Quản lý tốt hơn các hoạt động lễ hội đầu Xuân

20/02/2013 11:00

(Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH - TT và DL trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An)

PV: Xin ông cho biết kế hoạch của Sở VHTT và DL trong việc phân cấp tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh ta trong năm 2013?

Ông Phạm Tiến Dũng: Năm 2013, trên địa bàn tỉnh ta sẽ diễn ra 24 lễ hội, trong đó có 17 lễ hội tập trung từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch diễn ra từ miền ngược tới miền xuôi, như: Lễ hội Pẩn pang - Nang ny, Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Vạn Lộc, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Đức Hoàng, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Bạch Mã, Lễ hội Làng Vạc, Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội Môn Sơn Lục Dạ, Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, Lễ hội Đền chùa Rú Gám – Yên Thành, Lễ hội Pu Nhạ Thầu, Lễ hội Đền Cửa – Nghi Khánh, Lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan... Vào dịp 30/4 và 1/5 có Lễ hội Du lịch Cửa Lò. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, nhân dân cả tỉnh tổ chức Lễ hội Làng Sen. Ngoài ra còn có Lễ hội Uống nước nhớ nguồn nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và nhiều các lễ hội dòng họ khác của đồng bào các dân tộc, các địa phương. Sở VHTT-DL đã yêu cầu Trung tâm VHTT tỉnh, Ban quản lý DTDT, Bảo tàng Tổng hợp, Bảo tàng Xô Viết có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn; phòng và trung tâm VHTT các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa và các quy chế, quyết định, chỉ thị để công tác tổ chức các lễ hội năm 2013 diễn ra được nghiêm túc, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.



Lễ rước tại Đền thờ Đức Nguyên Tổ họ Hồ ở Bàu Đột, xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh.

PV: Về công tác chỉ đạo cụ thể của Sở đối với các hoạt động lễ hội trong năm 2013 như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, ngay từ cuối năm 2012, Sở VHTT và DL đã lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt 3 yêu cầu: Thứ nhất, tất cả các lễ hội phải xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Thứ hai, phần lễ phải thống nhất. Bài tế phải viết đúng nội dung, bám sát chủ đề, ngắn gọn, thời lượng khoảng từ 15 - 20 phút. Riêng các vật phẩm để tiến cúng phải đặt đúng yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo đặc trưng của từng lễ hội. Thứ ba, cấm triệt để các hình thức mê tín dị đoan, bói toán, các trò chơi có thưởng... làm ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa tâm linh của lễ hội. Đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, không đốt pháo nổ, vệ sinh môi trường sạch sẽ từ khi diễn ra cho đến ngày kết thúc lễ hội.

PV: Một trong những vấn nạn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động lễ hội là các tệ nạn mê tín dị đoan, các trò chơi có thưởng. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Phạm Tiến Dũng: Có thể khẳng định rằng: Nhiều lễ hội vẫn tồn tại công khai những hoạt động như cờ bạc, bói toán, xóc thẻ..., cảnh tượng khách đi lễ chen lấn, tranh giành tại nơi thờ tự, xả rác xuống khuôn viên di tích, đặt tiền không đúng nơi quy định, chèo kéo, đeo bám khách... Để giảm thiểu những tồn tại này, trước hết chính quyền sở tại cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thay đổi nhận thức, có ý thức hơn với việc bảo vệ di tích, bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, ban quản lý các di tích nơi diễn ra lễ hội cần quản lý chặt chẽ các hoạt động có hình thức biến tướng, cần xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm. Riêng ngành VHTT-DL, từ trước Tết Nguyên đán đã giao cho Trung tâm VHTT tỉnh, Ban quản lý DT và DT tiến hành tập huấn về công tác quản lý lễ hội cho cán bộ phụ trách di sản văn hóa, ban quản lý đền, chùa... Đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phân công giám sát các di tích theo từng tuyến đường. Yêu cầu các địa phương cấm triệt để các hiện tượng trên, nếu như vi phạm sẽ bị đoàn kiểm tra liên ngành của sở xử lý theo đúng quyết định của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

PV: Để giảm thiểu tình trạng đốt vàng mã “quá tải”, ngành VHTT và DL đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Để triển khai thực hiện Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa có hiệu quả, thời gian qua, ngành VHTT và DL đã gửi công văn cho UBND các huyện, thành, thị, phòng VHTT, Trung tâm VHTT, các đền, chùa, trong toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn về quản lý lễ hội, các nghị định, pháp lệnh về xử phạt vi phạm trong lễ hội, nhất là việc cấm đốt vàng mã trong lễ hội, tại các di tích. Sở VHTT và DL tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra và sẽ xử phạt nghiêm minh những trường hợp đốt vàng mã với khối lượng lớn. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu tình trạng này, các địa phương, ban quản lý đền, chùa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được việc làm của mình là tốn kém, gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta hãy học tập các phật tử ở chùa Liên Hoa (quận 11, TP Hồ Chí Minh) hơn 10 năm liền không đốt vàng mã. Thượng tọa trụ trì ngôi chùa đó đã vận động các phật tử khi đến lễ chùa không sử dụng vàng mã mà để dành tiền làm từ thiện.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!


Thanh Thủy