Sôi nổi phong trào Xây dựng nông thôn mới ở Anh Sơn

24/01/2013 17:08

(Baonghean) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc huy động sức dân có ý nghĩa quyết định đến thành công. Thực tế ở huyện trung du Anh Sơn cho thấy, người dân đã quyết định đến thành quả xây dựng nông thôn mới ngay từ các thôn xóm.

Bây giờ về Anh Sơn, sẽ thấy khắp nơi, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cả huyện như một công trường lớn mà ở đó sức mạnh đoàn kết, chung tay của người dân quyết định đến hiệu quả của các chương trình hành động... ”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó ban Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Anh Sơn. Ông Thế cho biết thêm: “Bây giờ ở huyện Anh Sơn, xe bốn chỗ đi lại thuận lợi, thậm chí đi xuyên những cánh đồng được rồi. Bởi đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng giờ “ngon lành” lắm. Bà con góp tiền của, công sức làm cả đó...”

Đến thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn, hàng chục hộ dân nơi đây đang nỗ lực cùng nhau đổ bê tông những ki-lô-mét giao thông cuối cùng để khép kín toàn bộ hệ thống giao thông liên thôn trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Hệ thống giao thông này được người dân gọi là “đường nông thôn mới”, bởi nó được bàn bạc, thống nhất hành động của cả cấp ủy, chính quyền và người dân từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới. mỗi ki-lô-mét đường giao thông đổ bê tông ở đây hoàn thành với đơn giá trung bình gần 1 tỷ đồng; trong đó, tỉnh, huyện hỗ trợ 200 tấn xi măng/km, tương đương 1/3 giá trị của mỗi km đường bê tông, phần còn lại là nhân dân góp tiền mua cát, sỏi và mỗi gia đình cử một người góp công trực tiếp làm đường. Bằng cách làm đó, hệ thống giao thông liên thôn vốn lầy lội của xã nhanh chóng được khép kín bằng bê tông theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ còn tự nguyến hiến đất, đốn cây để mở đường rộng, đẹp.



Trồng bí xanh hàng hóa hiệu quả cao sau chuyển đổi ruộng đất ở Cẩm Sơn - Anh Sơn.

Anh Đậu Xuân Định - Phó trưởng thôn Hội Lâm - xã Cẩm Sơn, một thành viên của Ban thanh tra nhân dân, trực tiếp giám sát công trình làm đường bê tông cho biết: Từ khi thống nhất góp tiền, công sức đến trực tiếp thi công, bà con đều nhận thức rõ là mình làm đường để mình đi, lợi ích mình hưởng. Vì thế nhà nào cũng tham gia nhiệt tình, nhiều gia đình còn bồi dưỡng bánh kẹo, hoa quả cho thợ đổ bê tông khi làm đường qua ngõ. Ông Nguyễn Văn Thân cũng ở thôn Hội Lâm- xã Cẩm Sơn vui vẻ cho biết: “Khi đường làng được bê tông hóa, gia đình tôi đã đầu tư gần 10 triệu đồng xây lại cổng, đổ bê tông ngõ vào nhà trên 15m để sạch đẹp, thuận lợi trong sinh hoạt”. Không chỉ riêng nhà ông Thân mà hầu như gia đình nào trong thôn cũng đã đổ bê tông lối ngõ vào nhà như thế.

Mặc dù là một huyện trung du còn nhiều khó khăn, nhưng Anh Sơn được tỉnh đánh giá là một trong những địa phương đạt tiến độ tốt trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các xã được chọn làm điểm đã cơ bản hoàn thành việc khép kín giao thông nông thôn bằng bê tông và đạt từ 12 đến 15 tiêu chí trong 19 tiêu chí nông thôn mới; toàn huyện có gần 1000 km đường các cấp đã được khép kín bê tông ở mức 1; trong 4 tháng cuối năm, đã làm được 45km theo quy hoạch. Đặc biệt, xã Đỉnh Sơn không phải là xã chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nhưng lại đạt được nhiều tiêu chí nhất bởi cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc này nên đã tham gia một cách tích cực nhất. Đây cũng là xã đầu tiên ở huyện Anh Sơn hoàn thành tiêu chí kép kín hệ thống giao thông nông thôn bằng bê tông và thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả cao, hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ việc đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn, nhân dân huyện Anh Sơn có nhiều thuận lợi trong giao lưu văn hóa, mở rộng phát triển kinh tế, chăm lo giáo dục, y tế và nâng cao mức sống. Trên cơ sở đó, các địa phương ở Anh Sơn tập trung xây dựng giao thông nội đồng, chỉnh trang kênh mương, dồn điền đổi thửa, tạo ô thửa lớn cho nhân dân thuận lợi phát triên sản xuất theo hướng hàng hóa. Bước vào sản xuất vụ xuân 2013, nông dân tất cả các xã phấn khởi cày ải trên những thửa ruộng lớn vừa được quy hoạch lại. Như vậy, từ nay, các hộ nông dân không phải đầu tư dàn trải nhiều ô thửa nhỏ nữa, mà tập trung thâm canh trên một diện tích lớn. Điều này sẽ giúp người nông dân giảm thời gian, công sức đi lại trong sản xuất, chăm sóc và thu hoạch. Để chuyển đổi ruộng đất thành công, bên cạnh chủ trương đúng đắn thì chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương đã tăng cường công tác giải thích cho nhân dân thấu hiểu về những lợi ích sau khi dồn điển đổi thửa. Chính vì vậy, ngay sau khi bắt thăm được các diện tích đất, nhiều hộ nông dân đã thuê máy ủi san bằng trên một ô thửa lớn để tập trung đầu tư sản xuất.

Đang cày ải trên 4 sào ruộng sau chuyển đổi của xã Tường Sơn, anh Nguyễn Trọng Thắng ở xóm 6 cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong xã phải cày cấy ở nhiều khu vực khác nhau, vừa mất thời gian đi lại vừa manh mún trong sản xuất. Giờ đây chia lại ô thửa lớn, chúng tôi chỉ làm một chỗ, thuận lợi trong sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và nếu đưa máy móc nông nghiệp vào sẽ quay trở dễ hơn. Gia đình tôi cũng đang dự tính mua máy cày làm ruộng để tăng năng suất, giải phóng sức lao động”. Toàn bộ diện tích 4 sào vụ xuân năm nay anh sẽ gieo cấy bằng giống lúa Hương ưu 8328 - một giống lúa thuần chất lượng cao để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Cả xã Tường Sơn có 50ha gieo trồng giống lúa này.

Với việc sớm hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, nông dân Anh Sơn đã thuận lợi để cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu để, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Việc dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng đó là động lực quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Thực tế của việc dồn điền, đổi thửa đã khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất quy mô lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để làm được như vậy, huyện Anh Sơn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và tích cực vận động nhân dân tham gia vào các chương trình, đề án. Chính vì vậy, khắp các thôn xóm, nhân dân thực sự tâm huyết với công cuộc này và bắt tay thực hiện với nhận thức xuyên suốt là: “Mình làm cho mình hưởng”.


Nguyên Sơn