Chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi
(Baonghean) - Theo dự báo, từ nay đến Tết Quý Tỵ, miền Trung và miền Bắc còn phải chịu nhiều đợt rét đậm kéo dài. Ở các đợt rét vừa qua và hiện tại, dù đã thực hiện các biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, nhưng trên địa bàn tỉnh ta, việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm ở một số địa phương và người dân chưa thực sự chủ động thực hiện... Ngay từ thời điểm này, cần quyết liệt trong công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Yên Thành là huyện thuần nông, trâu, bò là chủ lực cày kéo, là tài sản hàng hóa có giá trị lớn của người nông dân. Chính vì vậy, bảo vệ an toàn cho đàn trâu bò trong mùa đông giá rét là nhiệm vụ cấp thiết đối với cấp ủy đảng, chính quyền và bà con nhân dân nơi đây.
Hàng năm cứ mùa đông gió lạnh về gia đình anh Thái Văn Hùng ở xóm 8, xã Mỹ Thành, Yên Thành lại bận rộn sửa sang, che chắn chuồng trại, dự trữ rơm, rạ và các nguồn thức ăn cho con trâu của mình. Trong gần một tuần qua, thời tiết chuyển mùa, trời mưa lạnh, vì vậy, anh không cho trâu vào rừng chăn thả đến tận tối mới cho về chuồng như thường ngày mà chủ động nuôi nhốt, che chắn chuồng trại, đệm thêm thảm rơm và cho trâu ăn bằng những loại thức ăn mà gia đình đã chuẩn bị sẵn. Anh cho biết: Để chủ động chống rét trong mùa đông này, thì thứ nhất, chuồng trại phải che và kéo bạt cho kín, ấm. Thứ hai là phải dự trữ thức ăn, rơm rạ đầy đủ. Thứ ba là thức ăn tươi, những ngày giá rét không cho vật nuôi đi ăn ngoài mà phải cho trâu bò ăn thêm thức ăn bột, như ngô đập bột trộn với cám để trâu đủ sức tránh rét. Anh Phạm Xuân Kỳ ở xóm 1, xã Bảo Thành, cho biết: Gia đình tôi ngoài nuôi trâu cày kéo còn nuôi 7 con bò, vì thế để chủ động chống rét, che chắn chuồng trại, luôn dự trữ thức ăn về rơm rạ phục vụ đầy đủ, gia đình cần tận dụng các bìa cạnh bờ vườn trồng cỏ bổ sung thức ăn tươi, ban đêm kiểm tra, bỏ rác, rơm rạ làm lót đệm giữ ấm cho bò.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, huyện Yên Thành đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò. Ngay từ đầu tháng 12/2012, trong hội nghị triển khai sản xuất vụ xuân 2013, UBND huyện nhấn mạnh nội dung chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu bò như củng cố chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, đủ điều kiện phòng, chống đói rét và dịch bệnh; chủ động dùng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu bò trong mùa đông. Bên cạnh đó, chỉ đạo trạm thú y, các ngành liên quan và 39 xã, thị trấn trên địa bàn khuyến cáo, đôn đốc bà con nông dân thực hiện triệt để các nguyên tắc trong chăn nuôi, tiêm phòng đủ, đưa trâu bò về chuồng, hướng dẫn che chắn chuồng trại và phương pháp ủ chua thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn trâu bò trong những ngày rét đậm. Ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng Trạm Thú y huyện Yên Thành, khuyến cáo: Để chủ động chống rét cho trâu, bò, xã đã khuyến cáo cho nhân dân các biện pháp: che chắn chuồng kín ấm, rét dưới 15 độ thì phải đốt củi cho trâu bò sưởi, cho trâu bò uống nước ấm và muối, không cho trâu bò ra đồng cày bừa hoặc ra đồng cày bừa khi nhiệt độ xuống dưới 200C.
Là huyện miền núi cao, ở Tương Dương tồn tại tập quán chăn nuôi thả rông trâu, bò từ rất lâu đời. Bởi vậy, vào mùa rét hầu như không năm nào địa phương này không có trâu bò chết trong rừng. Ông Hoàng Sỹ Thìn- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Toàn huyện có trên 10 nghìn con trâu và trên 23 nghìn con bò, trong đó chủ yếu được nuôi thả rông.. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, ngay từ đầu tháng 11/2012, huyện đã ban hành công văn hướng dẫn các xã, chỉ đạo chuẩn bị chuồng trại tạm, tuyên truyền để bà con tuyệt đối không thả rông trong những ngày giá rét, nhiệt độ xuống dưới 160C. Tuy nhiên, do tập quán nuôi thả rông, người dân hầu như chưa có ý thức chủ động trong việc dự trữ thức ăn nên đàn trâu bò thường bị đói. Do đó, hàng năm, thiệt hại do đói rét trên địa bàn huyện là khá lớn. Vụ đông xuân 2010- 2011, toàn huyện có 262 con gia súc bị chết và vụ đông xuân 2011- 2012 có 14 con.
Giữ ấm và dự trữ thức ăn khô cho trâu, bò trong ngày giá rét.
Xác định, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi là vấn đề cần hết sức chủ động, ngay từ đầu tháng 10, Sở NN&PTNT đã có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc về vấn đề này. Đến thời điểm hiện tại, ngành đã thành lập đoàn, dự kiến từ 10- 25/1/2013 sẽ đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương, đồng thời có các hướng dẫn, bổ cứu cần thiết. Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT)- ông Lưu Công Hòa cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ huyện, thành phố, thị xã đến phường, xã tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và đói rét cho gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đồng thời thành lập các đoàn, cử cán bộ xuống tận các thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc.
Hiện ở các huyện đồng bằng, do trâu bò là tài sản quý, việc chống rét cho đàn vật nuôi được bà con nông dân thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, ở các địa phương vùng núi cao, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương, đặc biệt là địa phương cấp xã cần tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân làm chuồng nhốt gia súc trong những ngày giá rét, không được thả rông gia súc trong rừng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật liệu giữ ấm cho gia súc khi cần như làm áo khoác, chuẩn bị trấu, củi để những đêm lạnh giá, nhiều sương sẽ đốt lên sưởi ấm cho gia súc. Đặc biệt, trong những ngày mưa rét kéo dài và những ngày rét đậm dưới 120C, tuyệt đối không sử dụng trâu bò cày kéo, không chăn thả gia súc ngoài đồng, bãi. Phải bổ sung thức ăn tinh và uống nước ấm, đưa trâu bò về nuôi nhốt tại chuồng để kiểm soát, đồng thời cho ăn bổ sung thức ăn thô, khoáng, vitamin để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi.
Bên cạch đó, chính quyền các địa phương cần quan tâm vào cuộc, thông tin kịp thời về thời tiết, khí hậu tới tận người chăn nuôi, phổ biến cụ thể và kịp thời kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống rét để người dân dễ áp dụng; Đặc biệt, chủ tịch UBND cấp xã phải chỉ đạo ban thú y, ban cán sự khối, xóm tăng cường kiểm tra giám sát tình hình sức khoẻ và diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phát hiện và xử lý kịp thời khi có biểu hiện suy kiệt do đói, rét, dịch bệnh. Khuyến khích, vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia công tác giám sát dịch, báo cáo dịch kịp thời, không dấu dịch. Các địa phương cử cán bộ xuống tận các thôn bản, hộ dân để hướng dẫn, biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh, trâu bò đổ ngã kịp thời xử lý các loại dịch bệnh, trâu bò đổ ngã phát sinh do thời tiết giá lạnh kéo dài và báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Phú Hương – Anh Tuấn (CTV)