh từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Philipin như Viên Lâm 6, QD94 -116, Việt Đường 55, Phúc Nông 0403, ROC32, Đài Đường 668, ROC28, Viên Lâm 4, Phil8013, Việt Đường 55, GM18, Roc 22, Quế Hồng 33, Quế đỏ, Suphabury... Ngoài chính sách của Nhà nước, các công ty mía đường đã hỗ trợ người dân tiêu hủy, cho vay tiền mua giống sạch bệnh, mua phân bón, mua máy phun thuốc BVTV, mua thuốc BVTV,... không tính lãi suất...

Tính đến tháng 12/2012, trên toàn vùng nguyên liệu mía của tỉnh có 7.313,13 ha mía bị bệnh chồi cỏ, trong đó diện tích nhiễm nặng và trung bình là 2.783,77 ha, nhiều nhất là Quỳ Hợp có 3.267 ha bị bệnh, Tân Kỳ 1.743 ha... Dự báo thời gian tới, bệnh tiếp tục phát sinh phát triển và lây lan, gây hại nặng trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Đặc biệt trên diện tích mía đã nhiễm bệnh từ trung bình đến nặng, lưu gốc niên vụ 2012 - 2013 sẽ phát triển mạnh từ tháng 1đến tháng 3 là thời gian cao điểm chính của bệnh.

Để giảm thiểu thiệt hại, cần tiến hành rà soát toàn bộ diện tích mía, xác định và khoanh vùng để thực hiện nghiêm túc biện pháp xử lý. Các công ty mía đường có kế hoạch cấp lệnh thu hoạch sớm và đồng loạt đối với diện tích này để nông dân kịp thời làm đất, xử lý tiêu hủy bệnh chuẩn bị cho trồng lại mía vụ xuân 2013. Đồng thời, thực hiện tốt việc cày phá tiêu hủy - vốn được coi là biện pháp quan trọng để hạn chế nguồn bệnh phát sinh lây lan ra diện rộng. Qua kiểm tra, dự kiến cần cày phá tiêu hủy nguồn bệnh trên 2.783,77 ha nhiễm bệnh nặng và trung bình. Với diện tích này, vào đầu vụ ép, bà con cần tiến hành thu hoạch trước và thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn. Đồng thời, đào bỏ cây bệnh trên 4.529,4 ha mía bị bệnh nhẹ.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc xử lý cây bệnh phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là lúc mía đang ở giai đoạn cây con và phải xong trước 30/4/2013 để tiến hành chăm sóc mía. Tuy nhiên, trong suốt quá trình sinh trưởng của mía, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm những cây bị bệnh và đào bỏ kịp thời hạn chế lây lan bệnh. Do chưa xác định được môi giới truyền bệnh nên hiện tại việc trồng lại bằng giống mía sạch bệnh được coi là biện pháp có tính khả thi nhất. Các địa phương cần tổ chức rà soát diện tích mía sạch bệnh có trên địa bàn, thông báo cho bà con biết để chủ động mua trồng ngay sau khi thu hoạch mía. Tuyệt đối không được sử dụng giống trên ruộng đã nhiễm bệnh hoặc giống trong vùng đã nhiễm bệnh. Tất cả diện tích mía trồng lại, trồng mới phải sử dụng giống sạch bệnh, làm đất, rạch hàng đúng yêu cầu kỹ thuật, đầu tư phân bón, thâm canh ngay từ khi trồng để đảm bảo mía sinh trưởng, phát triển khỏe có năng suất, chất lượng cao và kháng bệnh tốt; những diện tích chưa trồng lại thì luân canh cây trồng khác và tiếp tục trồng mía vào vụ thu năm 2013 để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy. Người dân cần thực hiện đúng chu kỳ luân canh mía, không để mía lưu gốc quá 3 năm.


Phú Hương