Cây bí vụ đông trên đất 2 lúa ở Hưng Nguyên

03/01/2013 17:42

(Baonghean) Hiện đang là mùa thu hoạch bí bội thu nhất trong suốt mấy năm của gia đình chị Hồ Thị Hoa- xóm 8, Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ruộng bí nhà chị Hoa có diện tích hơn 1 sào bí trồng khoảng từ đầu tháng 8 đến tháng 11 đã cho thu hoạch.

So với nhiều cây vụ đông khác thì bí dễ trồng, lên luống bí khá đơn giản, chỉ cần cày lật 2 đường úp vào nhau là có luống trồng, chi phí đầu tư cho 1 sào bí gồm giống, 30kg NPK, 3 kg urê bón lót. Nhà chị Hoa đã đầu tư giàn leo cho cây bí nên bí tránh được mưa úng. Theo chị Hoa bí bán rất chạy. Tư thương Thành phố Vinh đánh cả ô tô lên mua hết, giá khoảng 35 ngàn- 40 ngàn/yến; 1 sào bí thu hoạch gần 1 tấn, sau khi trừ đi chi phí thì gia đình chị thu lãi gần 4 triệu đồng/sào, so với trồng lúa thì trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế gấp 4 lần.

Có rất nhiều hộ bà con xóm 8 xã Hưng Tân có thu hoạch khá từ cây bí xanh trên đất 2 lúa. Toàn xóm hiện có 30 hộ trồng bí với diện tích trên 5 ha. Ông Nguyễn Trọng Chương có trên 1,5 sào bí xanh được trồng trên đất 2 lúa, nhờ đầu tư công lớn, vụ này ông thu hàng chục triệu đồng. Ông cho biết: “Cả xóm nhà nào có ruộng nhiều thì làm bí thuận lợi, nhà không có ruộng được xóm điều hành làm chung, ghép mấy nhà lại để nhóm diện tích trồng, sau này thuận lợi cho chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Nhờ đó, trồng bí trở thành phong trào”.



Cây bí xanh cho năng suất cao trên đất 2 lúa tại Hưng Tân.

Cây bí xanh được xã Hưng Tân chỉ đạo bà con trồng tại một số xóm có địa hình ruộng cao, thuận tiện cho tiêu thoát nước như xóm 3, 5, 6, 8 và 9. Để chủ động trong sản xuất, bà con đã ra giống làm bầu trước khi thu hoạch lúa hè thu từ 10-15 ngày. Theo kinh nghiệm của bà con, ra giống sớm thì bí sớm thu hoạch và được giá hơn so với thu hoạch vào chính vụ. Đến nay toàn xã có trên 15 ha bí ở 5 xóm. Ông Nguyễn Hữu Thống- Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân, cho hay: Nghị quyết Đảng ủy và Nghị quyết HĐND xã khóa 21, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định rõ việc đưa cây trồng vụ đông làm vụ chính, trong đó chủ lực là cây bí xanh trên các đồng đất màu, vệ, đất vườn, đặc biệt trên đất 2 lúa; nhằm phát huy thế mạnh quỹ đất, tận dụng lao động nông nhàn và ưu thế thâm canh cây trồng của bà con nhân dân địa phương. Năm 2012 xã trích ngân sách 15 triệu đồng đầu tư toàn bộ giống bí, bao làm bầu. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trồng bí trên đất 2 lúa tại 8 xóm, phấn đấu năm 2013 có từ 30-50 ha bí xanh trên đất 2 lúa.

6 năm trở lại đây, Hưng Tây cũng là một địa phương phát triển bí vụ đông trên đất vụ 3 rất có hiệu quả. Toàn xã hiện có trên 5 ha bí xanh, được trồng tập trung tại vùng giáo xứ toàn tòng. Ông Lê Đình Tý- Phó chủ tịch UBND xã Hưng Tây, cho hay: Để khích lệ bà con phát triển cây bí, xã đầu tư toàn bộ công bảo vệ, bầu giống, hỗ trợ giống bí 1 kg/ 3 ha và hỗ trợ cả giống lúa sản xuất vụ xuân trên chính đất trồng bí đông vụ 3 cho bà con.

Từ năm 2008 đến nay, phong trào trồng bí vụ đông tại Hưng Nguyên khá phát triển. Hiện, toàn huyện có gần 100 ha, Ông Hoàng Đức Ân- Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, trao đổi: Nhận thấy hiệu quả mô hình trồng bí xanh vụ đông trên đất 2 lúa, huyện đã triển khai hỗ trợ 100% tiền giống bí, công làm bầu và giàn cho bà con các địa phương. Đặc biệt là hướng dẫn bà con áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu trong trồng bí nhằm giảm chi phí lao động đến mức thấp nhất. Năm 2012, huyện triển khai hỗ trợ trồng bí tại Hưng Tân theo mức 250-300 ngàn đồng/sào bí để làm giàn leo, giống và bầu nilon.

So với trước đây thì trồng cây ngô trên đất 2 lúa chi phí đầu tư cao vì công sức làm đất, giống, năng suất và giá ngô không đảm bảo. Do đó, xu hướng diện tích cây ngô sẽ thu hẹp. Trồng bí ít phải đầu tư, giá cả thị trường hấp dẫn nên bà con nhân dân rất phấn khởi. Năm nay, thời tiết thuận lợi, không ngập đồng, năng suất thu hoạch bí của bà con đạt bình quân 7 tạ/sào, tính theo giá thị trường thì các hộ trồng bí có thu nhập ít nhất 7 - 10 triệu đồng/sào.

Theo như bà con Hưng Nguyên thì từ trồng bí đã cho kinh nghiệm trong sản xuất hàng hóa, bí có thể cất giữ 3-4 tháng giúp bà con chủ động được nguồn hàng bán ra thị trường để đảm bảo giá cả. Vì thế, thời gian tới huyện Hưng Nguyên đang có kế hoạch nhân rộng diện tích bí xanh trên đất 2 lúa.


Lương Mai